PGS.TS. Lê Quốc Doanh chia sẻ: Với góc nhìn của một người có hơn 30 năm gắn bó với Sơn La và miền núi phía Bắc ở nhiều vị trí công tác khác nhau, tôi nghĩ rằng thành tựu của nông nghiệp Sơn La hôm nay là tổng hòa nhiều yếu tố, trong đó có ba yếu tố cốt lõi là thiên thời, địa lợi và nhân hòa. “Nổi bật nhất là yếu tố con người và quan trọng nhất, khác biệt nhất cũng ở yếu tố con người”, ông Lê Quốc Doanh khẳng định.
Đó là từ ông Lê Quốc Doanh dùng để diễn tả cảm xúc về câu chuyện về thành tựu của nông nghiệp Sơn La hôm nay. Ngỡ ngàng khi trở lại miền đất dốc dù thời gian ngắn hay dài. Với quãng thời gian bén duyên với vùng đất này từ khi còn là nhà khoa học trẻ, mang sứ mệnh đưa những giống cây trồng ngắn ngày lên hỗ trợ đồng bào vùng cao xóa đói giảm nghèo. Với quãng thời gian làm Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc, có nhiều đề tài khoa học, dự án hỗ trợ người dân thay đổi phương thức, đối tượng sản xuất để từng bước tiếp cận nông nghiệp hàng hóa. Và cả giai đoạn làm Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, đã luôn sát cánh cùng Sơn La phê duyệt các chủ trương về phát triển trồng trọt, đặc biệt đối với cây ăn quả và cây công nghiệp dài ngày ở Sơn La nói riêng và miền núi phía Bắc nói chung. “Nếu là người gắn bó nhiều năm với Sơn La chắc chắn sẽ nhìn thấy sự thay đổi ngỡ ngàng đó. Sự thay đổi mà năm 2020 Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường từng dùng từ “hiện tượng”, còn cá nhân tôi muốn dùng từ bùng nổ, nhất là trong khoảng mười năm trở lại đây khi đất và người Sơn La đã làm nên sự đổi thay kỳ diệu. Thủ phủ ngô nghèo khó ngày trước đã và đang trở thành vùng nguyên liệu, chế biến cây ăn quả, cây công nghiệp không chỉ của khu vực miền núi phía Bắc mà còn nằm trong tốp đầu của cả nước.Vùng nhãn Sông Mã, vùng cà phê chè Mai Sơn, vùng mận Yên Châu, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu…, vùng nguyên liệu dứa, xoài, chanh leo, ngô rộng lớn để phục vụ các nhà máy chế biến, những mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc được bà con kiến thiết bài bản, khoa học và đẹp tựa như tranh. Lên Sơn La hôm nay có thể dễ dàng cảm nhận một màu xanh của cây trái, rau quả, cùng với đó là màu xanh của rừng đang dần tái sinh trên những đồi cao, dễ khiến người ta hình dung về sự ấm no và bền vững”, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cảm nhận.
Nhìn lại thành tựu nông nghiệp của Sơn La, ông Lê Quốc Doanh phân tích, có ba yếu tố. Thứ nhất về yếu tố thiên thời, có thể thấy rằng tỉnh Sơn La đã chuyển mình làm cuộc cách mạng trên vùng đất dốc đúng vào thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (năm 2013), cùng với đó là vấn đề mở cửa thị trường, tham gia vào các hiệp định thương mại, các chương trình hợp tác quốc tế, hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng. Thời cuộc và thời cơ người Sơn La đã nhìn thấy chính là nền tảng để nông nghiệp Sơn La có những chủ trương, chính sách chuyển đổi đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, xu thế. Thứ hai là địa lợi, là điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu với trên 1,1 triệu ha đất nông nghiệp và đất rừng, diện tích trồng trọt hơn 212,6 nghìn ha, trong đó diện tích cây ăn quả đạt hơn 84 nghìn ha… Sự đa dạng về địa hình, khí hậu, đặc biệt là dọc Quốc lộ 6 có 2 cao nguyên Mộc Châu và Cao nguyên Nà Sản với độ cao trung bình 800 – 1.000m mang đặc trưng khí hậu cận ôn đới rất thuận lợi phát triển chè, cà phê, các loại rau, hoa và nhất là cây ăn quả. Cùng với lợi thế khí hậu, lợi thế rừng là những “địa lợi” khác của Sơn La cũng như khu vực miền núi phía Bắc.
