Thái Nguyên: Đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn
Báo cáo của cơ quan chuyên môn cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn đang diễn ra khá phổ biến trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Không khó để bắt gặp trường hợp nông dân sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng, phân bón hóa học trên đồng ruộng. Và cũng dễ dàng phát hiện ô nhiễm không khí, nguồn nước tại các làng nghề, cơ sở sản xuất nông nghiệp với các phụ phẩm, chất thải, nước thải… chưa qua xử lý thải ra tự nhiên. Tình trạng chăn nuôi tự phát, thiếu kiểm soát trong quy trình, chưa quan tâm đến xử lý môi trường chuồng trại… vẫn tồn tại. Ngoài ra, công nghiệp hóa tại nông thôn cũng đang khiến môi trường khu vực này đứng trước nguy cơ ô nhiễm.
Rác thải bị người dân vứt bừa bãi trên nhiều con đường ở khu vực nông thôn. Ảnh: TL
Theo các chuyên gia môi trường, khu vực Bắc Bộ, nhất là vùng trung du và đồng bằng, trong đó có Thái Nguyên, nguy cơ ô nhiễm môi trường nông thôn không hề nhỏ. Địa phương nào có nhiều làng nghề, trang trại chăn nuôi và phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp sẽ khó tránh khỏi ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, chất thải rắn không còn là vấn đề của riêng các đô thị và thành phố lớn mà còn của các vùng nông thôn.
Để tăng cường bảo vệ môi trường nông thôn trên cơ sở phát triển bền vững, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ nâng cao nhận thức, trách nhiệm, cần lan tỏa rộng rãi các phong trào bảo vệ môi trường, gia tăng biện pháp xử lý vi phạm về môi trường. Mặt khác, tiến hành rà soát các quy định hiện hành để điều chỉnh, bổ sung, khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường tại các làng nghề, trang trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Chính quyền các địa phương cần quan tâm quản lý hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón, chất kích thích sinh trưởng và hóa chất sử dụng trong chăn nuôi. Cùng với đổi mới công nghệ xử lý chất thải, nước thải, rất cần áp dụng mô hình xử lý sinh học kết hợp sử dụng khí sinh học trong sinh hoạt tại các hộ gia đình, trang trại chăn nuôi. Có như vậy mới có thể cải thiệt tốt nhất môi trường tự nhiên ở vùng nông thôn.
Trước đó, nhằm xây dựng các mô hình xử lý rác thải sinh hoạt và chất thải chăn nuôi ở các vùng nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, góp phần bảo vệ môi trường ở nông thôn, thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn, Trung tâm Môi trường Tài nguyên miền núi - Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên phối hợp với các đơn vị, địa phương đã triển khai Dự án Xây dựng các mô hình nâng cao chất lượng môi trường nông thôn tại huyện Phú Bình và Phú Lương. Không chỉ được tư vấn, tập huấn cách xử lý chất thải tại các hộ gia đình, người dân tham gia dự án còn được hỗ trợ các vật tư, thiết bị, xây dựng hệ thống xử lý chất thải.
Bà Đặng Thị Thoa, xã Nga My, huyện Phú Bình cho biết: "Gia đình tôi ủ rác hữu cơ phân làm hai loại, một là vỏ của các loại quả cho vào ủ để lấy nước tưới cây, loại thứ 2 là phân lợn cho vào bình biogas để lấy chất đốt".
Xác định tiêu chí môi trường là tiêu chí khó thực hiện trong bộ tiêu chí Xây dựng NTM, nên ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, các địa phương đã đẩy mạnh hoạt động tuyên đến người dân triển khai thực hiện hiệu quả tiêu chí này. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, các địa phương đã kịp thời ứng dụng, nhân rộng mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình; hỗ trợ xây dựng bể chứa rác thải hữu cơ để ủ thành phân bón. Từ đó góp phần quan trọng trong việc dần thay đổi nhận thức, hình thành thói quen tích cực, nếp sống văn minh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Long An: Nâng cao chất lượng môi trường nông thôn
Trước sức ép chất lượng môi trường nông thôn trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và các diễn biến tự nhiên tiềm ẩn, tỉnh Long An đã và đang tăng cường các giải pháp về bảo vệ môi trường (BVMT) để nâng cao chất môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Tân Thuấn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Long An, công tác BVMT nông thôn luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng; các vấn đề về môi trường nông thôn cơ bản được kiểm soát. Tỉnh cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình ô nhiễm môi trường, không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, sự cố môi trường trên địa bàn; tất cả các thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường đều được xử lý tốt.
