Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024  

Công nghiệp hóa ngành Chăn nuôi nhìn từ cơ sở giết mổ (Bài 3): Giải pháp nào?

Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024 | 10:13

Để công nghiệp hóa và thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó giải pháp xây dựng được hệ thống giết mổ có công nghệ hiện đại, hệ thống quản lý thống kê về giết mổ, chế biến từ trung ương tới địa phương được xác định có vai trò quan trọng trong phát triển thị trường tiêu thụ thực phẩm an toàn trong nước và xuất khẩu.

Bài 1: Nhiều bất cập, hạn chế

Bài 2: Những mô hình chế biến sản phẩm chăn nuôi hiện đại

Hỗ trợ vốn, đất đai

Theo ông Nguyễn Tiến Sỹ, Giám đốc HTX Công nghệ thực phẩm sạch Đoan Hùng (Phú Thọ), đầu tư cơ sở giết mổ tập trung cần nguồn vốn rất lớn nhưng nếu chỉ phục vụ giết mổ riêng đàn vật nuôi của HTX, thậm chí là có giết mổ thuê thì hoạt động của cơ sở cũng không thể đạt 100% công suất thiết kế. Như vậy, đơn vị đầu tư sẽ luôn trong tình trạng phải bù lỗ, thu không đủ chi.

Đó là chưa nói đến việc giá thành sản phẩm thịt được giết mổ tập trung bán ra còn cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường (khoảng 20-30%). Đây cũng là vấn đề hạn chế các đơn vị đầu tư vào lĩnh vực giết mổ động vật do rủi ro cao (chi phí sản xuất cao, công suất hoạt động thấp, thời gian thu hồi vốn dài,…).

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động giết mổ động vật tập trung hiện nay chưa đồng bộ nên chưa thể mang hiệu quả trong áp dụng thực hiện.

Ví dụ như nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp nên chưa khuyến khích được các tổ chức, cá nhân, HTX tham gia đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung.

Bên cạnh đó, quy hoạch sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, giải tỏa đền bù và chính sách ưu đãi chưa phù hợp nên một số doanh nghiệp, HTX muốn đầu tư dự án nhưng thời gian kéo dài nhiều năm.

Một vấn đề được không ít đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này quan tâm là quy định về khoảng cách, theo Quy chuẩn QCVN 150:2017/BNNPTNT (cơ sở giết mổ động vật tập trung phải được đặt ở vị trí cách khu dân cư, trường học tối thiểu là 500 m…) rất khó áp dụng trong thực tiễn, nhất là khi quỹ đất của các địa phương ngày càng bị thu hẹp. Điều này khiến nhiều cơ sở giết mổ dù được đầu tư bài bản nhưng lại không đủ điều kiện để được công nhận cơ sở giết mổ tập trung.

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc thịt tại chợ truyền thống.

Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam TS. Nguyễn Xuân Dương cho biết, giết mổ tập trung thực hiện theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ giết mổ, sơ chế, chế biến theo tiêu chuẩn thịt mát; có hệ thống kho lạnh, bảo đảm vệ sinh thú y, để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Chính vì vậy, nếu muốn đáp ứng được điều kiện tiêu dùng ngày càng cao của người dân và phục vụ xuất khẩu thì buộc phải phát triển giết mổ tập trung. Động vật đưa vào giết mổ tại các cơ sở này thường được thu mua từ các trang trại nên có sự đồng đều về kích cỡ, trọng lượng và chất lượng thịt ổn định.

Do đó, cần phải giải quyết các khó khăn về đất đai, thủ tục hồ sơ để thu hút đầu tư, vận hành hiệu quả cơ sở giết mổ tập trung. Hiện nay, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức (có văn bản đầy đủ nhưng chưa tổ chức thực hiện) việc triển khai các dự án giết mổ tập trung, đặc biệt là ở cấp huyện, xã.

Cơ sở giết mổ gia cầm tập trung đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giám sát chặt sản phẩm đầu vào tại các chợ, siêu thị

Theo đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam, để quản lý hiệu quả hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về giết mổ, đảm bảo tính đồng bộ, chặt chẽ. Quy hoạch lại “mạng lưới cơ sở giết mổ”, tập trung vào các cơ sở giết mổ tập trung, hiện đại. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giết mổ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Gắn trách nhiệm với người đứng đầu chính quyền địa phương.

