Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 6 tháng 7 năm 2024  

Đình chỉ hoạt động trang trại lợn gây ô nhiễm môi trường

Thứ tư, ngày 3 tháng 7 năm 2024 | 20:6

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã yêu cầu đình chỉ hoạt động trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao của Công ty CP đầu tư nông nghiệp Agri-Vina do gây ô nhiễm môi trường.

Đình chỉ hoạt động trang trại từ ngày 30/7

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cùng với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương đã trực tiếp tới khu vực trang trại nuôi lợn của Công ty CP đầu tư nông nghiệp Agri-Vina (viết tắt Công ty Agri–Vina, đóng tại địa bàn xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh) để kiểm tra, chỉ đạo xử lý việc trang trại gây ô nhiễm, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng tới hàng nghìn hộ dân địa phương.

Tại buổi làm việc, đoàn kiểm tra ghi nhận, trang trại đang nuôi trên 20.000 con lợn thịt trọng lượng từ 40kg đến 100kg. Một số dãy chuồng nuôi để trống do đã xuất bán lợn.

Trang trại chăn nuôi lợn của Công ty Agri–Vina được thành lập cuối năm 2023. Từ khi trang trại đi vào hoạt động, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã nhận được phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường tại trang trại chăn nuôi lợn này.

Đoàn kiểm tra xác định, việc người dân phản ánh về hoạt động nuôi lợn của Công ty Agri-Vina làm phát sinh mùi hôi, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh trong thời gian gần đây là đúng.

Người dân tập trung đông người, phản đối trại lợn gây ô nhiễm môi trường kéo dài tại huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa.

Nguyên nhân phát sinh mùi hôi, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanhlà do việc quản lý, vận hành máy phát điện sử dụng khí gas chưa đúng quy trình, dẫn đến khí biogas bị rò rỉ, thoát ra môi trường; lớp lưới chắn mùi hôi phía sau các dãy chuồng nuôi bị hở; khí thải, mùi hôi tại một số vị trí chuồng trại thoát ra không được xử lý, giảm thiểu; việc sử dụng hóa chất, chế phẩm vi sinh để xử lý, giảm thiểu mùi hôi chuồng nuôi không đảm bảo liều lượng.

Mặc dù công ty đã có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng các biện pháp giảm thiểu khí thải, nhưng việc xử lý mùi hôi vẫn còn chưa hiệu quả, ảnh hưởng tiêu cực đến khu dân cư xung quanh. Chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng cũng đã vào cuộc xem xét, xử lý trách nhiệm của công ty, song tình trạng trên vẫn chưa được khắc phục, gây bức xúc trong dân, dẫn đến tình trạng khiếu kiện và tập trung đông người trước trang trại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo làm rõ việc trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao của Công ty CP đầu tư nông nghiệp Agri-Vina gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Đặng Trung)

Tại buổi làm việc, sau khi nghe ý kiến của Nhân dân, chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan đã trao đổi, làm rõ một số vấn đề liên quan và đưa ra các giải pháp khắc phục. Đồng thời, đề nghị công ty có biện pháp quản lý, vận hành hệ thống xử lý môi trường đảm bảo quy trình.

Đại diện Công ty Agri-Vina nhận trách nhiệm trong việc để phát tán mùi hôi thối vào khu dân cư. Đồng thời, cam kết từ nay đến 5/8/2024, doanh nghiệp tiếp tục giảm đàn, khắc phục hệ thống xử lý mùi. Khi nào khắc phục xong và đáp ứng được các tiêu chuẩn trong việc chăn nuôi mới tiến hành tái đàn.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang, khẳng định: Thanh Hóa luôn đồng hành với doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo lợi ích cho người dân và chính quyền sở tại. Tuy nhiên, hoạt động của trang trại thời gian qua đã gây ảnh hưởng đến đời sống người dân; có nguy cơ gây mất an ninh trật tự do việc kiểm soát môi trường chưa đảm bảo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định đình chỉ hoạt động trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao tại xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh của Công ty Agri-Vina từ ngày 30/7/2024. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ các nguồn phát sinh mùi hôi để có phương án xử lý, điều chỉnh biện pháp xử lý phù hợp.

