Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 17 tháng 4 năm 2023 | 15:39

Biến đổi khí hậu: Báo động mất an ninh lương thực ở nhiều quốc gia

Nhiều thành phố lớn của Trung Quốc chứng kiến nền nhiệt độ cao kỷ lục vào đầu tháng 3/2023. Song song là hạn hán, xung đột và giá tăng cao cùng với khó khăn về kinh tế vĩ mô đang làm trầm trọng tình trạng mất an ninh lương thực ở nhiều quốc gia.

Nông dân Catalonia cầu mưa

Hàng trăm người dân một ngôi làng ở Tây Ban Nha đã phục dựng tập tục cũ - một Thánh lễ đặc biệt và rước kiệu để cầu mưa giữa mùa hạn hán.

Khi ông Josep Altarriba chứng kiến những cánh đồng khô cằn của mình, người nông dân Tây Ban Nha này không thể nào hình dung nổi đợt hạn hán năm nay lại kéo dài và lan rộng như vậy ở Catalonia. Nếu trời không mưa trong vòng vài tuần tới, ông Jossep cho rằng, có rất ít cơ hội để cứu vãn vụ thu hoạch.

Vậy bây giờ phải làm sao? Đối với người nông dân vùng miền núi L’Espunyola, câu trả lời hiện tại chính là “sự can thiệp của thần thánh”.

Hình ảnh chụp một hồ chứa thuộc tỉnh Quý Châu, phía Tây Nam Trung Quốc hôm 9/2/2023 bị cạn trơ đáy. Ảnh: AFP

Ngày 26/3, khoảng 250 dân làng đã quay trở lại thực hành một tập tục bị bỏ quên từ rất lâu. Đó là một Thánh lễ đặc biệt và cuộc rước kiệu để cầu nguyện với Đức Mẹ Suối nguồn - một trinh nữ địa phương có liên quan đến lượng mưa.

Cơ quan thời tiết Tây Ban Nha cho biết, đã ba năm liên tiếp, nước này chứng kiến lượng mưa rất thấp và nhiệt độ cao, khiến nhiều vùng miền chính thức rơi vào tình trạng hạn hán kéo dài. Năm 2021 là năm khô hạn thứ sáu lịch sử của Tây Ban Nha và là năm nóng nhất kể từ khi các kỷ lục bắt đầu ghi nhận vào năm 1961.

Xứ Catalonia, miền Đông Bắc của đất nước, là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất. Toàn bộ hoạt động du lịch nông nghiệp và trồng trọt, vốn là nguồn thu nhập chính của 260 cư dân ở ngôi làng L’Espunyola, cách Barcelona một giờ rưỡi về phía Bắc, bị đình đốn.

Truyền thông địa phương cho biết, lần cuối cùng người dân ngôi làng dâng lễ cầu mưa là năm 2008. Và kết quả là thật sự nhiệm màu – khi người dân nói rằng những cơn mưa đến không lâu sau đó.

Tuy nhiên, trả lời về hiệu lực của lễ cầu mưa năm nay, vị giám mục địa phương đã không dám chắc về một kết cục tương tự. “Chúng tôi đã nguyện cầu với trọn đức tin, hy vọng Chúa sẽ ban phước lành”, giám mục Conesa nói.

Nhiều nền kinh tế bị đe dọa

Dữ liệu cho thấy, thành phố Vũ Hán nằm ở vùng trung lưu sông Dương Tử (Trường Giang, Trung Quốc), hồi đầu tháng 3 ghi nhận nhiệt độ 26 độ C, cao hơn 12 độ C so với mức trung bình nhiều năm vào thời điểm này, trong khi Bắc Kinh và các thành phố lân cận cũng có nhiệt độ lên tới 22 - 25 độ C vào cùng thời điểm.

Cơ quan dự báo thời tiết khí tượng Trung Quốc cảnh báo, năm nay, cả nước sẽ phải đối mặt với một năm thời tiết khắc nghiệt nữa do biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ông Gao Rong, Phó giám đốc Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc, cho biết, thời tiết thay đổi cũng đồng nghĩa với việc mùa xuân đến sớm ở nhiều khu vực phía Nam sông Dương Tử, cá biệt có nơi sớm hơn bình thường tới 20 ngày.

Trong một diễn biến liên quan, nghiên cứu mới công bố cho biết, thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra có thể khiến Đức thiệt hại kinh tế tích lũy lên tới 956 tỷ USD (900 tỷ Euro) vào giữa thế kỷ này. Báo cáo do các công ty nghiên cứu kinh tế Prognos & GWS và Viện Nghiên cứu Kinh tế Sinh thái quốc gia Đức thực hiện nhằm chuẩn bị cho Bộ Môi trường nước này xây dựng chiến lược thích ứng với khí hậu.

