Thời gian qua, người dân nơi đây bức xúc trước việc các đầu nậu khai thác cát trái phép sát với khu vực ở bãi bồi Soi Bầu ảnh hưởng đến việc canh tác hoa màu.
Người dân bức xúc phản ánh sự việc.
Theo ông Trần Văn Mùi (SN 1969, ngụ thôn Mỹ Thạnh Tây), gia đình ông sống dựa vào trồng dâu tằm ở khu vực này hơn chục năm nay. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, hàng chục chiếc xe tự chế với kết cấu “đầu máy cày, đuôi rơ moóc” chạy ra Soi Bầu khai thác cát trái phép diễn ra liên tục. Trong khi đó, khu vực này người dân đã trồng rau, nông sản từ hàng chục năm qua. Chính vì vậy, hàng trăm mét đất trồng hoa màu bị sạt lở, dòng chảy của sông cũng bị thay đổi làm hoa màu bị úng nên không trồng được nữa đành phải bỏ. Thời điểm khai thác cát lậu thường hoạt động vào ban đêm, khoảng 18h đến rạng sáng và những ngày cuối tuần, ngày lễ.
Còn ông H.N.C (ngụ thôn Mỹ Thành Trung 1) bức xúc, khu vưc Soi Bầu là khu vực canh tác hoa màu gần 300 hộ dân nơi đây từ mấy chục năm nay. Hoạt động khai thác cát diễn ra từ cuối năm 2022, từ đó đến nay sạt lở diễn ra nghiêm trọng, ăn dần vào bờ bãi trồng hoa màu. Người dân đã kiến nghị nhiều lần, địa phương cũng nhiều lần kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác nhưng sau đó đâu vào đấy.
Tình trạng khai thác cát lậu làm thay đổi dòng nước, sạt lở bờ, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Tiến sát ra bờ sông với khuôn mặt bần thần khi một khối đất bãi bồi vừa sụt xuống, ông C. xót xa: “Nạn khai thác cát cứ tiếp diễn như thế này chẳng mấy chốc các bãi bắp bên bờ sẽ bị “nuốt” chửng!
Theo ông C., việc khai thác cát đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Có những lúc người dân quá bức xúc điện thoại trình báo địa phương thì bị mấy đối tượng này biết và đe doạ, người dân sợ bị trả thù nên sau đó cũng không dám lên tiếng.
UBND xã Hòa Phong tự đầu tư xây dựng rào chắn đường vận chuyển cát lậu tại đường chính ra vào khu vực bãi bồi Soi Bầu.
Để rộng đường dư luận, sáng 9/10, PV Kinh tế nông thôn có buổi làm việc với bà Đinh Thị Kim Tuyền, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong và hai Phó Chủ tịch UBND xã Đào Nguyên Thuấn, Lê Minh Quốc.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo xã thừa nhận có tình trạng khai thác cát lậu ở khu vực Soi Bầu với hơn 20 chiếc xe tự chế tham gia hoạt động. Trong 9 tháng năm 2024, UBND xã Hòa Phong đã triển khai 96 cuộc tuần tra, qua đó bắt giữ, xử lý hành chính 23 vụ vận chuyển cát trái phép. Gần đây nhất vào ngày 1/10, trong lúc ông Võ Trọng Thương (SN 1988, trú ở thôn Mỹ Thạnh Đông 1, xã Hòa Phong) đang vận hành xe tự chế đến Soi Bầu khai thác cát lậu, thì bị tổ công tác của xã lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển hồ sơ cho UBND huyện Tây Hòa xử lý theo thẩm quyền.
UBND xã Hòa Phong mở lối đi kế bên để người dân vận chuyển nông sản bằng xe máy
Thời gian qua, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp từ tuần tra kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn cho đến bắt giữ, xử lý vi phạm. Thế nhưng, nạn khai thác cát lậu ở địa phương này vẫn “nóng” lên.
Nhìn nhận đây là vấn đề khó, phức tạp, gây mất an ninh trật tự địa phương, vượt xa tầm kiểm soát của xã, UBND xã Hoà Phong đã có nhiều văn bản đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường, Tổ kiểm tra liên ngành về công tác khoáng sản huyện Tây Hòa phân công lực lượng phối hợp địa phương kiểm tra, xử lý. Tiếc rằng đề nghị của xã chưa được các cơ quan chức trách của huyện quan tâm hỗ trợ.
Bà Đinh Thị Kim Tuyền, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết, trước mắt, để ngăn chặn vấn nạn khai thác cát trái phép ảnh hưởng việc canh tác hoa màu của người dân, địa phương đã phải tự đầu tư xây dựng rào chắn đường vận chuyển cát lậu tại đường chính ra vào khu vực bãi bồi Soi Bầu, nhưng vẫn mở lối đi kế bên dành cho cộ bò, xe máy, xe đạp để người dân vận chuyển nông, đồng thời giao chìa khóa mở chắn cho một số nông dân có đất trồng trọt trên bãi bồi Soi Bầu sử dụng khi thu hoạch hoa màu.
Trao đổi với PV về bức xúc của người dân, ông Trịnh Văn Huấn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tây Hòa, cho biết sẽ phân công tổ công tác phối hợp UBND xã Hòa Phong kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật và sẽ thông tin đến báo chí sau.