Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 5 tháng 12 năm 2024  

Kỳ họp HĐND Phú Yên: 14/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Thứ tư, ngày 4 tháng 12 năm 2024 | 11:7

Sáng 4/12, HĐND tỉnh Phú Yên khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức khai mạc Kỳ họp thứ 23, kỳ họp thường lệ cuối năm 2024.

Theo dự kiến, kỳ họp sẽ tổ chức trong 3 ngày, từ 4 - 6/12.

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét 21 báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh, báo cáo thẩm tra của các ban HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các ban, ngành của tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024, và nhiệm vụ, kế hoạch năm 2025; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2025.

Ông Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên phát biểu

Trong đó, Thường trực HĐND tỉnh sẽ trình bày báo cáo tóm tắt tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, HĐND tỉnh khóa VIII. Đồng thời UBND tỉnh cũng trình bày báo cáo tóm tắt kết quả tiếp thu, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 21; kết luận của Chủ tọa kỳ họp tại phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 20, 21, 22; các ý kiến trả lời của lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan tại Kỳ họp thứ 21 và trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, từ đó làm cơ sở thảo luận, thông qua nghị quyết về giải quyết kiến nghị cử tri.

Ngoài ra, HĐND tỉnh Phú Yên cũng xem xét biểu quyết thông qua 42 dự thảo nghị quyết quan trọng, do UBND tỉnh trình để cụ thể hóa chủ trương của Trung ương, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vào điều kiện thực tiễn của địa phương, tạo cơ chế, chính sách nhằm phát huy tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

3 chỉ tiêu không đạt kế hoạch

Phát biểu khai mạc tại kỳ họp, bà Cao Thị Hoà An, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên nhấn mạnh, kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, HĐND tỉnh khóa VIII là thời điểm quan trọng để HĐND tỉnh tiếp tục rà soát, đánh giá lại những kết quả đạt được, chưa đạt được trong quá trình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm, các nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành. Theo đó, đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh cần tập trung nghiên cứu phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng để xác định phương hướng, giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Bà Cao Thị Hoà An, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên phát biểu

Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 với rất nhiều nội dung quan trọng, số lượng nghị quyết phải xem xét, thông qua rất lớn. Để kỳ họp đạt kết quả tốt nhất, bà Cao Thị Hoà An đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ để thảo luận, đoàn kết, dân chủ, dành thời gian nghiên cứu kỹ các tài liệu, tập trung cho ý kiến, thể hiện rõ quan điểm về từng nội dung, phân tích sâu sắc các vấn đề đặt ra, từ đó đề xuất các giải pháp mang tính khả thi, hiệu quả. Đặc biệt, cần chú trọng việc cụ thể hóa các chủ trương, định hướng phát triển của Trung ương vào các nghị quyết của tỉnh, đảm bảo mỗi quyết sách đều gắn liền với thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của Nhân dân.

Báo cáo tại kỳ họp về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh năm 2024, ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và Nhân dân đã chung sức, đồng lòng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định và có mặt phát triển, dự ước cả năm 2024 có 14/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (trong đó có 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch). 3 chỉ tiêu không đạt kế hoạch gồm: tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 6,17% (kế hoạch 7,5%), thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5.120 tỷ đồng, bằng 95% dự toán Trung ương và tỉnh giao, tăng 22% so với cùng kỳ (kế hoạch 5.389 tỷ đồng), tổng vốn đầu tư phát triển trên trên địa bàn đạt 21.800 tỷ đồng, đạt 89% kế hoạch, giảm 4,5% so với cùng kỳ (kế hoạch 24.500 tỷ đồng).

Với sự quyết liệt trong điều hành, quản lý của lãnh đạo các cấp, kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên tiếp tục cho thấy nhiều điểm lạc quan, tốc độ phục hồi được duy trì tích cực. Ảnh: Một góc TP.Tuy Hòa hôm nay

Tổng giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản tăng 4% so với cùng kỳ. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung triển khai thực hiện; trong năm 2024, toàn tỉnh có 64/82 xã nông thôn mới (đạt tỷ lệ 78%), trong đó có 18 xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu sản xuất, 25 thôn/khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 31 vườn mẫu nông thôn mới và 4 thôn nông thôn mới thông minh; duy trì 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tích cực triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm; đến nay, toàn tỉnh 356 sản phẩm OCOP (trong đó có 10 sản phẩm OCOP 4 sao và 346 sản phẩm OCOP 3 sao). Công tác chống khai thác thủy sản bất họp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) được tập trung chỉ đạo triến khai thực hiện, có nhiều chuyển biến tích cực.

Người đứng đầu còn có tư tưởng sợ trách nhiệm

Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, vẫn còn một số hạn chế, đáng chú ý là tiến độ phục hồi của nền kinh tế tỉnh ở một số lĩnh vực còn chậm; một số chỉ tiêu quan trọng thực hiện không đạt kế hoạch đề ra. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án quan trọng còn chậm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công và vốn chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm, trong khi số doanh nghiệp giải thể tăng so cùng kỳ. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều khách quốc tế đến Phú Yên. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn hạn chế; chất lượng một số dịch vụ y tế còn thấp. Các đề tài ứng dụng khoa học, công nghệ vào thực tiễn thấp. Cải cách hành chính tuy có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.

Toàn cảnh các đại biểu tham dự kỳ họp

Theo ông Lê Tấn Hổ, những khuyết điểm, hạn chế nêu trên ngoài nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng biến động tình hình thế giới và trong nước ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, còn có nguyên nhân chủ quan chủ yếu do công tác tổ chức triển khai các nghị quyết của Chính phủ, văn bản pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND tỉnh đôi lúc chưa sâu sát, dẫn đến kết quả thực tiễn mang lại còn hạn chế. Một số thủ trưởng các sở, ban ngành, địa phương chưa thực hiện hết trách nhiệm của người đứng đầu, còn có tư tưởng sợ trách nhiệm, không chủ động, mạnh dạn trong tham mưu, đề xuất. Công tác phối hợp trong giải quyết công việc giữa các ngành chức năng, địa phương chưa chặt chẽ, kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Trình độ, năng lực và ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của

Bản thân chúng ta, các địa phương phải trăn trở, suy nghĩ "trên chính mảnh đất của mình", phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để phát triển; từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể để đóng góp vào hoàn thành mục tiêu chung của đất nước. Hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần đặt lợi ích chung lên trên hết, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, đột phá, dũng cảm hy sinh để đất nước phát triển.

Ông Phạm Đại Dương
(Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên)

 

Dương Hùng

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top