Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2024  

Cảnh giác nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong kỳ nghỉ lễ

Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024 | 20:29

Cả nước bắt đầu kỳ nghỉ lễ kéo dài dịp 30/4, 1/5, đây cũng là thời điểm các địa phương ven biển tổ chức Lễ hội du lịch hè năm 2024. Nhu cầu đi du lịch của người dân tăng cao, trong điều kiện thời tiết nắng nóng như thế này, nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn tiềm ẩn.

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, miền Bắc sẽ chịu tác động của hoàn lưu vùng áp thấp nóng phía tây nên nắng nóng từ ngày 26/4 đến 1/5. Như vậy, nắng nóng diễn ra trên cả nước trong dịp nghỉ lễ dài ngày. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, người đi du lịch tăng cao, nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra.


 Kỳ nghỉ lễ năm 2024 kéo dài 5 này, nhu cầu đi du lịch tăng cao, nguy cơ ngộ độc thực phẩm khó tránh khỏi 

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2023) làm 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 người tử vong (giảm 4 ca so với cùng kỳ năm 2023).

Theo Bộ Y tế, có rất nhiều vấn đề liên quan đến ngộ độc thực phẩm, trong đó có ba nhóm nguyên nhân dễ gay ra ngộ độc thực phẩm: Thứ nhất, nhóm vi sinh vật, vi trùng nói chung trong đó phổ biến nhất là các vi khuẩn Ecoli, Salmonella… Phần lớn các vụ ngộ độc thực phẩm tại nước ta cũng do nhóm này gây ra mà nguyên nhân chủ yếu là bảo quản không đúng, chế biến chưa đảm bảo dẫn tới vi sinh vật tấn công vào thực phẩm và con người ăn phải.

Thứ hai, ngộ độc do độc chất, hóa chất trong quá trình nuôi trồng, bảo quản và chế biến. Các hóa chất hay gặp nhất là thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm, hóa chất bảo quản.

Thứ ba, thực phẩm có chứa độc tố. Một số thực phẩm đã chứa độc tố tự nhiên như nấm độc. Một số loại cá ở vùng rạn san hô cũng dễ nhiễm độc.

Thêm vào đó là quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách cùng với ý thức chấp hành quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ thêm, nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm mốc và nhiều tác nhân gây hại khác sinh sôi và phát triển nhanh chóng. Trời nóng còn làm cho thức ăn nhanh hỏng, dễ bị ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách. Ở khoảng 32-40 độ C, vi khuẩn phát triển nhanh nhất, có thể nhân đôi chỉ sau 20 phút.

Cùng với đó, nhiệt độ tăng cao khiến hệ miễn dịch của cơ thể dễ bị suy giảm, nhất là ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi. Khi tiếp xúc với các độc tố của vi khuẩn trong thực phẩm, cơ thể sẽ giảm khả năng chống cự hơn.

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong dịp lễ

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong kỳ nghỉ lễ dịp 30/4 – 1/5 và mùa Hè, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội Đặng Thanh Phong khuyến cáo, người dân lựa chọn, mua, sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở các cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm và nên tuân thủ việc “ăn chín, uống sôi”.

Ngoài ra, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cũng cho biết, với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới”, Hà Nội triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2024 tập trung xử lý các vi phạm về ATTP và giảm thiểu ngộ độc thực phẩm.

Liên quan đến vấn đề này, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, để bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, tại các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể cần tăng cường biện pháp phòng tránh côn trùng, sinh vật có hại như: chuột, gián, kiến, ruồi, muỗi…

Bản thân mỗi người bán hàng, chế biến thực phẩm cần có trách nhiệm với thực khách. Khi phục vụ khách với đúng lương tâm và trách nhiệm, bảo đảm thực phẩm tươi, ngon, sạch sẽ thì quán hàng đó mới phát triển và tồn tại được lâu dài.

