Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 1 tháng 11 năm 2024  

Mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả ở Quảng Nam

Thứ ba, ngày 29 tháng 10 năm 2024 | 14:25

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hình thức hộ kinh doanh đang dần khẳng định tính hiệu quả, lâu dài và phát huy thế mạnh của địa phương trong sản xuất nông nghiệp.

Mô hình sản xuất nấm rơm tại Điện Bàn

Ông Ngô Văn Tân - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thị xã Điện Bàn cho biết, mô hình sản xuất nấm rơm theo phương pháp mô trụ được triển khai từ tháng 6/2024 tại 2 hộ dân trên địa bàn thị xã, quy mô 1.600kg giống.

Qua theo dõi, trong thời gian nuôi sợi, thời tiết nắng nóng và độ ẩm không khí thấp dưới 60% không thuận lợi cho sợi nấm phát triển. Vì vậy, trong quá trình sản xuất đã áp dụng các kỹ thuật như tưới nước nền, mái nhà trồng nấm để làm giảm nhiệt độ và tăng độ ẩm nhà nuôi trồng nấm, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm sinh trưởng tốt.

Sản xuất nấm rơm theo phương pháp mô trụ cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đình Nguyên

Sản xuất nấm rơm theo phương pháp mô trụ cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đình Nguyên

Ông Tân cho biết, qua thí điểm, mặc dù thời gian sản xuất nấm rơm theo phương pháp mô trụ dài hơn, năng suất thấp hơn so với phương pháp mô gối truyền thống, tuy nhiên lại cho hiệu quả kinh tế cao hơn (400 nghìn đồng/tấn nguyên liệu) do tiết kiệm được 50% công lao động.

Bên cạnh đó, sản xuất nấm rơm theo phương pháp mô trụ cho sinh trưởng tốt, không phun thuốc trừ sâu, thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy các chất nguyên phế liệu phụ phẩm ngành nông lâm nghiệp, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Mô hình kinh tế vườn của xã Ninh Phước, huyện Nông Sơn

Tận dụng ưu thế, tiềm năng về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây bưởi và một số đối tượng cây ăn quả khác, người dân xã Ninh Phước (Nông Sơn) đã tích cực cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả cho thu nhập khá.

Những năm qua, thôn Phú Gia 1 là một trong những thôn điển hình về phong trào cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả của xã Ninh Phước. Nhiều hộ dân đã chịu khó đầu tư thâm canh trồng bưởi trụ, bưởi da xanh và một số cây ăn quả, cải thiện kinh tế gia đình.

Mô hình vườn trồng bưởi da xanh ở xã Ninh Phước. Ảnh: Bích Liên

Mô hình vườn trồng bưởi da xanh ở xã Ninh Phước. Ảnh: Bích Liên

Có thể kể đến hộ ông, bà: Võ Văn Hùng, Nguyễn Thành Quý, Phan Thị Hiền, Phan Thị Thanh Trình, Nguyễn Thị Bưởi… Đây là những hộ có vườn bưởi trụ, bưởi da xanh có diện tích đất vườn rộng từ vài ba sào lên tới 5 - 6 sào, mỗi năm cho thu nhập cả trăm triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Dung - Trưởng thôn Phú Gia 1 chia sẻ, bên cạnh nỗ lực cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả của nhân dân trong thôn, UBND xã Ninh Phước và UBND huyện Nông Sơn cũng tích cực hỗ trợ thêm cây giống, tập huấn kỹ thuật để người dân trồng nhân rộng các vườn bưởi, vườn cây ăn quả, phát triển kinh tế hộ gia đình từ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Gần đây, từ cơ chế, chính sách của Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh, địa phương đề xuất danh sách để gửi lên cấp trên phê duyệt, hỗ trợ, giải ngân vốn giúp các chủ vườn đầu tư thâm canh, tăng năng suất, sản lượng, nâng cao thu nhập từ kinh tế vườn.

Ông Hồ Ngọc Nhuận (thôn Đông An) trồng 6 sào bưởi da xanh, trong đó có một nửa diện tích đã cho thu hoạch quả, một nửa vườn mới trồng.

