Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024  

Làm gì để hạn chế tình trạng nông sản bản địa bị giả mạo?

Thứ năm, ngày 17 tháng 10 năm 2024 | 20:3

Nông sản Đà Lạt đang bị giả mạo xuất xứ nhằm thu lợi bất chính đang là thực trạng nhức nhối. Mặc dù, các cơ quan chức năng đã tích cực phối hợp bảo vệ, nhưng trong mười năm qua vẫn tái diễn xâm phạm thương hiệu nông sản Đà Lạt, gian lận và lừa gạt người tiêu dùng bằng các hành vi, thủ đoạn tinh vi hơn của những cơ sở kinh doanh từ quy mô vừa, nhỏ đến quy mô lớn trên địa bàn.

Nông sản Trung Quốc "đội lốt" Đà Lạt

Thương hiệu "Đà Lạt" từ lâu đã trở thành một trong những biểu tượng của chất lượng và uy tín trong ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng - Nam Tây Nguyên. Để không ngừng phát triển thị trường nội tiêu và xuất khẩu của thương hiệu “Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, người sản xuất nông nghiệp Đà Lạt và các huyện phụ cận đã nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới về nguồn giống chất lượng cao, chuyển đổi quy trình canh tác đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, trái ngược với nỗ lực xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản đặc trưng Đà Lạt, thời gian qua nhiều cơ sở kinh doanh có hành vi gian lận thương mại. Nhiều loại nông sản như: khoai tây, cà rốt, dâu tây từ nơi khác được thương lái đưa về địa phương để giả mạo nông sản Đà Lạt rồi cung ứng ra thị trường.

Nhuộm đất đỏ biến khoai Trung Quốc thành khoai Đà Lạt.

Mạo danh nông sản Đà Lạt không phải là hiện tượng mới, nhưng vẫn là một vấn đề nhức nhối kéo dài suốt nhiều năm. Nhiều mặt hàng nông sản từ nơi khác được các thương lái nhập về vùng rau Lâm Đồng và sau đó được bán dưới danh nghĩa nông sản Đà Lạt. Điều này khiến người tiêu dùng dễ bị lừa và gây khó khăn cho việc kiểm soát.

Trong mùa mưa, Đà Lạt không sản xuất khoai tây, nhưng khoai tây Trung Quốc lại tràn vào Việt Nam. Điểm tập kết của các lô hàng khoai tây Trung Quốc thường là các vựa nông sản ở Đức Trọng và Đơn Dương. Từ đây, khoai tây được phân phối ra thị trường, dễ dàng bị nhầm lẫn với khoai tây Đà Lạt. Sự mập mờ càng tăng lên khi các vựa nông sản thường phủ đất Đà Lạt lên khoai tây Trung Quốc để tăng độ tin cậy.

Điều này đã dẫn đến việc nhiều vựa nông sản bị phát hiện trộn đất đỏ Đà Lạt vào khoai tây Trung Quốc nhằm thay đổi xuất xứ nông sản. Giá khoai tây Trung Quốc chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, bằng một nửa giá khoai tây Đà Lạt, khiến người bán thu lợi bất chính từ sự mạo danh này.

Không chỉ khoai tây mà nhiều mặt hàng nông sản có lợi thế của Đà Lạt thường xuyên bị mạo danh suốt thời gian qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu nông sản Đà Lạt, gây ra sự cạnh trạnh không công bằng đối với nông sản Đà Lạt ngay tại thị trường trong nước. Điều đáng nói, thực tế này lại cứ kéo dài dai dẳng

Việc này làm mất uy tín thương hiệu nông sản, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trên thị trường

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cuối cùng bị thiệt hại về sức khỏe, tinh thần, kinh tế do không được dùng sản phẩm có chất lượng, đúng thương hiệu, xuất xứ và chỉ dẫn địa lý của nông sản đã cam kết. Cuối cùng, người trực tiếp sản xuất nông sản không được hưởng đúng giá trị mà mình tạo ra, các loại nông sản giả mạo thương hiệu bị người tiêu dùng phê phán, tẩy chay.