Tuy nhiên, với nông nghiệp cần góc nhìn khoa học và toàn diện. Không có gì hoàn toàn là lợi thế hay bất lợi, vấn đề cần phải nhìn nhận đúng để có lựa chọn phù hợp, biến bất lợi thành lợi thế phát triển. Đó chính là yếu tố thứ ba – nhân hòa - yếu tố quan trọng nhất. Tôi luôn nghĩ rằng nông nghiệp Sơn La bùng nổ nhờ yếu tố con người, cũng là yếu tố tạo nên sự khác biệt rất lớn so với nhiều địa phương khác. Sự hòa hợp, đồng lòng, tinh thần cầu thị xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là khát vọng của người đứng đầu đã cùng với bà con các dân tộc tỉnh Sơn La làm nên nông nghiệp hôm nay. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi vì yếu tố “thiên thời, địa lợi” nhiều địa phương có, nhiều người nhìn thấy, tuy nhiên để hiểu được tiềm năng lợi thế, nhìn thấy và nắm bắt thời cơ, từ đó có chủ trương, chính sách, hành động sẽ cần đến yếu tố nhân hòa. Nhân hòa trong quyết tâm chính trị, nhân hòa trong sự hòa hợp, kết nối nguồn lực bên trong và bên ngoài, từng ngày, từng vụ vật lộn qua gian khó mới có được ngày hôm nay.
Yếu tố nhân hòa xuyên suốt câu chuyện phát triển của Sơn La. Còn nhớ trước Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh Sơn La vào năm 2015, tỉnh Sơn La mới chỉ có khoảng 30 nghìn ha cây ăn quả, diện tích đất canh tác hơn 90% là đất dốc, diện tích cà phê chè chỉ khoảng 10 nghìn ha. Thực hiện Nghị quyết của Đại hội XIV về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, nhiều lần tôi cùng với ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La ở thời điểm đó đi xuống các địa phương và tận thấy sự quyết tâm, kiên định của người đứng đầu. Phẩm chất đó truyền lửa đến cả hệ thống chính trị tỉnh Sơn La. Những khó khăn, tranh cãi ban đầu nhanh chóng nhường chỗ cho khí thế hừng hực và sự nhất quán, đồng lòng của đội ngũ cán bộ địa phương, bà con nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Chính yếu tố đó đang dần hiện thực mục tiêu 100 nghìn ha cây ăn quả, làm nên diện tích gần 21 nghìn ha cà phê chè, lớn nhất cả nước hiện nay. Khát vọng và quyết tâm chính trị cao cùng với chủ trương đúng, chính sách phù hợp, tinh thần quyết liệt đã giống như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong cả hệ thống chính trị để từng bước đưa Sơn La chuyển mình. Vừa tổ chức sản xuất vừa sơ kết, tổng kết để đánh giá hiệu quả, có sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, cũng như khuyến khích động viên kịp thời để tạo nên sự đồng thuận, khơi dậy ý chí quyết tâm của người Sơn La. Cùng với đó là tinh thần cầu thị, kết nối với các cơ quan trung ương, kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, tất cả vì khát vọng Sơn La.
Có hai câu chuyện minh chứng về khát vọng nông nghiệp của người Sơn La làm tôi ấn tượng mãi. Thứ nhất, khi Sơn La thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, nhiều lần tôi được mời tham dự những cuộc tổng kết hàng năm của tỉnh tôn vinh những hộ gia đình, hợp tác xã sản xuất kinh doanh giỏi. Quy mô nhỏ thôi, nhưng hầu hết các đồng chí lãnh đạo trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều có mặt. Ông Bí thư Tỉnh ủy lên đọc báo cáo rất trang trọng. Hay những buổi triển lãm nông sản Sơn La ở Hà Nội, xuất khẩu lô xoài đầu tiên, đều thấy Bí thư Tỉnh ủy có mặt từ đầu đến cuối. Một sự quyết liệt và kiên định, bền gan hiếm có. Chỉ một hành động của người đứng đầu vừa thể hiện sự đồng lòng, trân trọng đóng góp của bà con lại vừa thể hiện vai trò sẵn sàng đồng hành của cả hệ thống chính trị để cùng nhau thay đổi, phát triển. Câu chuyện nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn lao. Bởi suy cho cùng, với bất cứ địa phương nào, khi đưa ra một chủ trương mới đến người dân đã không phải chuyện dễ dàng rồi, huống hồ đó lại là chủ trương phát triển cây ăn quả với chu kỳ của cây trồng tương đối dài hơi càng khó khăn hơn. Cho nên tôi luôn nghĩ rằng chính yếu tố con người, với sự quyết tâm, đồng lòng của đội ngũ lãnh đạo địa phương, hệ thống chính trị và bà con nông dân đã làm nên hiện tượng nông