Đồng thời, đổi mới các hình thức truyền thông nâng cao nhận thức người tiêu dùng, người chăn nuôi trong hoạt động giết mổ, chế biến cũng như sử dụng thịt mát, cấp đông bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thay vì sử dụng thịt nóng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chính thói quen của người tiêu dùng muốn sử dụng các sản phẩm thịt nóng, được giết mổ tại chỗ đã tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hoạt động.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội Ngô Đình Loát kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 101/2020/TT-BTC ngày 23/11/2020 theo hướng tăng mức phí kiểm soát giết mổ đối với cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, tiến tới xóa bỏ hoạt động giết mổ nhỏ lẻ…

Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm nông sản Biển Đông (Nam Định) Vũ Trọng Nghĩa mong muốn Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương có chính sách hỗ trợ hoạt động giết mổ công nghiệp; hướng dẫn nhà đầu tư về quy trình thủ tục, hồ sơ và thẩm định dự án, lựa chọn dây chuyền công nghệ giết mổ phù hợp thực tế địa phương. Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, tiến tới xóa bỏ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y và đưa vào giết mổ tại các nhà máy đủ tiêu chuẩn…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng chia sẻ, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm bán công nghiệp tập trung theo Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17/2/2020 của UBND thành phố về việc phê duyệt “Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn TP. Hà Nội” gắn với các chợ bán sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hiện có tại từng địa phương. Cùng với đó, mở rộng hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích kinh doanh thịt an toàn, có truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý; tăng tỷ lệ tiêu thụ thịt mát, thịt cấp đông để các cơ sở giết mổ công nghiệp bảo đảm điều kiện hoạt động đảm bảo thu - chi.

Bên cạnh đó, căn cứ các quy định hiện hành của Trung ương và thành phố, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp cùng các ngành liên quan tham mưu UBND thành phố về cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn phù hợp với đặc thù phát triển của Thủ đô. Tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đáp ứng các tiêu chí hỗ trợ theo chính sách hiện hành. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố; phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; có lộ trình, giải pháp đưa các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và môi trường vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch.

Kiểm soát giết mổ tại Công ty CP chế biến thực phẩm Hóc Môn (TP. HCM).

Mục tiêu nâng tầm

Nhằm nâng cao năng lực giết mổ, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước và xuất khẩu, ngày 30/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1740/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030

Cụ thể, Đề án đặt ra mục tiêu về giết mổ gia súc, gia cầm: Phát triển một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô tập trung, công nghiệp với thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại gắn với vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa; bảo đảm tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 60% và 40% vào năm 2025, khoảng 70% và 50% vào năm 2030.

Về chế biến thịt, trứng và sữa: Phát triển một số cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi có quy mô, công nghệ, quản lý ngang tầm khu vực và thế giới; bảo đảm tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt tương ứng từ 25-30% năm 2025 và từ 40-50% vào năm 2030. Tốc độ tăng giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi chế biến bình quân đạt khoảng 2 - 3%/năm hiện nay lên 3,5 - 4,5%/năm giai đoạn 2023 - 2025 và 4,5 - 5,5%/năm giai đoạn 2026 - 2030.

Về trình độ công nghệ: Hiện nay, cơ sở chế biến thịt quy mô công nghiệp đạt trình độ công nghệ khoảng từ 15% tăng lên 25 - 30% vào năm 2025 và 50 - 55% vào năm 2030; tỷ lệ cơ sở công nghệ trung bình tiên tiến từ khoảng 53% giảm còn 45 - 50% vào năm 2025 và 35 - 40% vào năm 2030; tỷ lệ cơ sở trình độ công nghệ trung bình và lạc hậu từ khoảng 32% giảm còn 20 - 25% vào năm 2025 và 5 - 10% vào năm 2030. Đối với cơ sở chế biến trứng quy mô công nghiệp đạt trình độ công nghệ tiên tiến khoảng từ 60% tăng lên 70 - 75% vào năm 2025 và 80 - 85% vào năm 2030. Sản lượng trứng chế biến tăng tương ứng gấp 2 lần vào năm 2025 và gấp 3 lần vào năm 2030. Các cơ sở chế biến sữa quy mô công nghiệp đạt trình độ công nghệ tiên tiến hiện nay đạt từ 85 - 90% đến năm 2025 và các năm tiếp theo đạt từ 95 - 100%.