Ông Nhuận chia sẻ, từ nguồn hỗ trợ của Nghị quyết 35, vườn ông được hỗ trợ 70% chi phí đóng giếng, đầu tư hệ thống tưới, hỗ trợ 70% giá trị cây giống trồng trên diện tích 3 sào. Cùng với đó, ông được Nhà nước hỗ trợ xây dựng tường rào.

“Nhìn chung, cây bưởi da xanh giúp gia đình tôi cải thiện nguồn thu nhập. Nếu năm được mùa, một nửa vườn bưởi có thể cho thu hoạch 50 - 60 triệu đồng. Thời gian tới, nếu cả 6 sào cùng cho thu hoạch thì thu nhập cả trăm triệu đồng/năm là bình thường” - ông Nhuận nói.

Mô hình chăn nuôi dê ở phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn

Dạo bước quanh khu dân cư đang trong giai đoạn hoàn thiện thuộc khối phố Viêm Minh (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn), trước mặt chúng tôi là một đàn dê khoảng hơn 70 con mập tròn đang gặm cỏ. Theo đàn dê vào sâu trong khu dân cư và đã gặp được chủ nhân của đàn dê này là một phụ nữ tên là Nguyễn Thị Mùi. Bà Mùi sinh năm 1967 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Hà Dừa, nay là khối phố Hà Dừa (phường Điện Ngọc).

Cách đây khoảng chừng 10 năm, một người bà con trong họ cho mượn tiền không tính lãi để mua dê giống và nhờ người về hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi dê. Vốn liếng ít lúc đầu chỉ đủ mua 6 con dê giống, sau 5 năm chăn thả, đàn dê sinh sản nhiều, không dịch bệnh, có thời điểm đàn dê lên hơn 100 con. Mỗi năm bán ra thị trường 20 con, thu nhập bình quân 70 triệu đồng/năm.

Bà Nguyễn Thị Mùi lùa đàn dê về chuồng. Ảnh: Nguyễn Điện Ngọc

Bà Nguyễn Thị Mùi lùa đàn dê về chuồng. Ảnh: Nguyễn Điện Ngọc

Dê là động vật ăn tạp, vì thế có thể tận dụng nhiều nguồn thức ăn sẵn có như lá cây, cỏ, rơm tươi... thịt nạc, chắc, ngon và thơm. Giá theo thời điểm hiện nay 130 nghìn đồng/kg đối với dê đực và 120 nghìn đồng/kg đối với dê cái,còn dê giống với giá 150 nghìn đồng/kg...

Dê mẹ mỗi năm đẻ hai lứa (2 - 3 con mỗi lứa). Dê có khả năng sinh trưởng nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn có thể xuất chuồng bán thịt hoặc làm giống. Dê con nuôi trong thời gian 4 - 5 tháng có trọng lượng từ 20 - 25 kg/con là xuất bán. Dê dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, không tốn thức ăn, chỉ tốn công chăn thả. Tuy nhiên, nếu thời tiết thay đổi đột ngột, phải có thuốc để phòng ngừa tiêu chảy và một số bệnh về đường ruột. Nếu thời tiết nắng nóng kéo dài thì cần phải bổ sung các chất vitamin B1, B6, B12, khoáng, vi lượng, kẽm, sắt, muối… để tăng sức đề kháng, phòng bệnh hiệu quả cho đàn dê. Đồng thời thường xuyên dọn vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, mỗi tuần dội nước ít nhất một lần vì dê không thích nghi với độ ẩm cao.

Từ chỗ nghèo khó, 4 con nhỏ ăn học thiếu thốn nay đã lập gia đình, yên bề gia thất. Nhà cửa xây dựng khang trang, đầu tư mua sắm đầy đủ các phương tiện phục vụ nhu cầu nghe nhìn và đi lại tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu hàng hóa và học tập.

Làm nấm rơm, nuôi dê, trồng cây ăn quả... những mô hình canh tác đơn giản nhưng hiệu quả giúp bà con nông dân cải thiện cuộc sống đang ngày càng được nhiều nông dân Quảng Nam áp dụng tại nhiều địa phương. 

Anh Vũ (Tổng hợp từ Báo Quảng Nam)

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top