Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 16 tháng 6 năm 2024  

Chăn nuôi hướng đến mục tiêu xuất khẩu 3-4 tỷ USD

Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024 | 15:59

Trong vài năm gần đây, ngành chăn nuôi đã đạt một số kết quả khả quan. Tuy vậy, việc triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, với 3 đề án lớn, nhằm thực hiện mục tiêu xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 1 - 1,5 tỷ USD vào năm 2025 và đạt 3 - 4 tỷ USD vào năm 2030 cũng còn không ít trở ngại, thách thức phải vượt qua.

Những đề án nâng tầm sản xuất

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1625/QĐ-TTg ngày 15/12/2023 phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đến năm 2030; Quyết định số 1740/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030 và Quyết định số 1741/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030 nhằm thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, những năm qua, ngành chăn nuôi có bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Đây là nền tảng, cơ sở quan trọng để định hướng chiến lược phát triển chăn nuôi trong thời gian tới. Ba đề án ưu tiên bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống, tạo tiền đề quan trọng để nâng tầm sản xuất chăn nuôi ở Việt Nam.

Tuy vậy, nhìn thẳng vào thực tế thấy, ngành chăn nuôi của ta đang đối mặt với chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao, nhận thức của người chăn nuôi về chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi còn hạn chế; giá thức ăn chăn nuôi còn cao; nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi phụ thuộc vào nhập khẩu; người chăn nuôi thiếu vốn; thiếu quỹ đất; hệ thống thú y cơ sở biến động về nhân sự; vấn đề chất lượng giống vật nuôi cũng cần được quan tâm ưu tiên; quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, giảm phát thải, sản xuất khép kín chưa được mở rộng...

Dây chuyền chế biến sản phẩm thịt gà tại nhà máy của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam ở Khu Công nghiệp Phú Nghĩa (Hà Nội). Ảnh: Vũ Sinh

Tập trung 3 khâu: Thức ăn, giống và chế biến

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết, Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đề ra mục tiêu sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đạt 24-25 triệu tấn vào năm 2025 và 30-32 triệu tấn vào năm 2030. Đề án đưa ra định hướng công nghiệp hóa sản xuất các loại thức ăn bổ sung trong nước có lợi thế (chế biến vi sinh vật, enzyme, thảo dược, các loại hợp chất thiên nhiên, khoáng đa lượng, khoáng vi lượng, khoáng tự nhiên...) để cung cấp khoảng 20-25% nhu cầu vào năm 2025 và 30-35% vào năm 2030.

Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong chế biến các loại phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp, chế biến thực phẩm... làm thức ăn chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, nâng cao giá trị sử dụng và hiệu quả kinh tế.

Đề án Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030 với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, giống vật nuôi đặc sản đáp ứng nhu cầu sản xuất chăn nuôi trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Đề án đề ra nhiều nhiệm vụ.

Một, xây dựng được ngân hàng giống quốc gia, ưu tiên các doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ sinh học và quản lý giống theo hình tháp trong sản xuất giống.

Hai, nâng cấp, hiện đại hóa một số trung tâm giống hiện có và tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ trong ngành giống vật nuôi tạo động lực thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất giống vật nuôi.

Ba, đến năm 2030, nước ta có thể chủ động sản xuất được nguồn giống vật nuôi chủ lực cấp bố mẹ và con thương phẩm có năng suất, giảm nhập khẩu các giống vật nuôi chủ lực: đáp ứng tối thiểu 90% nhu cầu giống lợn, 80% nhu cầu giống gà, 100% nhu cầu giống vịt, 70% nhu cầu giống bò thịt.

Bốn, khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi bản địa theo hướng sản xuất hàng hóa có hiệu quả gắn với du lịch sinh thái.

Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đặt ra định hướng phát triển các cơ sở giết mổ quy mô tập trung, công nghệ hiện đại gắn với vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa; bảo đảm tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 60% và 40% vào năm 2025, khoảng 70% và 50% vào năm 2030.

Về phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi: mục tiêu giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1 - 1,5 tỷ USD vào năm 2025 và từ 3 - 4 tỷ USD vào năm 2030.

Thu hút đầu tư

Trên cơ sở các quyết định được phê duyệt, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành kế hoạch chi tiết nhằm triển khai hiệu quả các Đề án.

Đối với Đề án phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030: Tập trung nâng cao năng lực sản xuất giống vật nuôi quy mô công nghiệp có khả năng chọn tạo giống có năng suất cao mang thương hiệu Việt Nam. Tổng điều tra xây dựng bản đồ ngân hàng giống vật nuôi bản địa quốc gia để khai thác và phát triển theo lợi thế, đặc trưng vùng miền. Từ đó, nâng cao năng lực nuôi giữ giống vật nuôi quốc gia đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học.

Cùng với đó, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giống vật nuôi nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp giống vật nuôi; nâng cao năng lực kiểm tra năng suất, khảo nghiệm, kiểm định giống vật nuôi.

Đối với Đề án phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đến năm 2030: Tập trung đánh giá trình độ công nghệ và đề xuất giải pháp cải tiến công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp; Phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn bổ sung; Phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi; Phát triển vùng sản xuất nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi.