nghiệp Sơn La. Chuyện thứ hai, khoảng đầu năm 2020 tôi cùng anh em ở Bộ được anh Lò Minh Hùng, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh (nay là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La) dành trọn một ngày đi thăm hàng loạt mô hình thâm canh cây ăn quả, rau và cà phê chè, rất ấn tượng. Hôm sau, làm việc tại tỉnh, anh Lò Minh Hùng đề nghị Bộ nên có định hướng phát triển cây ăn quả cho vùng Tây Bắc, với quy hoạch cụ thể cho từng địa phương trong vùng, tỉnh nào trồng cây gì, diện tích bao nhiêu phải rõ ràng, để tránh tình trạng các tỉnh “đồng ca”, ồ ạt làm theo nhau rồi “sập” hết… Từ đề xuất đó, hơn một năm sau, Đề án “Phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh vùng Tây Bắc đến năm 2030” đã được Bộ NN – PTNT phê duyệt tại Quyết định 5018 ngày 24/12/2021. Chỉ một chi tiết đó đã phần nào thể hiện sự quan tâm, trăn trở và tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh Sơn La đối với nông nghiệp không chỉ của riêng địa phương mình mà còn của cả khu vực. Họ nhìn thấy tiềm năng, lợi thế, cơ hội của địa phương, phải nắm bắt để hành động, nhưng đồng thời cũng nhìn thấy những khó khăn, thách thức có thể sẽ xảy đến.
Một yếu tố nhân hòa nữa được thể hiện rất rõ, đó là người Sơn La rất trọng thị khoa học và thực tiễn cũng cho thấy chính khoa học đã góp phần cực kỳ quan trọng làm nên những thành tựu nông nghiệp của Sơn La. Câu chuyện ngày trước là các giống lúa, giống ngô, sau này là giống cây ăn quả, cà phê, kỹ thuật ghép cải tạo nhãn, na, xoài…, kỹ thuật canh tác trên vùng đất dốc, trồng cây phủ đất, vận động bà con không đốt bỏ xác thực vật để phủ đất vừa giữ nước, vừa tạo độ mùn cho đất, hạn chế xói mòn bằng tạo tiểu bậc thang… Hầu hết các nhà khoa học lẫy lừng trong lĩnh vực nông nghiệp mà tôi biết ít nhiều đều gắn bó và có những dấu ấn, thành tựu rõ rệt liên quan đến vùng đất Sơn La. Và thành tựu khoa học lớn nhất hôm nay chính là 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được công nhận, gồm: Vùng chè ứng dụng công nghệ cao Vinatea Mộc Châu; Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa Mộc Châu; Vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao; Vùng na ứng dụng công nghệ cao… Cùng với đó là 12 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó có 11 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Người Sơn La tiến từng bước dài nhưng chắc chắn, chủ động và rất khoa học. Nhân hòa của nông nghiệp Sơn La còn được thể hiện qua các chủ trương, chính sách, cách thức kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp mà tôi nghĩ đúng là đất lành chim đậu. Kết quả là nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp đã đến và hiện diện ở đây như: Nhà máy bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn ICFood Hàn Quốc tại huyện Vân Hồ; Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH; Nhà máy chế biến nông sản của Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc; Trung tâm chế biến rau quả, thực phẩm Doveco Sơn La… Các nhà máy chế biến cà phê như Phúc Sinh, Minh Tiến, Cát Quế; Nhà máy chế biến đường lỏng Glucose BHL Sơn La… Và cuối cùng, tôi nghĩ là cơ duyên hòa hợp. Vào những năm tháng lịch sử, vùng đất Sơn La đã đón nhiều người miền xuôi di dân lên đây, những con người đến từ những vùng đất có truyền thống sản xuất nông nghiệp rất giỏi như Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định…, họ mang theo khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm canh tác lên Sơn La để vừa tạo động lực mới, vừa chia sẻ, hợp tác với nhau trong sản xuất, đời sống, phát triển cộng đồng. Tất cả những yếu tố đó cùng nhau làm nên bức tranh nông nghiệp Sơn La hôm nay mà cá nhân tôi đánh giá là một bức tranh diệu kỳ. Bức tranh ấy sẽ còn kỳ diệu hơn nữa khi rồi đây cây ăn trái sẽ góp phần giảm phát thải carbon, khi rừng Sơn La sẽ đẻ ra tiền, khi đời sống người nông dân Sơn La sẽ ngày một khởi sắc. Tiếp cận thị trường, công nghệ, kinh tế phát triển, giúp tâm thế, vị thế người nông dân cũng sẽ khác, mỗi ngày.
