Trung tâm nghiên cứu được xây dựng trên diện tích 10ha tại huyện Sesan ở Đông Bắc Campuchia với kinh phí 1,75 triệu USD, trung tâm sẽ sản xuất 3 triệu cá nhỏ mỗi năm.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)
Trong một thông cáo báo chí ngày 11/8, Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia cho biết nước này vừa khánh thành Trung tâm nghiên cứu và sản xuất động vật thủy sinh Thượng lưu sông Mekong tại tỉnh Stung Treng, Đông Bắc Campuchia.
Theo thông cáo, trung tâm được xây dựng trên diện tích 10ha tại huyện Sesan. Kinh phí xây dựng trung tâm 1,75 triệu USD, sử dụng ngân sách nhà nước và vốn vay từ Ngân hàng Thế giới. Trung tâm được khởi công xây dựng vào tháng 10/2020 và hoàn thành vào tháng 9/2021.
Trung tâm có 24 ao, bao gồm một ao chứa nước lớn, 12 ao nuôi cá bột, bốn ao nuôi cá béo, sáu ao cho cá sinh sản và một ao xử lý nước thải. Ngoài ra, còn có các cơ sở quản lý, nghiên cứu và phòng thí nghiệm, nuôi trồng thủy sản, đào tạo, và nhân giống, sản xuất giống cá và nuôi cá.
Phát biểu tại lễ khánh thành ngày 10/8, Bộ trưởng Nông, Lâm, Ngư nghiệp Veng Sakhon nhấn mạnh trung tâm này có vị trí thiết yếu trong việc phát triển ngành nuôi trồng thủy sản tại khu vực Đông Bắc Campuchia.
Trung tâm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực nhờ nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp cung cấp cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Ông Sakhon nói: “Trung tâm sẽ đóng vai trò sản xuất và quảng bá các loài thủy sản, đồng thời là nơi đào tạo kỹ thuật nhân giống, nuôi và bảo tồn các loài thủy sản. Trung tâm cũng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lợi thủy sản ở thượng nguồn Sông Mekong".
Cũng phát biểu tại sự kiện này, quan chức Ngân hàng Thế giới phụ trách Campuchia, bà Maryam Salim cho biết đây là trung tâm sản xuất giống và nghiên cứu khu vực đầu tiên của Campuchia được xây dựng tại một tỉnh ở thượng lưu sông Mekong.
Trung tâm sẽ sản xuất 3 triệu cá nhỏ mỗi năm và cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho nông dân nuôi cá. Bên cạnh đó, cơ sở này cũng sẽ trở thành một trung tâm nghiên cứu nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao./.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.