Công ty Cảng biển Quốc tế Chu Lai - Chu Lai Port (Quảng Nam) thuộc Công ty TNHH Giao nhận – Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (THILOGI) vừa đưa vào vận hành chính thức hệ thống cẩu chuyên dụng mới trị giá hơn 400 tỷ đồng.
Lễ bàn giao 2 cẩu bờ chạy ray RMQC do Doosan Vina sản xuất cho cảng biển quốc tế Chu Lai (đặt tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) vừa diễn ra, sau 16 tháng kể từ ngày ký hợp đồng mua hàng, chế tạo, lắp dựng, vận hành thử nghiệm và đào tạo vận hành.
Lễ bàn giao 2 cẩu STS nặng 900 tấn diễn ra tại cảng Chu Lai
Hai cẩu bờ này thuộc dự án Chu Lai Port, được Doosan Vina ký kết với Công ty TNHH Cảng biển Quốc tế Chu Lai vào ngày 30/12/2022, nhằm nâng cao công suất bốc dỡ cho cảng Chu Lai. Mỗi cẩu trục có chiều cao lên đến 57,5m, dài 98m, rộng 27m, tầm với ra biển lên đến 40m, tầm với trong bờ 16m và có thể bốc dỡ container có trọng tải hơn 40 tấn, phù hợp với các tàu hàng 50.000 DWT.
Các cẩu trục này có tầm với ra biển lên đến 40m, tầm với trong bờ 16m và có thể bốc dỡ container có trọng tải hơn 40 tấn
Đây là lần đầu tiên cẩu trục được sản xuất, lắp dựng và bàn giao ngay tại công trường thay vì được hoàn thiện tại Doosan Vina sau đó vận chuyển đến cảng khách hàng như các dự án trước. Mặc dù gặp một số bất cập về việc vận chuyển nguyên vật liệu và điều kiện làm việc, sinh hoạt tại công trường nhưng với năng lực, kinh nghiệm và tinh thần đoàn kết của đội ngũ người lao động Doosan Vina cùng với sự hỗ trợ tích cực của cảng Chu Lai, mọi khó khăn đều đã được khắc phục kịp thời và hiệu quả. Sự thành công của dự án minh chứng cho năng lực thích nghi với mọi hoàn cảnh, điều kiện của người Doosan, luôn linh hoạt tìm ra giải pháp phù hợp và đưa dự án về đích đúng tiến độ.
Ông Bùi Minh Trực, TGĐ Công ty TNHH Giao nhận - Vận chuyển Quốc tế Trường Hải, chia sẻ: Chúng tôi rất vui khi Doosan Vina đồng ý thực hiện 2 cẩu STS ngay tại cảng Chu Lai. Điều này giúp chúng tôi tiết kiệm khá nhiều chi phí đồng thời học hỏi được rất nhiều điều quý báu về phong cách làm việc chuyên nghiệp từ Doosan Vina. Chúng tôi rất ấn tượng về chính sách kiểm soát chất lượng và kiểm soát tiến độ dự án từng ngày, từng giờ của Doosan Vina trong suốt quá trình thực hiện dự án.
“Việc vận hành 2 cẩu STS này là một bước rất quan trọng về tiến độ và năng suất xếp dỡ của cảng Chu Lai, gần như là gấp 3 đến 4 lần so với trước đây. Với định hướng phát triển thành một cảng chuyên dụng container lớn tại miền Trung để kết nối 2 đầu Nam Bắc, tôi hy vọng rằng trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Doosan Vina và Thaco Industries để đầu tư nhiều thiết bị hơn để nâng cao hơn nữa năng suất xếp dỡ”, ông Trực cho biết thêm.
2 cẩu này hiện đã được đưa vào vận hành thương mại tại cảng quốc tế Chu Lai từ đầu tháng 5/2024
Hai hệ thống cẩu trục STS này hiện đã được đưa vào vận hành thương mại từ đầu tháng 5/2024 với tổng công suất nâng hạ 60 lượt/giờ, giúp cảng Chu Lai nâng cao năng suất và sản lượng, rút ngắn thời gian làm hàng, mang lại hiệu quả trong quá trình lưu thông, vận tải hàng hóa tại khu vực bãi cảng, từ đó gia tăng tần suất khai thác tàu và chất lượng dịch vụ cho cảng Chu Lai.
Ngoài ra, hiện nay, Doosan Vina đang đẩy mạnh chế tạo và hoàn thiện 9 cẩu RTGC thuộc dự án Saudi Global Port để xuất đến cảng Dammam vào tháng 06/2024 và tiếp tục chế tạo 24 cẩu trục (6 RMQC và 18 RTGC) của dự án BMCTPL cung ứng cho khách hàng PSA Mumbai, Ấn Độ.
Tính đến nay, Doosan Vina đã và đang sản xuất 132 cẩu trục cho các khách hàng quốc tế và trong nước. Một số cảng tiêu biểu mà cẩu trục do công ty cung ứng đang hoạt động có thể kể đến như PSA (Singapore), Samarinda (Indonesia), JNPT và BMCT (Ấn Độ) và tại Việt Nam gồm Tân cảng Sài Gòn, cảng Đà Nẵng, cảng nhà máy Lọc Dầu Nghi Sơn, cảng Gemalink, cảng Nam Đình Vũ và cảng Chu Lai.
Cảng Chu Lai nằm trong Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) có vị trí giao thông thuận lợi, dễ dàng kết nối với quốc lộ 1A, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường ven biển, đường sắt, sân bay; kết nối với các KCN (Tam Thăng, Bắc Chu Lai, Dung Quất, VSIP…), khu vực tam giác kinh tế Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan qua các cửa khẩu quốc tế: Nam Giang (Quảng Nam), Bờ Y (Kon Tum)… kết nối giao thương hàng hóa của miền Trung, Tây Nguyên và các nước lân cận. Là một trong 15 cảng biển loại 1 (cảng quốc gia, đầu mối khu vực) đang được đầu tư có trọng điểm nhằm phát triển thành cửa ngõ giao thương quốc tế của miền Trung - Tây Nguyên, Nam Lào, Bắc Campuchia.