Nhìn thành tựu nông nghiệp Sơn La hôm nay tất nhiên là phấn khởi, nhưng cũng đã đến lúc cần phải tính đến chuyện lâu dài, bền vững, ngay từ bây giờ. Bởi vì, xét về lượng, mọi thứ đang dần đi đến gần giới hạn. Tài nguyên đất đai, sức khỏe đất đai, cây trồng và những bài học về cây dài ngày đang bị suy thoái ở một số địa phương để Sơn La có thể nhìn vào. Cần có sự tính toán, có những bước đi căn cơ và dài hạn cho hiện tượng Sơn La thực sự phát triển bền vững. Sau thời gian bùng nổ về diện tích, sản lượng, giờ đây tỉnh Sơn La cũng đã xác định mục tiêu giữ ổn định khoảng 100 nghìn ha cây ăn quả, 25 nghìn ha cà phê chè, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nâng cao chuỗi giá trị… Tuy nhiên tôi cho rằng rất cần phải có gói kỹ thuật để làm giải pháp cho từng đối tượng cây trồng, từng địa phương, từng vùng. Mục tiêu cao nhất là bồi bổ đất, nâng cao sức khỏe của đất, sức khỏe của cây trồng, từ đó nâng cao giá trị nông sản, nâng cao giá trị gia tăng.
Quan trọng nhất là sức khỏe của đất. Có thể hôm nay đất đai đang tốt, đang màu mỡ, nhưng về lâu dài cần phải được chăm sóc, bồi bổ liên tục nếu muốn phát triển bền vững, nhất là đối với diện tích chủ yếu là đất dốc như ở Sơn La. Diện tích đất là hữu hạn, độ phì nhiêu của đất là hữu hạn, rất cần giải pháp kỹ thuật để bồi bổ dinh dưỡng, giữ độ ẩm, độ mùn, hạn chế xói mòn cho đất. Tăng sức khỏe cho đất cũng đồng nghĩa với giảm thiểu các loại bệnh gây hại đến cây trồng. Tiếp đến là giải pháp gói kỹ thuật cho đối tượng cây trồng. Từ khâu giống đến kỹ thuật ghép, tạo tán tỉa cành, sử dụng phân bón, thuốc BVTV như thế nào, rải vụ ra sao, chế biến bảo quản như thế nào…, tất cả đều phải có gói kỹ thuật để trở thành giải pháp phát triển bền vững. Lấy ví dụ cà phê chè của Sơn La chẳng hạn. Lợi thế đất đai, khí hậu ai cũng nhìn thấy, vấn đề bây giờ là giải pháp khoa học để tăng năng suất bởi dư địa còn rất lớn. Không phải câu chuyện 3 tấn một ha nữa mà có thể tăng lên thành gấp đôi. Hay câu chuyện cây xoài, cây na, cây nhãn và nhiều loại cây trồng khác cũng vậy. Với kinh nghiệm của một người đã từng nghiên cứu và cùng với các nhà khoa học ban hành các gói kỹ thuật tái canh cà phê, gói kỹ thuật cho lúa gạo, chè… tôi cho rằng vấn đề này vô cùng quan trọng đối với nông nghiệp Sơn La trong chặng đường phát triển tới đây. Có thể hiểu là Sơn La tiếp tục cần yếu tố nhân hòa để phát triển bền vững. Tận dụng nguồn lực bên trong, nguồn lực bên ngoài, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, cầu thị và phát huy giá trị của khoa học để cùng với bà con nông dân, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp tổ chức sản xuất khoa học và thực sự bền vững. Tôi mong muốn rồi đây Sơn La sẽ có một trung tâm nghiên cứu khoa học, có thêm những nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ..., xu thế nông nghiệp tuần hoàn, kinh tế tuần hoàn sẽ bắt đầu từ những bước đi căn cơ như thế. Với yếu tố nhân hòa xuyên suốt qua nhiều thế hệ lãnh đạo, với sự hòa hợp của người miền xuôi và miền ngược, tin tưởng rằng bức tranh nông nghiệp Sơn La sẽ còn tiếp tục bùng nổ.