Điển hình như huyện nông nghiệp Thạnh Hóa đã triển khai các giải pháp kiểm soát chặt các nguồn thải theo quy định; tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt tỷ lệ theo quy định; tăng cường phát động trồng cây xanh để đảm bảo tỷ lệ đất cây xanh sử dụng công cộng tại các điểm dân cư nông thôn và tỷ lệ đất trồng cây xanh trong 2 cụm công nghiệp được quy hoạch của huyện đạt trên 10%.
Còn tại huyện Tân Trụ, phong trào tổng vệ sinh môi trường ở các khu dân cư, trục đường giao thông hàng tháng đã thu hút được các hộ dân tích cực tham gia bằng những hoạt động cụ thể như: thu gom, xử lý rác thải đúng nơi quy định; phát quang cỏ dại; trồng cây xanh, trồng hoa ven đường giao thông; cải tạo vườn tạp; trục vớt lục bình, khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh rạch..., góp phần xây dựng cảnh quan, môi trường địa phương xanh - sạch - đẹp.
Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhận được sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân toàn tỉnh Long An đã góp phần cải thiện cảnh quan, môi trường nông thôn trên địa bàn. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị, xã hội cũng được nâng cao, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động người dân địa phương.
Chia sẻ về giải pháp để nâng cao chất môi trường nông thôn trên địa bàn trong thời gian tới, ông Nguyễn Tân Thuấn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Long An cho biết: Tỉnh Long An sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý và kiểm soát chất thải từ khu vực nông thôn, bao gồm việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, hóa chất tồn lưu trong đất; kiểm soát tốt chất thải từ các khu/cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, tập trung xây dựng và vận hành nhà máy xử lý rác đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; đảm bảo các khu/cụm công nghiệp, đô thị và thương mại hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động chính thức hoặc tiếp nhận dự án đầu tư mới; tăng cường sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương liên quan trong việc BVMT nông thôn; trong đó, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần sử dụng tiết kiệm tài nguyên, vật tư nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó, Long An cũng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân địa phương trong canh tác, nuôi trồng đảm bảo phù hợp với quy hoạch, xử lý chất thải trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản, đáp ứng được các yêu cầu về BVMT; tiếp tục đẩy mạnh, nâng chất lượng triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tiêu chí về BVMT nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Nam Định: Bảo vệ môi trường bằng phân loại rác
Tiêu chí về bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện và duy trì trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Với sự vào cuộc của Sở Tài nguyên và Môi trường cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, công tác bảo vệ tài nguyên môi trường trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Nam Định được triển khai quyết liệt, hiệu quả và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM đã góp phần làm đẹp cảnh quan nông thôn tại địa phương này, đường làng ngõ xóm khang trang và sạch đẹp. Nhiều ao hồ được xử lý, cải tạo, đảm bảo chất lượng môi trường xung quanh. Nhận thức của người dân về thu gom, xử lý rác thải có nhiều chuyển biến rõ rệt, giảm tình trạng vứt rác ra các khu vực công cộng, lòng sông.
Việc phân loại rác tại nguồn bước đầu đạt được những kết quả khả quan như: Giảm khoảng 30 % lượng rác thải đưa đi xử lý; tiết kiệm nguồn ngân sách dành cho việc xử lý rác thải; thay đổi thói quen phân loại rác của người dân; sử dụng rác thải như một nguồn tài nguyên. Rác thải được phân loại thành: Rác thải sinh hoạt có khả năng tái sử dụng, tái chế; rác thải thực phẩm; rác thải sinh hoạt khác. Đối với thức ăn thừa, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đã vận động người dân tận dụng làm thức ăn cho chăn nuôi; rác thải hữu cơ được ủ bằng hố ủ rác di động làm phân để trồng cây.
