Bắc Giang là tỉnh có nhiều điều kiện để phát triển ngành Nông nghiệp đa dạng hoá các mặt hàng nông sản, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực. Do vậy, khi triển khai Chương trình OCOP tỉnh đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các chủ thể tham gia.
Hết năm 2023, Bắc Giang có 290 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, tăng 85 sản phẩm so với năm 2022, vượt 60 sản phẩm so với kế hoạch. Trong đó, lần đầu tiên tỉnh có 2 sản phẩm đủ điều kiện đánh giá, phân hạng 5 sao cấp quốc gia, 24 sản phẩm 4 sao, 263 sản phẩm 3 sao. Đáng chú ý, có 3 sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Với số lượng này, đưa Bắc Giang trở thành một trong những tỉnh có nhiều sản phẩm OCOP của khu vực miền núi phía Bắc và cả nước.
Các chủ thể là hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh, nhiều chủ thể là thanh niên trẻ có trình độ, nhiệt huyết khởi nghiệp từ nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm thể hiện sự sáng tạo của người dân. Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đều là những sản phẩm thế mạnh, đặc sản của các địa phương. Một số sản phẩm được công nhận là sản phẩm chủ lực, đặc trưng tiềm năng của tỉnh như: vải thiều Lục Ngạn; mỳ gạo Chũ; gà đồi Yên Thế...; sản phẩm của các làng nghề truyền thống, làng nghề như: mỳ Chũ; rượu Vân; bún Đa Mai…
Giờ đây, các sản phẩm đều có đầy đủ hồ sơ về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm; có sự quan tâm, đầu tư lớn đến hoạt động truy xuất nguồn gốc; hồ sơ công bố chất lượng; câu chuyện sản phẩm… Hình thức mẫu mã, bao bì, nhãn mác phù hợp với đặc tính sản phẩm được các chủ thể quan tâm thiết kế đồng bộ, hiện đại, một số sản phẩm bao bì đẹp, bắt mắt…
Nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như: ISO 22000, HACCP, VietGAP, GlobalGAP… Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH của tỉnh.
Đáng chú ý, có 03 sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
Một số sản phẩm OCOP thế mạnh của tỉnh Bắc Giang có khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn và đã có hoạt động xuất khẩu trực tiếp như: Sản phẩm của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu VIFOCO; các sản phẩm của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu; giấm Kim Ngân; bánh nông sản Bình Minh…
Đặc biệt, các sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, vải sớm Phúc Hòa đã được xuất khẩu sang các thị trường yêu cầu chất lượng cao như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia…, qua đó đã góp phần nâng tầm vị thế của sản phẩm nông sản Bắc Giang trên thị trường trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới.
Sau khi được công nhận OCOP các sản phẩm đã nâng cao được chất lượng, thương hiệu, mở rộng thị trường, từ đó giá trị mang lại cũng cao hơn. Bà Đào Thị Hương, Giám đốc, HTX Sản xuất kinh doanh tiêu thụ mỳ Trại Lâm, ở xã Nam Dương (Lục Ngạn) cho biết, khi triển khai Chương trình OCOP, HTX được hỗ trợ tư vấn làm sản phẩm, được hỗ trợ tham gia trưng bày tại các hội chợ. Khi đã đạt OCOP, có thương hiệu sản phẩm được nhiều người biết đến, từ đó sản phẩm cũng bán được giá hơn. Năm 2023, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 300 tấn mỳ các loại, xuất khẩu đi Anh, Lào, Campuchia, Nhật Bản khoảng 30 tấn. Từ đầu năm đến nay, trung bình HTX cung cấp ra thị trường từ 25-30 tấn/tháng.
HTX Rau sạch Yên Dũng là một trong những HTX có diện tích trồng các loại dưa, rau theo tiêu chuẩn VietGAP lớn của huyện Yên Dũng với quy mô 60 ha, trong đó có gần 10 ha được sản xuất theo mô hình nhà lưới công nghệ cao ứng dụng hệ thống tưới tiêu, bón phân tự động theo công nghệ Israel những năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo bà Trần Thị Thu Trang, Phó Giám đốc HTX, khi chưa có thương hiệu, chưa được chứng nhận OCOP, có thời điểm dưa chuột chỉ bán với giá từ 1.000-2.000 đồng nhưng không ai mua. Khi được chứng nhận OCOP, dưa chuột trồng quanh năm, giá trị sản phẩm được nâng cao, dễ tiêu thụ hơn, xuất bán tại vườn từ 20.000-22.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 26.000 đồng/kg.