Lợi ích “kép” từ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học

Thời gian qua, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chăn nuôi của các hộ dân nuôi nhỏ lẻ. Trong khi đó, các trang trại có quy mô lớn ít bị ảnh hưởng bởi áp dụng nghiêm ngặt phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (ATSH) giúp phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế dịch bệnh xâm nhập.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm chăn nuôi lợn, anh Nguyễn Văn Dũng, xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên) đã rút ra bài học, chăn nuôi lợn theo quy mô lớn, áp dụng phương pháp ATSH, bảo đảm kỹ thuật giúp kiểm soát dịch bệnh, hạn chế được rủi ro trong quá trình sản xuất. Anh Dũng chia sẻ kinh nghiệm: Nuôi lợn ATSH bắt buộc người nuôi phải kiểm soát toàn bộ quá trình từ khâu con giống đến việc tìm nguồn thức ăn, tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại. Trong quá trình nuôi phải ghi chép nhật kí chăm sóc, tiêm phòng để tiện theo dõi. Ngoài ra, trang trại lắp đặt hệ thống uống tự động, camera giám sát để hạn chế số lượng người ra, vào trại... Nhờ việc áp dụng nghiêm ngặt kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt là phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn nên trang trại với quy mô trên 1 nghìn con của gia đình anh Dũng luôn phát triển tốt, giảm ô nhiễm môi trường. Trong thời điểm bùng phát dịch tả lợn châu Phi, trang trại của gia đình anh không bị ảnh hưởng, mọi hoạt động chăn nuôi vẫn diễn ra bình thường, lợn thương phẩm xuất bán ra thị trường đều đặn, bảo đảm về chất lượng.

Trạng trại chăn nuôi gà Đông Tảo của anh Nguyễn Văn Quân, xã Đông Tảo (Khoái Châu) được nhiều khách hàng đánh giá cao vì chất lượng thịt thơm ngon, rắn chắc. Để xây dựng được thương hiệu cho riêng mình, anh Quân đã áp dụng thành công phương pháp chăn nuôi theo hướng ATSH và mang lại nhiều lợi ích “kép”. Đến nay, gia đình anh xuất bán trung bình khoảng 4 tấn gà thương phẩm/năm với lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng. Anh Quân khẳng định: Ngoài việc tuân thủ chặt chẽ quy trình chăn nuôi theo hướng ATSH từ con giống, khâu vệ sinh chuồng trại, máng ăn, nguồn gốc thức ăn… thì điều đặc biệt chú ý là tiêm phòng và bổ sung vitamin, dưỡng chất cho đàn gà để tăng sức đề kháng, hạn chế dịch bệnh xâm nhập. Lịch tiêm phòng cho gà khá dày, thường chu kỳ mỗi lứa phải tiến hành 4 mũi tiêm cơ bản. Ngoài ra, tôi còn tiến hành kiểm tra định lượng kháng thể của gà để đánh giá khả năng chống lại mầm bệnh, kịp thời có hướng điều chỉnh chế độ ăn và bổ sung vitamin phù hợp.

Mô hình chăn nuôi gà ATSH của nông dân xã Xuân Trúc (Ân Thi) Mô hình chăn nuôi gà ATSH của nông dân xã Xuân Trúc (Ân Thi)

Đó chỉ là 2 trong số nhiều trang trại trong tỉnh đang áp dụng thành công phương pháp chăn nuôi theo hướng ATSH. Để thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững, những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương quy hoạch khu vực chăn nuôi xa khu dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi xây dựng các trang trại, gia trại áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn với bảo vệ môi trường. Thực hiện chủ trương đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng các mô hình chăn nuôi ATSH như: Nuôi lợn theo hướng ATSH, nuôi gà ATSH, chăn nuôi trâu, bò theo hướng VietGAHP...

Năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT đã hỗ trợ 26 hộ chăn nuôi lợn, gà, vịt sinh sản áp dụng phương pháp chăn nuôi ATSH, an toàn dịch bệnh với trên 4 nghìn con lợn, trên 35 nghìn con gà và trên 34 nghìn con vịt; hỗ trợ đánh giá chứng nhận VietGAHP cho 23 hộ chăn nuôi. Theo khẳng định của các hộ chăn nuôi, áp dụng phương pháp chăn nuôi theo hướng ATSH giúp vật nuôi sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, giảm chi phí đầu vào, giảm công chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, hạn chế dịch bệnh, hiệu quả kinh tế tăng khoảng 20%, tỉ lệ dịch bệnh giảm khoảng 30%, sản phẩm có đầu ra ổn định và tiêu thụ thuận lợi…

Bảo đảm ATSH trong chăn nuôi là cần thiết để phòng, chống dịch bệnh, góp phần sản xuất sản phẩm sạch, giảm ô nhiễm môi trường và nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. Cùng với những thuận lợi, người chăn nuôi trong tỉnh vẫn đang phải khắc phục một số khó khăn để nhân rộng các mô hình chăn nuôi ATSH. Do đó, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có liên quan trong việc bảo vệ, hướng dẫn người chăn nuôi nhằm góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Giải pháp để phát triển chăn nuôi xanh