Ngoài ra, do giả mạo nên việc quản lý chất lượng nông sản lưu thông trên thị trường gặp nhiều khó khăn. Các cơ quan quản lý nhà nước liên quan phải dành nhiều thời gian và nguồn nhân lực để tăng cường các hoạt động tiền kiểm và hậu kiểm.

Bà Lương Thị Yến Vân - Giám đốc Hợp tác xã Vườn Nhà Đà Lạt bức xúc khi nông sản Đà Lạt bị giả mạo. Không những khoai tây mà các loại dâu tây và rau cũng bị giả mạo thương hiệu. Thậm chí khi nhắc đến trồng khoai hầu hết các nông dân đều rất ái ngại.

Theo bà Vân, lý do là vì giá nông sản giả mạo khoai Đà Lạt so với thị trường rất thấp. Người tiêu dùng nếu không phải người trồng thì rất khó nhận biết hàng Đà Lạt và hàng giả nên hàng thật bị lấn át.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Huy Đường - Chủ nông trại Langbiang Farm cũng bức xúc vì khoai tây, cà rốt, nho, táo, lê… rất nhiều loại nông sản bị giả mạo xuất xứ, hàng nhập khẩu nhưng “đội lốt” hàng Đà Lạt.

Hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Việt Nam

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho biết, các Bộ: NN&PTNT; Công thương, Khoa học và Công nghệ đang tích cực tập trung nguồn lực, triển khai chương trình phối hợp về hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại thị trường nước ngoài, nhằm tuyên truyền, phổ biến dưới hình thức hội thảo, tập huấn...

Đối với các địa phương cần gắn phát triển xây dựng nhãn hiệu chung sản phẩm nông sản với quản lý xây dựng mã số vùng trồng, mã số doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản và liên kết giữa người nông sân, doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản...

Các doanh nghiệp cần nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm nông sản; có ý thức xây dựng, phát triển và bảo vệ nhãn hiệu, từ đó có chiến lược, kế hoạch cụ thể cho phát triển nhãn hiệu sản phẩm của doanh nghiệp trong chiến lược phát triển doanh nghiệp...

Cũng theo đại diện Bộ Công thương, để bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt nói riêng, thương hiệu nông sản Việt nói chung trong thời gian tới, trước tiên cần tăng cường quản lý nguồn cung, như quản lý diện tích trồng nông sản, thị trường đầu ra, chất lượng nông sản.

Đối với nguồn cầu, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến người tiêu dùng để họ nhận biết sản phẩm nông sản Đà Lạt; triển khai các giải pháp để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của nông sản Đà Lạt bởi chi phí sản xuất cao dẫn tới giá nông sản Đà Lạt cao hơn nông sản nhập ngoại; chú trọng đến khâu truy xuất nguồn gốc nông sản để người tiêu dùng dễ dàng kiểm chứng, nhận diện nông sản Đà Lạt...

Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nông sản để kịp thời phát hiện các hành vi giả mạo thương hiệu và có biện pháp xử lý nghiêm.

Đồng quan điểm với ông Hòa, TS Dương Thái Trung, chuyên gia đến từ Vụ Thị trường trong nước đưa ra 7 giải pháp để bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt nói riêng, thương hiệu nông sản Việt nói chung:

Thứ nhất, tăng cường quản lý nguồn cung, đó là các vấn đề như quản lý diện tích trồng nông sản, thị trường đầu ra, chất lượng nông sản

Thứ hai, đối với nguồn cầu, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến người tiêu dùng để họ nhận biết sản phẩm nông sản Đà Lạt;

Thứ ba, triển khai các giải pháp để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của nông sản Đà Lạt bởi chi phí sản xuất cao dẫn tới giá nông sản Đà Lạt cao hơn nông sản nhập ngoại. Trong đó chú ý tới việc tăng quy mô sản xuất, phát triển thành những cánh đồng lớn, bao tiêu đầu ra, tăng cường ứng dụng công nghệ vào sản xuất…;

