Ai Cập đang xây dựng chiến lược sản xuất hydro xanh với chi phí thấp nhất thế giới, có giá khoảng 1,7 USD/kg, vào năm 2050 và đặt mục tiêu chiếm 8% thị phần thị trường hydro toàn cầu.
Ai Cập đang xây dựng chiến lược quốc gia để sản xuất hydro xanh với chi phí thấp nhất toàn cầu vào năm 2050.
Trong một phát biểu tại Hội nghị Kinh tế 2022 tổ chức ở thành phố Sharm El-Sheikh ngày 24/10, Bộ trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo Ai Cập Mohamed Shaker cho biết bộ này cùng Bộ Dầu khí đã ký Biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), nhằm tài trợ cho những nghiên cứu tiềm năng liên quan tới chuỗi cung ứng hydro carbon thấp.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Theo ông Shaker, EBRD sẽ giúp Ai Cập khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo và chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh bằng cách hỗ trợ phát triển chiến lược quốc gia nhằm sản xuất hydro xanh với chi phí thấp.
Chiến lược này sẽ được công bố vào “Ngày Năng lượng” trong khuôn khổ chương trình nghị sự của Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) dự kiến diễn ra từ ngày 6-18/11 tại thành phố Sharm El-Sheikh.
Chiến lược nói trên sẽ giúp Ai Cập sản xuất hydro xanh với chi phí thấp nhất trên toàn thế giới, có giá khoảng 1,7 USD/kg, vào năm 2050.
Mục tiêu tham vọng này cũng mở đường cho việc thực hiện kế hoạch lớn nhằm hỗ trợ đất nước Bắc Phi này giành được 8% thị phần thị trường hydro toàn cầu.
Chiến lược dự kiến sẽ góp phần tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ai Cập lên từ 10-18 tỷ USD vào năm 2050, cùng với việc tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn và giảm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ.
Ai Cập đang triển khai nhiều nỗ lực nhằm khuyến khích các công ty trong và ngoài nước tham gia vào thị trường năng lượng xanh.
Cairo cũng tìm cách thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất hydro xanh, với mục tiêu trở thành một tuyến đường trung chuyển năng lượng sạch tới châu Âu và toàn thế giới.
Quốc gia Bắc Phi này đã và đang xem xét nhiều đề nghị của các công ty quốc tế muốn thiết lập các dự án hydro xanh tại Khu Kinh tế kênh đào Suez.
Theo TTXVN/Vietnam+
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.