Trong những năm qua, công tác truyền thông về bảo vệ môi trường luôn được các cấp, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Nam Định triển khai với nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp điều kiện thực tiễn. Điều này góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ môi trường xanh - sạch - đẹp trong các tầng lớp nhân dân.
Hướng tới bảo vệ môi trường, người dân Nam Định tích cực thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Theo đó, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường được đẩy mạnh gắn với các phong trào: “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni lông”; “Chống rác thải nhựa”; “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần, từ chối sản phẩm không thể tái sử dụng”… Xây dựng các mô hình tự quản về môi trường như: “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường”, “Tổ thu gom rác thải”, “Tổ tự quản bảo vệ môi trường”.
Với nhiều mô hình, cách làm hay, công tác bảo vệ môi trường đã được các địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định quan tâm, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân, từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ngày nay, những tuyến đường liên thôn, đường ngõ và xóm ở xã Xuân Thượng (huyện Xuân Trường) đã được trải nhựa và đổ bê tông sạch, đẹp. Người dân địa phương phấn khởi khi cảnh quan đường làng, ngõ xóm có những hàng cây xanh mát, rực rỡ sắc màu của hoa. Trước đây, cảnh quan môi trường ở thôn chưa được sạch sẽ, ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế. Để xây dựng khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp, cán bộ các xóm đã tổ chức rà soát các tiêu chí NTM để xây dựng kế hoạch triển khai, đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân biết và chủ động tham gia
Chỉ một thời gian ngắn phát động, mô hình đã thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân đóng góp kinh phí để trồng cây xanh, trồng hoa ven đường, lắp đèn chiếu sáng và thường xuyên quét dọn đường làng, ngõ xóm, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón. Môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp của người dân xóm 6 đã lan tỏa ra các xóm trong xã. Trong đó, cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ đã tích cực tự nguyện hiến đất, tự giác tháo dỡ các công trình xây dựng để mở rộng đường làng, ngõ xóm; đóng góp ngày công lao động, ủng hộ kinh phí để làm các công trình phúc lợi góp phần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, xã NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Tại xã Giao Thanh (Giao Thủy), người dân thường xuyên duy trì hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như ở các xóm Thanh Hùng, Thanh Tân, Thanh Nhân và Thanh Mỹ. Rác thải được phân loại tại nguồn và được tổ chức thu gom rác 3 lần/tuần về khu bãi rác tập trung xử lý. Người dân thực hiện tốt mô hình phân loại rác thải hữu cơ, vô cơ tại nguồn; không xả rác, nước thải ra kênh mương; đồng thời tổ chức tổng vệ sinh mỗi tháng một lần quét dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm.
Hàng năm, các xóm có kế hoạch rà soát, vận động nhân dân chỉnh trang khuôn viên gia đình, vệ sinh tường bao, tường nhà sạch sẽ. Đường trục chính các xóm đều được lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận lợi. An ninh trật tự được đảm bảo, nhân dân hài lòng với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.
Thực hiện phong trào xây dựng NTM sáng - xanh - sạch - đẹp, Hội Phụ nữ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ý Yên thường xuyên tổng dọn vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm vào các thứ 7, Chủ nhật hàng tuần. Tiến hành tổ chức thu gom rác thải tại các khu dân cư, duy trì mô hình dòng sông không rác thải, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Hưởng ứng phong trào “Phòng chống rác thải nhựa”, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phối hợp với Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên tổ chức tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa; ra mắt mô hình “Đi chợ bằng làn” và treo biển tuyên truyền tại các điểm chợ và khu vực tập trung đông người tại các xã, thị trấn trên địa bàn.
Việc thực hiện bảo vệ môi trường theo các tiêu chí xây dựng NTM đã khó, việc duy trì và nâng cao công tác này trong thời gian tới còn khó hơn rất nhiều. Do vậy, đây là một trong những nhiệm vụ hết sức khó khăn, cần sự vào cuộc bền bỉ và chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở các địa phương, góp phần xây dựng NTM thực sự bền vững tại Nam Định.