'Kết nối sản phẩm' là một cách nói khác của thị trường khoa học - công nghệ (KHCN). Thị trường được xem như một cái chợ, nơi 'cung' hàng hóa gặp 'cầu' hàng hóa, nơi người bán giao lưu với người mua.
“Diễn đàn Kết nối sản phẩm KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp với doanh nghiệp, HTX và nông dân” kết thúc với nhiều niềm vui. Hiếm có dịp nào hội tụ đông đảo những người tâm huyết với nông nghiệp, nông dân, nông thôn như Diễn đàn lần này. Không gian trưng bày sản phẩm phong phú, có thể đong, đo được tài năng và trí tuệ của đội ngũ các nhà khoa học khắp mọi miền đất nước. Những lời phát biểu đầy tâm huyết, nhưng cũng còn không ít trăn trở, gợi mở nhiều điều để sau Diễn đàn trả lời câu hỏi "RỒI SAO NỮA?". “Kết nối sản phẩm” là một cách nói khác của thị trường khoa học - công nghệ (KHCN). Thị trường được xem như một cái chợ, nơi “cung” hàng hóa gặp “cầu” hàng hóa, nơi người bán giao lưu với người mua. Từ trước đến nay, người bán và người mua sản phẩm KHCN gặp nhau chủ yếu từ quen biết thâm giao, dưới hình thức hợp tác là chính. Hình thức hợp tác bước đầu tạo thêm nguồn lực để các nhà khoa học tạo ra sản phẩm KHCN, giải quyết những vấn đề mới trên con đường phát triển nông nghiệp bền vững. Kết nối cũng có thể được xem như một trong những hình thức của thị trường sản phẩm KHCN. Kết nối tạo thành cộng đồng cùng chí hướng, chuyển giá trị cho nhau và tạo ra giá trị tích hợp. Tuy nhiên, để tiến tới thị trường KHCN đúng bản chất, cần hiểu đúng, đầy đủ về chức năng và sức mạnh của thị trường mà nhân loại đã đúc kết trải qua vài trăm năm. Thị trường là nơi nhiều chủ thể gặp nhau trong không gian thực hoặc ảo, được kết nối thành công khi thỏa mãn điều kiện về chất lượng và giá cả. Thông qua hoạt động thị trường, người bán không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của người mua. Thông qua hoạt động thị trường, người mua trả giá tương xứng với chất lượng sản phẩm. Một trong hai điều kiện không thỏa sẽ không hoàn tất được một hợp đồng giao dịch hàng hóa. Khi đất nước đổi mới, nền tư duy thị trường thay thế tư duy kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Nền kinh tế với vai trò Nhà nước là chính, chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần, tất cả cùng phát triển, cùng đóng góp cho kinh tế đất nước. Khu vực tư năng động, nhờ đó thúc đẩy sản phẩm tiếp cận được thị trường. Không chỉ diễn ra hoạt động mua bán, thị trường còn là nơi sàng lọc, tạo tính cạnh tranh để sản phẩm càng ngày càng tốt hơn với chi phí thấp hơn. Trong nền kinh tế kế hoạch hóa, Nhà nước quyết định sản xuất và phân phối hàng hóa. Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, Nhà nước chỉ tham gia một phần, còn lại hoạt động theo cơ chế thị trường theo quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu, quy luật giá trị,… Nhà nước giữ vai trò kiến tạo thị trường và xử lý những xung đột lợi ích và những bất cập nếu xảy ra. Một trong những bất cập của thị trường là thông tin bất cân xứng, hai bên giao dịch với nhau nhưng một bên có nhiều thông tin hơn bên kia. Thị trường minh bạch sẽ khắc phục được bất cập có tính phổ biến này, tạo cơ hội công bằng cho những chủ thể tham gia. Không gian trưng bày sản phẩm KHCN chính là một trong những cách cung cấp thông tin thị