Sau khi được công nhận OCOP, sản phẩm mỳ của Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ mỳ Chũ Nam Thể tiêu thụ cũng mở rộng hơn.
Cùng vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nam, Phó giám đốc HTX Sản xuất và Tiêu thụ mỳ Chũ Nam Thể cho biết, sản lượng tiêu thụ của HTX năm 2021 đạt trên 800 tấn, doanh thu trên 25 tỷ đồng; năm 2022 đạt 900 tấn, doanh thu 27 tỷ đồng; năm 2023 đạt trên 1.000 tấn, doanh thu 30 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ từ Bắc vào Nam, qua các kênh siêu thị, chợ đầu mối. HTX đã liên kết qua các công ty, đại lý có uy tín xuất sang nhiều nước như: Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước EU với sản lượng 100-150 tấn/năm.
Theo ông Nam, khi được công nhận sản phẩm OCOP, thương hiệu càng có vị thế hơn, được khách hàng ưa chuộng hơn, thị trường tiêu thụ cũng mở rộng hơn. Giờ đây, sản phẩm vào siêu thị hay xuất khẩu cũng dễ hơn, HTX có nhiều đơn đặt hàng hơn.
Theo lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Giang, các sản phẩm được công nhận OCOP có chất lượng tốt. Khi đã được công nhận sản phẩm lưu thông tốt hơn, giá bán cũng cao hơn. Ví dụ: 1 con gà Yên Thế mua đầu vào 70.000 đồng/kg, qua chế biến đạt 70-75% trọng lượng, khi cung cấp ra bên ngoài bán 179.000 đồng/kg. Chi phí đầu vào, bao bì, công, chế biến hết khoảng gần 90.000 đồng/kg, như vậy, sau chế biến, có thương hiệu, được công nhận OCOP chủ thể còn lãi gần gấp đôi.
Năm 2024, để khuyến khích phát triển các sản phẩm OCOP, mỗi năm tỉnh Bắc Giang bố trí khoảng 5,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp tỉnh khoảng 2,7 tỷ đồng/năm, hỗ trợ cho các sản phẩm 4 sao và 5 sao; ngân sách cấp huyện khoảng 2,7 tỷ đồng/năm, hỗ trợ cho sản phẩm 3 sao. Với mức chi từ ngân sách như trên, việc thực hiện chính sách hoàn toàn có tính khả thi sẽ là động lực khích lệ các chủ thể sản xuất khai thác các lợi thế của địa phương, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển nhiều sản phẩm OCOP có giá trị cao.
Ông Nguyễn Xuân Việt, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Vifoco trong một lần trao đổi với phóng viên về 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Tỉnh Bắc Giang xác định, tập trung rà soát đánh giá tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm hiện có, định hướng các tổ chức kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP. Tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng. Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh hướng dẫn chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm tham gia Chương trình theo Bộ tiêu chí OCOP gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương bao gồm: Các đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; phối hợp đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ xây dựng các điểm bán hàng, đẩy mạnh công tác truyền thông thông qua các hội chợ lớn, xây dựng cẩm nang sản phẩm để quảng bá tại các hội nghị xúc tiến cung cầu.
Đặc biệt, để tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm OCOP, ngày 26/5/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Công văn số 2749/UBND-KGVX yêu cầu các sở, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bắc Giang. Đảm bảo 100% các sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chí 3 sao trở lên của địa phương được đưa lên sàn thương mại điện tử để rộng mở đầu ra.
Ông Nguyễn Văn Luy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Giang cho biết thêm, năm 2024, tỉnh tập trung phát triển Chương trình OCOP theo chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Theo đó, Bắc Giang phấn đấu năm 2024 lũy kế tối thiểu có 350 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; xây dựng, phát triển ít nhất 2 sản phẩm đủ điều kiện đánh giá 5 sao cấp quốc gia.
Bắc Giang phấn đấu năm 2024 lũy kế tối thiểu có 350 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Tiếp tục chú trọng phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững. Bắc Giang sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ chủ thể phát triển hoàn thiện sản phẩm OCOP; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn các huyện, thành phố.
Cùng với đó, tỉnh sẽ quan tâm hướng dẫn thành lập mới, củng cố, phát triển HTX, doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm OCOP; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong đánh giá, phân hạng và quản lý sản phẩm OCOP; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện và quản lý sản phẩm Chương trình OCOP sau khi được chứng nhận…