Trong đó, việc đánh giá lại tiềm năng, lợi thế của cây dược liệu sẽ giúp tỉnh Thanh Hóa đề ra được các nhiệm vụ, hướng đi. Cùng với những cơ chế chính sách hỗ trợ từ Trung ương sẽ tạo “đòn bẩy” cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất dược liệu theo hướng quy mô lớn.
Bài 2: Mô hình hiệu quả, cách làm hay
Đánh giá lại hiện trạng cây dược liệu
Theo ông Nguyễn Đình Hải, Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa là địa phương có diện tích rộng, đa dạng các loại địa hình và hình thái khí hậu nên thảm thực vật vô cùng phong phú, trong đó có nhiều loài dược liệu quý sinh trưởng tại đây. Tuy nhiên do địa hình bị chia cắt mạnh, ở cùng độ cao, điều kiện khí hậu giống nhau nhưng diện tích nhỏ sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển tập trung quy mô lớn. Vì vậy, để phát triển mở rộng cần phải điều tra, đánh giá tại toàn bộ hiện trạng các loài dược liệu, từ đó xây dựng các phương án, giải pháp, mục tiêu cụ thể để phát triển cho từng loài ở từng khu vực phù hợp.
Cũng theo ông Hải, đặc tính của các loài dược liệu là phải phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu thì mới có dược tính cao; phát triển quy mô rộng lớn thì cường độ chăm sóc đòi hỏi cao hơn, chi phí đầu tư cũng rất lớn nên phải có những doanh nghiệp sản xuất có tiềm lực để đầu tư.
“Việc đánh giá lại hiện trạng để tìm ra các loài phù hợp với các dạng địa hình khác nhau sẽ giúp các đơn vị vừa mở rộng được vùng trồng tập trung vừa đảm bảo được chất lượng của cây trồng… Trên cơ sở đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ thu hút được các doanh nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu có nhu cầu về mở rộng vùng nguyên liệu đối với các loài dược liệu phù hợp để phát triển quy mô lớn…”, ông Hải nhấn mạnh.
Đánh giá lại hiện trạng dược liệu sẽ tìm ra các loài dược liệu sinh trưởng phát triển tốt ở vùng rộng lớn để hướng tới phát triển tập trung quy mô lớn.
Ông Lê Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết, trong một số nhóm nhiệm vụ để phát triển cây dược liệu, nâng cao giá trị đa dụng của rừng thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng sẽ điều tra, đánh giá các loại dược liệu hiện có; phân vùng bảo tồn các loại dược liệu quý, hiếm, đặc hữu, loài ưu tiên bảo vệ; di thực và phát triển các loài dược liệu quý, hiếm có giá trị kinh tế cao ở các khu rừng có hệ sinh thái phù hợp; xác định cụ thể vùng phân bố, đặc điểm sinh vật học, sinh thái học của loài, diện tích, trữ lượng... làm cơ sở đề xuất nghiên cứu khảo nghiệm và xây dựng kế hoạch bảo tồn, khai thác và sử dụng bền vững theo tiềm năng, thế mạnh của từng sản phẩm, từng vùng sinh thái, gắn với phát huy tri thức bản địa của cộng đồng, người dân địa phương trong việc mở rộng các bài thuốc, chữa bệnh về dược liệu, tăng cường sức khỏe.
Bên cạnh đó, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tích tụ đất đai để tạo các vùng trồng cây dược liệu tập trung, ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn. Hình thành các vùng khai thác, vùng sản xuất dược liệu tập trung phù hợp hệ sinh thái rừng, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thích hợp với yêu cầu về sinh vật học, sinh thái học của mỗi loài; ưu tiên phát triển một số loài cây có giá trị kinh tế cao trên đất lâm nghiệp hoặc dưới tán rừng như: vùng khai thác dược liệu dưới tán rừng tập trung tại các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân…; vùng sản xuất cây dược liệu tại các huyện Thường Xuân, Triệu Sơn, Thạch Thành, Vĩnh Lộc,…
Đặc biệt, tăng cường mối liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông; lấy doanh nghiệp chế biến làm nòng cốt, hướng dẫn các nông hộ, HTX sản xuất dược liệu hàng hóa; xây dựng một số mô hình nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ trong từng vùng sản xuất dược liệu theo hướng tập trung, sản lượng, chất lượng.