Đối với Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030: Tập trung khảo sát, đánh giá định kỳ (năm 2025, 2027, 2029) về điều kiện vệ sinh an toàn dịch bệnh, an toàn chất lượng; trình độ năng lực công nghệ về giết mổ, chế biến các sản phẩm chăn nuôi.

Xây dựng bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn, chính sách đặc thù của lĩnh vực giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Phát triển hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chế biến các sản phẩm chăn nuôi: Thu hút các doanh nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi có quy mô lớn với thiết bị chế biến hiện đại, đồng bộ, công nghệ tiên tiến, gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, an toàn dịch bệnh và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; đa dạng hóa chủng loại sản phẩm chế biến...

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo: “Do nguồn lực hạn chế nên các đơn vị có liên quan phải xác định rõ các nhiệm vụ, cụ thể hóa nội dung công việc, thời hạn, tài chính cho từng giai đoạn, sản phẩm dự kiến đạt được, không chung chung”.

Đồng thời phải chủ động phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trực thuộc Bộ và các bộ, ngành, địa phương để đạt được mục tiêu đề ra. Kịp thời lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của các đề án vào chương trình, kế hoạch, hoạt động có liên quan tại các đơn vị thuộc Bộ, địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện kế hoạch.

Thị trường rộng mở

Theo Cục Chăn nuôi, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất thịt lợn (thị phần thịt xẻ chiếm 49% tổng thịt lợn thế giới); thứ 3 thế giới về sản lượng thịt bò; thứ 3 thế giới về sản lượng thịt gia cầm. Nhưng với hơn 1,4 tỷ dân, đây  vẫn là thị trường tiềm năng về thịt và sản phẩm chăn nuôi nói chung (đứng đầu tiêu thụ thịt lợn, thứ 2 về tiêu thụ thịt bò và thịt gia cầm của toàn cầu).

Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có sữa và tổ yến là các sản phẩm chăn nuôi được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc nhờ đã ký nghị định thư. Ngày 26/4/2019, Việt Nam chính thức ký kết với Trung Quốc “Nghị định thư về yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc”. Năm 2023, xuất khẩu sữa tươi của Viêt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 123 triệu USD, tăng 2,5 lần so với năm 2022. Ngày 16/11/2023, Việt Nam xuất khẩu chính ngạch lô sản phẩm tổ yến đầu tiên sang thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư ký giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (ngày 9/11/2022).

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, phát triển thị trường tiêu thụ cần tập trung vào các thị trường như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU; mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi… Tận dụng các FTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)  để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông - lâm - thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dân địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài. Các cơ quan chuyên môn theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu; đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.

Trang trại nuôi lợn thịt Tiến Thành, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì (Hà Nội) được đầu tư theo tiêu chí nông thôn mới.

Doanh nghiệp phải tiên phong

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến xuất khẩu nông sản, trong đó có sản phẩm chăn nuôi. Để xuất khẩu, đầu tiên là phải đảm bảo vùng nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, nếu tất cả hệ thống chính trị, các nguồn lực không được vận dụng thì khó thành. Tồn tại lớn nhất trong nhiều năm qua là tỷ lệ tiêm vắc xin còn chưa đạt nên các tỉnh, thành phố cần phải rà soát lại vấn đề này để tham mưu, tháo gỡ, có chính sách hỗ trợ.

Ông Phùng Đức Tiến gợi mở hướng giải quyết bài toán khó của ngành chăn nuôi gồm 3 mũi nhọn: Tập trung chống buôn lậu; Xiết chặt nhập khẩu và Đẩy mạnh xuất khẩu. Để tạo vùng an toàn dịch bệnh, cần tăng tỷ lệ tiêm phòng, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo chuỗi chứ không rời rạc. Cần lập lại hệ thống thú y các cấp.

Ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước như Dabaco, Masan, Xuân Thiện, Tân Long, Thiên Thuận Tường, Mavin, GREENFEED, Trường Hải, Hòa Phát, TH, Vinamilk… và các doanh nghiệp FDI như C.P, Japfa Comfeed, New Hope, CJ, Sunjin, Emivest… tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi theo hướng công nghiệp, hiện đại, tiếp cận theo hướng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm khép kín. Riêng năm 2022, có 81 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với số vốn hơn 2,2 tỷ USD (chiếm hơn 12% tổng số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam).

Theo tìm hiểu, lý do các doanh nghiệp chăn nuôi trong và ngoài nước chưa mặn mà với việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi là do chi phí sản xuất cao, cạnh tranh khó; giá bán tại nội địa đang cao nên không xuất khẩu (Ví dụ: giá bán thịt lợn tại Thái Lan khoảng 38.000-40.000 đồng/kg, trong khi bán ở Việt Nam là hơn 50.000 đồng/kg thì không cần xuất khẩu). Vì vậy, Cục Thú y cần tham mưu với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT về chiến lược cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư chăn nuôi ở Việt Nam phải hướng đến xuất khẩu mới được cấp phép.

 

Trần Thị Ngọc Mai

Xem thêm

1 2[3]Trang cuối
Top