Phấn đấu giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1 - 1,5 tỷ USD vào năm 2025 và từ 3 - 4 tỷ USD vào năm 2030.

Giải pháp đồng bộ

Để đạt được những mục tiêu đề ra, Đề án đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như, để nâng cao chất lượng giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến thì phải tập trung rà soát phân loại tổng thể các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và nhỏ lẻ, tăng cường các hoạt động quản lý nhằm bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn dịch bệnh và an toàn chất lượng sản phẩm theo quy định; hỗ trợ phát triển và kết nối bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp, công nghệ tiên tiến gắn với chế biến, thương mại sản phẩm; xây dựng hệ thống quản lý thống kê về giết mổ và chế biến từ trung ương tới địa phương; nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về sản phẩm chăn nuôi an toàn, có thương hiệu và truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chế biến các sản phẩm chăn nuôi: Thu hút các doanh nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi có quy mô lớn với thiết bị chế biến hiện đại, đồng bộ, công nghệ tiên tiến, gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, an toàn dịch bệnh và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; đa dạng hóa chủng loại sản phẩm chế biến...

Phát biểu tại Hội nghị kiểm soát giết mổ động vật diễn ra tại Long An (tháng 6/2024), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các tỉnh, thành phố có cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào cơ sở giết mổ tập trung; tăng cường nguồn ngân sách cho quản lý, đặc biệt là hệ thống thú y các cấp; tập trung chỉ đạo, giám sát 100% số cơ sở giết mổ. Cục Thú y tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ thú y ở cơ sở; tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế để Việt Nam có điều kiện tốt quản lý cơ sở giết mổ, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh.

Về thị trường trong nước, Đề án định hướng phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tại các địa phương theo hướng bền vững; xây dựng hệ thống từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và đến tay người tiêu dùng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng mô hình phát triển các sản phẩm chăn nuôi truyền thống, đặc sản, sản phẩm có thương hiệu, uy tín, bảo đảm chất lượng cao, an toàn thực phẩm, tiện dụng, giá cả cạnh tranh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

Về thị trường xuất khẩu, cần xây dựng thương hiệu và lên kế hoạch thực hiện phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi trọng điểm, quảng bá thương hiệu cho các nhóm sản phẩm chủ lực; tập trung nguồn lực xúc tiến thương mại vào các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN... và các thị trường tiềm năng khác; chủ động thực hiện các chương trình truyền thông nhằm quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm chăn nuôi Việt Nam đến các kênh phân phối của thị trường quốc tế; kịp thời nắm bắt những rào cản thương mại do chính sách bảo hộ của các nước nhập khẩu bằng cách sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao trình độ hiểu biết về luật pháp quốc tế cho các nhà quản lý, doanh nghiệp xuất khẩu...

Đề xuất - Kiến nghị

Theo các chuyên gia trong ngành chăn nuôi và thú y, để phát triển cơ sở giết mổ tập trung, hiện đại, cần tổ chức hệ thống giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi hàng hóa, bảo đảm yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi.

Lực lượng liên ngành (nông nghiệp, công an, quản lý thị trường, y tế), UBND các huyện, thị xã, thành phố... cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Nếu kiểm tra các lò mổ không đủ điều kiện vệ sinh thú y, chưa có giấy phép thì kiên quyết đề xuất chính quyền địa phương buộc dừng hoạt động; đồng thời, triển khai tiếp kế hoạch vận động, đưa các điểm, hộ, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn; tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết giữa các cơ sở giết mổ với hộ chăn nuôi quy mô lớn để tạo liên kết từ chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm; nâng cao nhận thức của cộng đồng, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giết mổ.

Các chuyên gia đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ; Quy hoạch lại “mạng lưới cơ sở giết mổ”; Tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động giết mổ; Kiểm soát chặt chẽ sản phẩm đầu vào tại các chợ, siêu thị; Đầu tư nguồn nhân lực cho hệ thống thú y cơ sở; có chính sách đặc thù hỗ trợ cơ sở giết mổ tập trung; có cơ chế thu hút doanh nghiệp, nguồn lực cho hoạt động giết mổ, cơ chế, chế biến sâu sản phẩm nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.

 

Ngọc Thuỷ

Xem thêm

1 2[3]Trang cuối
Top