Cần chính sách hỗ trợ tạo “đòn bẩy”
Xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường cũng như hiệu quả kinh tế từ sản xuất cây dược liệu, thời gian qua một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có những chính sách nhằm khuyến khích đẩy mạnh phát triển cây dược liệu. Tuy nhiên, với kinh phí hỗ trợ thấp nhiều dự án phát triển dược liệu chưa được các đơn vị chủ trì liên kết tham gia, đặc biệt là các doanh nghiệp, HTX. Để công tác phát triển dược liệu trong thời gian tới cần có chính sách hỗ trợ tổng thể cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình triển khai nuôi trồng và khai thác dược liệu.
Trước những khó khăn về mở rộng vùng dược liệu, ông Nguyễn Ngọc Thân, Giám đốc HTX Dược liệu Pù Luông chia sẻ, hiện nay các nguồn vốn huy động của HTX để phát triển dược liệu chủ yếu từ quỹ hỗ trợ đối với HTX và qua tín dụng ngân hàng. Về phía chính sách hỗ trợ người dân chủ yếu từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đối tượng được hưởng mới chỉ dừng lại ở các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Vì vậy, thời gian tới, ông mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ đặc thù cho các dự án trồng dược liệu để mọi người dân tham gia dự án đều được hưởng.
Ông Nguyễn Đình Tuấn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa cho biết, trước đây dược liệu phát triển rất manh mún, nhỏ lẻ. Những năm gần đây, do nhu cầu thị trường về dược liệu cao, nhiều HTX đã liên kết với người dân để phát triển các mô hình dược liệu tập trung, quy mô. Đặc biệt là vùng miền núi, nơi có thổ nhưỡng, khí hậu rất thích hợp. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, sản lượng đáp ứng thị trường, cần phải đưa khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, đặc biệt áp dụng sản xuất hữu cơ vào các vùng trồng quy mô lớn các đơn vị cần có tiềm lực.
Theo ông Tuấn, để tạo nên giá trị tốt từ cây dược liệu, giúp người dân phát triển bền vững các mô hình dược liệu Nhà nước cần có chính sách đồng bộ về ưu đãi, khuyến khích đầu tư, nuôi trồng, chế biến, sử dụng dược liệu và phát huy giá trị các bài thuốc cổ truyền. Đầu tư các dự án phát triển cây dược liệu, giúp người dân về giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, chế biến tạo mô hình điển hình để nhân rộng.
Bên cạnh đó, hỗ trợ các HTX, Liên hiệp HTX xây dựng các cơ sở chế biến, các dây chuyền chế biến sâu, hạn chế bán sản phẩm thô nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho lao động địa phương; hình thành các chuỗi cung ứng, hỗ trợ xây dựng các trung tâm, siêu thị, cửa hàng quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm để gắn kết chặt chẽ giữa nuôi trồng, sản xuất với nhu cầu thị trường.
Hỗ trợ người dân theo hình thức chậm trả, giúp người dân có động lực hơn để mở rộng và phát triển cây dược liệu.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đăng Ninh, Trưởng phòng KH&TH – Ban Dân tộc Thanh Hóa cho rằng, với tiềm năng lợi thế của tỉnh, trong giai đoạn 2, theo quyết định số 1719/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nếu tỉnh Thanh Hóa được Trung ương hỗ trợ dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thực hiện tại huyện Bá Thước hoặc Lang Chánh sẽ thu hút được các doanh nghiệp có tiềm lực về đầu tư phát triển vùng dược liệu quy mô lớn.
Ông Ninh lý giải, bản chất vốn của Nhà nước sẽ tạo “đòn bẩy” để “hút” các doanh nghiệp vào đầu tư, từ đó hình thành liên kết với người dân xây dựng vùng nguyên liệu tập trung ở các địa phương có tiềm năng. Qua đó, từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người dân, giúp người dân nâng cao kiến thức, kỹ thuật trong sản xuất, trồng trọt.