Năm nay, Hội đồng thẩm định đã lựa chọn được 56 “Nhà khoa học của Nhà nông” Trong đó có, 37 Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ; 19 người có trình độ đại học và trình độ khác với những công trình nghiên cứu, giải pháp sáng tạo, sản phẩm công nghệ đã được ứng dụng rộng rãi và được các cơ quan chức năng chứng nhận mang lại nhiều lợi ích cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và người nông dân.
Một trong số các Nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng điển hình được vinh danh năm nay là GS.TS Hoàng Thị Thái Hoà, Trưởng Khoa Nông học, Trưởng Đại học Nông lâm, Đại học Huế với 35 đề tài trong và ngoài nước đã hoàn thành và đang thực hiện 2 đề tài cấp Bộ, 3 dự án hợp tác quốc tế, 1 nhóm nghiên cứu mạnh cấp Đại học Huế, 2 đề tài cấp tỉnh. Các Đề tài nghiên cứu nổi bật là: “Quản lý tổng hợp đất, nước và cây trồng trên đất cát biển duyên hải Nam Trung Bộ”, “Nghiên cứu quy trình sản xuất phân bón lá sinh học từ thực vật thủy sinh cho một số loại rau ăn lá tại tỉnh Thừa Thiên - Huế” và “Nghiên cứu sản xuất phân bón hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp".
Nông dân sáng tạo được vinh danh năm nay là ông Võ Văn Út, sinh năm 1961, là hội viên nông dân đến từ Long An. Các giải pháp sáng tạo của ông Út là “Máy gieo hạt bắp” với giải pháp này trong 2 giờ máy có thể gieo được 01 ha, tiết kiệm chi phí khoảng 20 công lao động so với cách gieo truyền thống; “Dụng cụ gieo mè” sau khi cải tiến lại bộ phận gieo hạt mè máy có công suất 20 mã lực đã tiết kiệm chi phí công lao động hơn 2 triệu đồng/ha; “Máy nhổ đậu phộng” giúp thu hoạch ruộng đậu nhanh trong ngày, tránh được thất thoát sau thu hoạch. Máy nhổ đậu phộng này hoàn chỉnh, đậu được xếp theo luống, ít thất thoát khi phóng đậu. Trong 3 giờ máy nhổ được 1ha đậu, tương đương với 30 công lao động thủ công.
HTX được tôn vinh tiêu biểu có ông Ngô Chí Thắng Giám đốc - Công ty TNHH Một Thành viên Liên hợp Khoa học – Công nghệ - Môi trường BIWASE với các giải pháp như: “Chế tạo thiết bị sản xuất phân Compost tại Việt Nam” và giải pháp “Xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm phân compost”. Các giải pháp này đã có tác dụng về hiệu quả kinh tế: Tận dụng được nguyên liệu sẵn có là rác thải hữu cơ; cải thiện chất lượng đất và nông sản do phân Compost giúp cải thiện độ phì nhiêu của đất; giảm chi phí liên quan đến xử lý rác thải đóng góp vào phát triển bền vững. Về mặt xã hội: Tăng cường nhận thức cộng đồng; phát triển kinh tế địa phương, giảm thiểu ô nhiễm; xử lý chất thải hiệu quả, khuyến khích mô hình kinh tế toàn hoàn.
Tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông” năm 2022.
Chương trình tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông” lần thứ V năm 2024, xây dựng và nâng cao nhận thức về vai trò cực kỳ quan trọng của mối quan hệ giữa Nhà nông và Nhà khoa học, nhằm thực hiện có hiệu quả: Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII của Đảng về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 46-NQ-TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; Thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, nâng cao năng suất, chất lượng tốt và bảo vệ môi trường bền vững, thông qua đó nâng cao kiến thức cũng như mức độ hưởng thụ thành quả của Nhà nông, Nhà khoa học, hài hoà lợi ích với cộng đồng người tiêu dùng...
Lễ tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” lần thứ V - năm 2024, sẽ được tổ chức tại Nhà hát Quân đội - Số 130, Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội và truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam, từ 09h00 đến 10h10 ngày 03/10/2024.