Câu chuyện nông nghiệp Sơn La chính là lát cắt trong tổng thể bức tranh nông nghiệp khu vực miền núi phía Bắc. Cùng điều kiện tự nhiên, khí hậu, cùng có lợi thế đất đai, văn hóa của các đồng bào dân tộc nhưng tại sao chỉ có câu chuyện cây ăn quả Sơn La, câu chuyện chè ở Thái Nguyên? Nếu nói về tiềm năng, lợi thế của miền núi phía Bắc là điều ai cũng nhìn thấy. Đó là không gian phát triển lớn nhất với tổng diện tích toàn vùng khoảng 116.898 km2, chiếm 35% diện tích tự nhiên của cả nước, là nơi sinh sống của hơn 30 đồng bào các dân tộc. Có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước; là “phên dậu” của tổ quốc, là “cửa ngõ” phía Tây và phía Bắc của quốc gia. Đó là diện tích rộng lớn đất nông nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước. Từ đất đai, khí hậu, con người, văn hóa xã hội đều là lợi thế. Vấn đề là phải phát huy lợi thế đó như thế nào, chiến lược, giải pháp ra sao thì rất cần câu chuyện nhân hoà như ở Sơn La. Chúng ta có quy hoạch chung của vùng, có chính sách liên kết vùng nhưng nhìn chung nhiều thứ vẫn còn chung chung, chưa rõ. Cần phải có những câu chuyện như Đề án “Phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh vùng Tây Bắc đến năm 2030”. Phải rõ ra lợi thế của từng vùng, từng địa phương để từ đó lựa chọn đối tượng sản xuất, quy mô sản xuất phù hợp. Không thể Sơn La xoài thì Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Lai Châu cũng xoài. Hòa Bình cam thì Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang cũng cam… Thay vào đó, cần một tầm nhìn dài hạn, vừa để tránh câu chuyện “đổ vỡ chung” vừa nâng cao lợi thế cạnh tranh của từng địa phương. Cuối cùng, như Bộ trưởng Bộ NN – PTNT Lê Minh Hoan nhiều lần chia sẻ, nông nghiệp xanh là xu thế không thể đảo ngược, không chỉ bán sản phẩm mà còn bán cách tạo ra sản phẩm, nhiều giá trị vô hình chúng ta chưa khai thác lắm khi có giá trị nhiều hơn cái hữu hình mà ta đang theo đuổi… Với miền núi phía Bắc, dư địa phát triển, nâng cao giá trị nông nghiệp còn rất lớn, nếu không muốn nói là vô hạn. Thiên thời, địa lợi đã rõ, vấn đề cốt lõi vẫn là nhân hoà như đã phân tích ở trên, yếu tố cốt lõi để miền núi phía Bắc phát triển nhanh và thực sự vững bền.
Trong 10 năm kể từ thời điểm thực hiện Nghị quyết của Đại hội XIV về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, Kết luận của Thường vụ Tỉnh ủy chuyển mạnh từ diện tích trồng cây ngắn ngày sang trồng cây ăn quả, tỉnh Sơn La cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách mang tính đột phá để làm nên hiện tượng nông nghiệp Sơn La. Giai đoạn 2010 - 2016 tập trung hỗ trợ mở rộng các mô hình sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, sản lượng cao, khả năng chống chịu được dịch bệnh; hỗ trợ đưa vào sản xuất công nghệ tưới tiết kiệm nước và tiết kiệm phân bón… Tỉnh ủy Sơn La cho chủ trương đặt hàng nghiên cứu các đề tài khoa học hàng năm, trọng tâm là các đề tài, dự án khoa học công nghệ về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Năm 2017 tập trung hỗ trợ chuyển đổi, thành lập các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp để tăng cường liên kết giữa các hộ gia đình trong tổ chức quản lý sản xuất, nhất là các hộ gia đình đang sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, tập trung. Kết nối hình thành các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản theo nhu cầu thị trường, phát triển bền vững.
Từ năm 2018 đến nay Sơn La tập trung thu hút đầu tư các dự án bảo quản, chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu. Thực hiện hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho sản xuất giống cây trồng, vật nuôi và hỗ trợ trồng mới cây trồng đối với các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, khu vực xảy ra thiên tai… Hỗ trợ thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, VietGAP, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc các loại nông sản, xây dựng thương hiệu nông sản, thực phẩm, hỗ trợ công tác sơ chế, bảo quản, chế biến các loại nông sản… Cùng với đó là loạt chính sách đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản tập trung, hỗ trợ tìm kiếm mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Điển hình như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La (Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND ngày 28/2/2020); Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025 (Nghị quyết số 50/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022)… Chỉ trong vòng 3 năm từ 2020 - 2023 đã có 7 chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sử dụng ngân sách tỉnh do HĐND, UBND tỉnh Sơn La ban hành với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 123,5 tỷ đồng. Nhờ đó nông nghiệp Sơn La đã đạt được những thành tựu nổi bật như tốc độ tăng trưởng GRDP toàn ngành nông lâm nghiệp thủy sản giai đoạn 2020 - 2023 bình quân đạt 5,1%/năm. |