Thời gian qua, Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững và đặt ra mục tiêu đạt net zero vào năm 2050. Hiện nay, xu thế phát triển chăn nuôi ở Việt Nam là: ngành sản xuất nông nghiệp đang phục vụ ngày càng nhiều cho chế độ ăn toàn cầu hóa. Nâng cao chất lượng; sản xuất thực phẩm hữu cơ; thân thiện với môi trường và coi trọng phúc lợi động vật. Tập trung giải quyết các điểm yếu về năng suất, chất lượng sản phẩm, vệ sinh ATTP, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Trong khi đó, xu thế phát triển chăn nuôi trên thế giới là giảm diện tích sản xuất và dân số làm nông nghiệp, nhưng sẽ làm gia tăng tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đông lạnh và chế biến. Phát triển hệ thống chăn nuôi trong những thập kỷ tới chắc chắn sẽ liên quan đến sự cân bằng giữa an ninh lương thực, nghèo đói, bình đẳng, bền vững môi trường và phát triển kinh tế. Nâng cao chất lượng; sản xuất thực phẩm hữu cơ; thân thiện với môi trường và coi trọng phúc lợi động vật.

Chính vì thế, chăn nuôi bền vững cần tập trung vào việc vật nuôi được nuôi dưỡng và chăm sóc tốt, không bị ngược đãi, được tự do thể hiện các tập tính tự nhiên. Cung cấp cho người tiêu dùng nguồn thực phẩm (thịt, trứng, sữa) chất lượng cao, an toàn, giá cả hợp lý. Người chăn nuôi có lợi nhuận, môi trường được bảo vệ. Luôn đảm bảo hài hòa về lợi ích của người chăn nuôi, người tiêu dùng, vật nuôi và bảo vệ môi trường.

Để bắt kịp xu thế chăn nuôi xanh, Việt Nam cần áp dụng chăn nuôi thông minh vào thực tế sản xuất. Áp dụng đồng bộ các công nghệ thông minh như công nghệ cảm biến, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, máy móc,… vào chăn nuôi. Các công nghệ được lựa chọn có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và khả năng của người chăn nuôi. Liên kết chuỗi chăn nuôi khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”, nghĩa là liên kết từ trại chăn nuôi kết nối với thu gom, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi (kể cả xuất khẩu); liên kết năm nhà (Nhà nước, Nhà nông, Nhà doanh nghiệp, Nhà băng (ngân hàng) và Nhà khoa học). Sản phẩm chăn nuôi an toàn, giá cả hợp lí, sẽ giúp cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Đối với ngành chăn nuôi, việc xử lý chất thải, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp đang được áp dụng với những quy mô khác nhau. Ngành chăn nuôi đang đẩy mạnh hướng dẫn nông dân thu gom chất thải vật nuôi để nuôi trùn quế, ruồi lính đen… tạo nguồn protein làm thức ăn cho vật nuôi trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, vừa chuyển hóa chất thải thành phân bón hữu cơ, vừa giảm tác hại đến môi trường.

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cần áp dụng mạnh mẽ các công nghệ hiện đại, chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn. Cần kiểm soát tốt chuỗi sản xuất: Kiểm soát kháng sinh, quy trình chăn nuôi, chất lượng nguyên liệu đầu vào, kiểm soát chặt chẽ đầu ra, để vừa tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, vừa bảo vệ và thân thiện với môi trường. Hiện nay, đã có những doanh nghiệp áp dụng thành công như C.P Việt Nam, Tập đoàn TH, Công ty CP Chăn nuôi GREENFEED Việt Nam… Khi các doanh nghiệp tập trung sản xuất xanh, thân thiện với môi trường thì những sản phẩm đến tay người tiêu dùng là những sản phẩm tốt nhất. Những sản phẩm này sẽ đáp ứng được xu hướng tiêu dùng hiện nay là sử dụng các sản phẩm xanh, sạch. Đây là một trong những yêu cầu được đặt ra trong “Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050” của Việt Nam, là cầu nối cấp thiết của việc chuyển đổi phương thức tiêu dùng theo hướng bền vững nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam đã xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ đến hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm cả những quốc gia có tiêu chuẩn cao như Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản,… là một minh chứng rõ rệt cho thấy tầm quan trọng của chăn nuôi xanh, chăn nuôi tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái.

 

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ Congly, Baohungyen, channuoi)

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top