Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 7 tháng 10 năm 2023 | 8:53

Áp dụng kỹ thuật ‘Thụ phấn nhân tạo’ nâng cao hiệu quả cho người trồng mãng cầu

Với những hiệu quả khi ứng dụng những kỹ thuật mới đã góp phần tạo ra sản phẩm sạch có chất lượng, giúp nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên trái mãng cầu.

Nông dân Đặng Hồng Thanh, ngụ xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh tiến hành thụ phấn nhân tạo cho cây Mãng cầu Bà Đen

Mãng cầu ta trồng tại Tây Ninh (hay còn gọi là mãng cầu Bà Đen Tây Ninh) có tên khoa học là Annona squamosa L. Với tổng diện tích sản xuất khoảng 5.520 ha, trong đó, diện tích cho sản phẩm 5.100 ha, sản lượng cung cấp ra thị trường ước đạt 72.930 tấn/năm. Đây là một trong những trái cây đặc sản chủ lực của tỉnh.

Trong những năm qua, nhờ áp dụng kỹ thuật thụ phấn nhân tạo đã giúp tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho người trồng mãng cầu Bà Đen tại Tây Ninh. Đặc biệt là trong trường hợp khi cây ra hoa gặp tình trạng thời tiết bất lợi như mưa nhiều hay nắng nóng… cây vẫn cho tỷ lệ đậu trái đạt trên 97%. 

Do tỷ lệ đậu trái nhờ thụ phấn đạt rất cao nên người trồng có thể chủ động lựa chọn trái ở vị trí thích hợp và tuyển số lượng trái cần thiết phù hợp khả năng nuôi trái của cây, nhờ đó năng suất và và giá trị kinh tế đạt cao hơn.

Hiện nay, hầu hết diện tích canh tác cây mãng cầu ta trên địa bàn tỉnh đã áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác. Trong đó phương pháp thụ phấn nhân tạo được áp dụng trong khoảng 3 năm gần đây đã góp phần tạo ra sản phẩm sạch có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân.

Kết quả khi so sánh giữa phương pháp canh tác truyền thống, trung bình tỷ lệ trái loại 1 chỉ đạt 25 - 30%, trái loại 2 từ 40 - 45% và trái loại 3 từ 25 - 35%. Khi áp dụng phương pháp thụ phấn nhân tạo trung bình tỷ lệ trái loại 1 từ 50 - 65%, trái loại 2 từ 30 - 45% và trái loại 3 từ 10 - 20%. Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế đạt được khoảng 70 triệu đồng/ha/năm so với phương pháp sản xuất truyền thống. Trung bình hiệu quả kinh tế đạt được trên 200 triệu đồng/ha/năm.

Từ những thành công bước đầu, Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh đã phối hợp các ban, ngành tổ chức tuyên truyền nhân rộng giải pháp đến các hộ nông dân, đặc biệt là các chi tổ hội nghề nghiệp, các Tổ hợp tác, Hợp tác xã chuyên canh về cây mãng cầu trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở địa phương.

 

Phương Thảo/Báo Tây Ninh
Ý kiến bạn đọc
Top