Các bộ Kinh tế, Môi trường của Đức đã trích dẫn nghiên cứu cho thấy, nhiệt độ cực cao, hạn hán và lũ lụt có thể gây thiệt hại 280 - 900 tỷ Euro trong khoảng thời gian từ năm 2022 - 2050, tùy thuộc vào mức độ nóng lên toàn cầu.

Cụ thể là những mất mát bao gồm thiệt hại về sản lượng nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, sập đổ nhà cửa do mưa lớn và lũ lụt, ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển hàng hóa và tác động đến hệ thống y tế.

Đặc biệt, nghiên cứu trên không tính đến những thiệt hại phi tài chính như suy giảm sức khỏe cộng đồng, tử vong do nắng nóng, lũ lụt và tổn thất về đa dạng sinh học.

Giá thịt gia cầm thế giới tiếp tục giảm trong bối cảnh nguồn cung dồi dào, bất chấp ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm bùng phát ở một số nước sản xuất hàng đầu.

Báo động mất an ninh lương thực

Theo báo cáo mới nhất về triển vọng cây trồng và tình hình lương thực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO), tổng cộng có 45 quốc gia trên thế giới được đánh giá là cần nguồn hỗ trợ từ bên ngoài.

Cụ thể, hiện người dân ở ít nhất 6 quốc gia châu Phi đang trải qua, hoặc dự kiến sẽ sớm trải qua mức độ mất an ninh lương thực nghiêm trọng vào một số thời điểm, được phân hạng ở “cấp độ 5” của thang phân loại mất an ninh lương thực hoặc thảm họa nạn đói gồm: Burkina Faso, Haiti, Mali, Nigeria, Somalia và Nam Sudan. Ngoài ra, theo báo cáo, hàng triệu người khác cũng phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng.

Theo các chuyên gia, ngay cả khi chỉ số giá lương thực của FAO đã giảm bớt phần nào trong những tháng gần đây, lạm phát giá lương thực nội địa vẫn ở mức cao ngất ngưởng ở nhiều quốc gia. Chẳng hạn, giá ngũ cốc thô ở Ghana trong tháng 1 cao hơn 150% so với một năm trước đó, trong khi giá lương thực đạt mức cao nhất mọi thời đại ở Malawi và Zambia.

“Việc gia tăng tổng sản lượng lương thực trong số 47 quốc gia thiếu hụt lương thực có thu nhập thấp trên thế giới trong niên vụ thu hoạch hiện tại đã giúp giảm bớt tác động của giá cả hàng hóa toàn cầu cao hơn. Tuy nhiên, sự sụt giảm hoạt động sản xuất, cùng với đồng tiền yếu ở nhiều quốc gia dự kiến sẽ khiến giá lương thực nhập khẩu tăng cao”, báo cáo cho biết.

Báo cáo triển vọng cây trồng và tình hình lương thực của FAO cũng cho biết thêm những bất ổn tại nhiều nơi trên thế giới, như đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 40 năm qua ở Đông Phi.

Thống kê của FAO cho biết, chỉ số chuẩn của giá hàng hóa lương thực quốc tế tiếp tục giảm trong tháng 2, chứng kiến mức giảm tháng thứ 11 liên tiếp, mặc dù chỉ ở mức nhẹ.

Theo đó, chỉ số giá lương thực đạt trung bình 129,8 điểm trong tháng 2, giảm 0,6% so với tháng 1 nhưng giảm tới 18,7% so với mức cao nhất vào tháng 3 năm 2022. Chỉ số này theo dõi sự thay đổi hàng tháng của giá cả quốc tế đối với các mặt hàng thực phẩm thường được giao dịch, phản ánh sự sụt giảm trong báo giá dầu thực vật và các sản phẩm từ sữa, bù đắp nhiều hơn cho việc giá đường tăng mạnh.

Riêng chỉ số giá ngũ cốc hầu như không thay đổi so với tháng Giêng. Việc giá lúa mì quốc tế tăng nhẹ trong tháng là do lo ngại về điều kiện khô hạn ở Mỹ và nhu cầu mạnh mẽ đối với nguồn cung từ Úc do phần lớn bị cản trở bởi sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà xuất khẩu.

Giá gạo thế giới trong tháng vừa qua cũng giảm 1% do hoạt động giao dịch tại hầu hết các nhà xuất khẩu lớn ở châu Á chậm lại, và đồng tiền của các nước xuất khẩu gạo cũng mất giá so với đồng đô la Mỹ.

Chỉ số giá thịt của FAO cũng hầu như không thay đổi so với tháng Giêng. Giá gia cầm thế giới tiếp tục giảm trong bối cảnh nguồn cung xuất khẩu dồi dào, bất chấp ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm bùng phát ở một số nước sản xuất hàng đầu, trong khi giá thịt lợn quốc tế tăng, chủ yếu là do lo ngại về nguồn cung xuất khẩu khan hiếm và thắt chặt hơn ở khu vực châu Âu.

 

Chanh
Ý kiến bạn đọc
Top