Thứ tư, chú trọng đến khâu truy xuất nguồn gốc nông sản để người tiêu dùng dễ dàng kiểm chứng, nhận diện nông sản Đà Lạt;

Thứ năm, đẩy mạnh kết nối cung cầu trong tiêu thụ nông sản, Lâm Đồng có thể tham khảo mô hình xây dựng sàn giao dịch thịt lợn của TP HCM để phát triển sàn giao dịch nông sản;

Thứ sáu, đẩy mạnh tuyên truyền quy định về pháp luật sở hữu trí tuệ, ứng dụng công nghệ số vào truy xuất nguồn gốc nông sản, trong đó tập trung vào các thông tin như sản lượng, thời điểm thu hoạch nông sản Đà Lạt;

Thứ bảy, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nông sản để kịp thời phát hiện các hành vi giả mạo thương hiệu và có biện pháp xử lý nghiêm.

Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh nhãn hiệu nông sản

Trong thời gian tới, để ngăn chặn, xử lý quyết liệt và hướng đến không còn tình trạng giả mạo thương hiệu nông sản Đà Lạt, đòi hỏi những hành động sát thực hơn, hữu hiệu hơn từ người sản xuất, phân phối, tiêu dùng đến đơn vị chuyên trách từ địa phương lên Trung ương.

Ở góc độ doanh nghiệp,  ông Trần Huy Đường - Chủ nông trại Langbiang Farm cho rằng, trước tiên nông dân tự bảo vệ mình mà quan trọng nhất là phải có thương hiệu. “Tôi ấn tượng khi người nông dân Nhật Bản tự in hình mình cùng thương hiệu nông sản của trang trại mình lên bao bì. Nông dân phải có mã QR Code, phải có mã số vùng trồng. Mã số phải làm chi tiết đến từng lô sản xuất, phải được cơ quan quản lý chứng nhận. Hiện nay mới chỉ làm được với một số nông sản như sầu riêng”, ông Đường cho hay.

Ngoài ra, theo ông Đường phải có nhãn phụ thông tin nơi sản xuất để tránh tình trạng hàng không rõ nguồn gốc “đánh lận con đen” vào siêu thị. Cơ quan chức năng phải thành lập những đội quản lý kiểm tra đột xuất các cơ sở để phát hiện vi phạm.

Ông Nguyễn Đình Thiện - Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và uy tín cho nông sản của Đà Lạt, UBND thành phố yêu cầu hàng hóa nhập khẩu phải hợp pháp, hợp lệ, có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây ra hiểu lầm, nhầm lẫn cho người tiêu dùng và gây ảnh hưởng đến uy tín nông sản Đà Lạt.

Ở góc độ pháp lý, Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai - đồng ý ở góc độ bảo vệ nông sản Đà Lạt thông qua các cơ chế "mềm". Tuy nhiên, ông Quân cho rằng đôi khi cũng cần cứng rắn hơn trong cách xử lý.

"Việc xử lý giả mạo xuất xứ theo hướng hình sự để răn đe là có cơ sở. Tuy nhiên, cần cơ quan quản lý của vùng nông sản Đà Lạt là UBND tỉnh Lâm Đồng công bố chất lượng sản phẩm cho nông sản Đà Lạt. Việc công bố sẽ hình thành một cơ sở pháp lý để xử lý theo quy định hiện hành", luật sư Quân nêu ý kiến.

Ngoài ra, Luật sư Quân đánh giá hình thức chế tài hiện tại là phạt hành chính chưa đủ sức răn đe. Chính vì chế tài chưa đủ mạnh nên vấn nạn này vẫn tái đi tái lại. Ông Quân đề xuất tăng cường chế tài bằng cách nâng mức phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Đồng thời, áp dụng các biện pháp bổ sung như đóng cửa cơ sở kinh doanh vi phạm và công bố công khai thông tin về doanh nghiệp, cá nhân vi phạm để nâng cao nhận thức xã hội và tăng tính răn đe.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ nongnghiep, tuoitre, VTV...)

Xem thêm

4[5] 6
Top