Theo các chuyên gia y tế, để tránh ngộ độc thực phẩm và rối loạn tiêu hóa khi đi du lịch, người dân lưu ý lựa chọn những nhà hàng và quán ăn có uy tín; tránh ăn những thực phẩm tái, sống, không rõ nguồn gốc hoặc không được bảo quản đúng cách.

Bên cạnh đó, người dân không nên ăn quá nhiều thực phẩm mới lạ trong cùng một thời điểm. Tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra, nên uống nước đóng chai hoặc nước sôi sạch; tránh uống nước đá và nước từ vòi hoặc máy lọc nước không đảm bảo vệ sinh.

Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn

Thị xã Cửa Lò được dự báo sẽ đón rất nhiều lượt khách về du lịch trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay. Ở thời điểm trước và trong lễ, các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thị xã đã tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho du khách.

Cần tăng cường kiểm tra để tránh xảy ra các vụ ngộc độc thực phẩm 

Ông Lưu Nhất Vũ, Phó Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Grand Cửa Lò cho biết: “Ở thời điểm này, bếp ăn, nhà hàng khách sạn có công suất phục vụ cho 2.000 khách mỗi ngày. Để đảm bảo an toàn thực phẩm mùa du lịch, khách sạn đã cử nhân lực tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do Sở Y tế, thị xã Cửa Lò tổ chức. Hàng tuần, khách sạn cũng thực hiện tập huấn cho nhân viên về bảo quản, chế biến thực phẩm. Khách sạn tăng cường tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ; đảm bảo thực phẩm đông lạnh không để tồn kho quá 7 ngày. Trong khâu bảo quản và chế biến, khách sạn hết sức chú ý đến các điều kiện vệ sinh sạch sẽ. Cùng với đó, thực hiện tốt việc kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn theo quy định”.

Để đảm bảo an toàn cho du khách, trước mùa du lịch, thị xã Cửa Lò tổ chức nhiều lớp tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm cho tất cả các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Đồng thời, thị xã cũng đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến thức ăn đến các cơ sở và người kinh doanh; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đảm bảo an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn đo lường để kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn.

Ngoài việc các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, trong dịp nghỉ lễ dài, khi đi du lịch, mọi người cần lưu ý để khỏi xảy ra ngộc độc thực phẩm.

Lựa chọn những nhà hàng và quán ăn có uy tín và đánh giá cao trên các trang web đánh giá.

Tránh ăn những thực phẩm tươi sống, chín không đầy đủ, không rõ nguồn gốc hoặc không được bảo quản đúng cách.

Bên cạnh đó, nên ăn thực phẩm được nấu chín hoàn toàn và ăn nóng. Điều chỉnh khẩu vị dần dần với thực phẩm địa phương.

Đặc biệt, không nên ăn quá nhiều thực phẩm mới lạ trong một lần. Uống nước đóng chai hoặc nước sôi sạch. Tránh uống nước đá và nước từ vòi hoặc máy lọc nước không đảm bảo vệ sinh.

Ngoài ra, nên tìm hiểu về thực phẩm địa phương và các món ăn đặc trưng của địa phương, đặc biệt là những thực phẩm có thể gây kích ứng cho dạ dày.

Để cho kỳ nghỉ lễ được an toàn, các gia đình vui vẻ bên gia đình và người thân, ngoài việc người đi tham quan, du lịch tự chuẩn bị đầy đủ cho gia đình đồ ăn, thức uống, thuốc men mang theo, thì rất cần các cơ sở kinh doanh cung cấp thực phẩm, nhà hàng chế biến thực phẩm phải tuân thủ nghiêm túc các quy định về an toàn thực phẩm. Các cơ quan chức năng, quản lý nhà nước cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để bào đảm kỳ nghỉ lễ kéo dài này và mùa du lịch năm nay không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn.

 

Theo Báo  Kinh tế đô thị điện tử; Báo  Lao động điện tử; Báo Nghệ An điện tử

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top