trường. Ngoài ra, với tư duy thị trường, để những sản phẩm KHCN không bị đóng băng sau khi được nghiệm thu, các viện, trường và cả nhà khoa học độc lập cũng cần quảng bá trên không gian mạng và các kênh truyền thông đa phương tiện. Hằng ngày có quá nhiều sản phẩm nên để người mua quan tâm phải cần đến truyền thông quảng bá, nói bình dân là biết rao hàng. Mục đích cuối cùng là “hàng hóa đặc biệt” phải được nhiều người biết tới, đón nhận và kết nối bằng các hình thức giao dịch trên thị trường. Một viện nghiên cứu nước ngoài đưa ra khẩu hiệu “Khoa học gặp gỡ cuộc sống”. Cuộc sống diễn ra ở muôn nơi, cuộc sống đặt ra những câu hỏi, mỗi câu hỏi sẽ hình thành ý tưởng nghiên cứu, khởi đầu cho những đề tài KHCN. Những nhu cầu của cuộc sống sẽ được cung cấp bởi bên tạo ra sản phẩm hoặc từ nhu cầu đó sẽ là những ý tưởng hình thành đề tài nghiên cứu KHCN mới, tạo ra sản phẩm quay lại phục vụ cuộc sống. Ở một quốc gia khởi nghiệp, có nền nông nghiệp sa mạc nhấn mạnh đến sứ mạng của KHCN góp phần kiến tạo cuộc sống hạnh phúc cho con người. Sản phẩm KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp có tính đặc thù, phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp thông qua doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân. Nghiên cứu KHCN nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt hơn, giá trị nông sản gia tăng hơn, năng suất lao động cao hơn. Sản phẩm KHCN giúp tăng sức cạnh tranh, tạo ra giá trị thặng dư cho nền nông nghiệp, lợi nhuận cho doanh nghiệp, HTX và nông dân, giúp bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. 500 năm nay, lý thuyết kinh tế học vẫn xoay quanh 3 câu hỏi: "Sản xuất cái gì? Sản xuất cho ai? Sản xuất như thế nào?". Nhà khoa học khi bắt tay nghiên cứu cũng cần trả lời 3 câu hỏi đó. Thông thường, thị trường là nơi gặp nhau giữa người bán và người mua để định giá giá trị hàng hóa. Tuy nhiên, sản phẩm KHCN không phải là hàng hóa thông thường mà là hàng hóa đặc biệt, có hàm lượng tri thức cao, do những nhà khoa học tâm huyết tạo nên. Vì vậy, để đong, đo chất lượng sản phẩm KHCN cần có các không gian gặp gỡ trực tiếp, cùng nhau hình thành ý tưởng nghiên cứu. Những ý tưởng hay được sàng lọc, tích hợp, trở thành những đề tài nghiên cứu xuất sắc và đi vào cuộc sống. Những cuộc gặp gỡ giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân là dịp mọi người có dịp lắng nghe, chia sẻ. Khi đồng hành, các bên cùng nhau kiến tạo con đường phát triển nông nghiệp với hàm lượng tri thức cao. Khi đồng hành, các bên thảo luận, đưa ra những khuyến nghị chính sách phù hợp. Khi ấy mọi người cùng tư duy: “Điều quan trọng không phải nghĩ những điều đang làm là tốt nhất mà phải luôn đặt câu hỏi: Có cách nào khác làm tốt hơn không? Nếu chúng ta nghĩ rằng việc đó không khó, thì có thể làm được, nhưng nếu nghĩ nó khó, thì vĩnh viễn không bao giờ làm được!”. Sau khi Diễn đàn kết thúc, những bất cập làm ách tắc được nhận diện rõ hơn. Những đúc kết từ tham luận của các nhà khoa học, doanh nghiệp sẽ là cơ sở để những khuyến nghị tháo gỡ có tính thuyết phục cao. Tuy nhiên, vẫn có những việc cần làm ngay trong khi chờ đợi sự thay đổi cơ chế chính sách. Các nhà khoa học hãy chia sẻ tâm huyết của lãnh đạo một cơ quan nghiên cứu: "Khoa học bén rễ tới đâu, chuyển giao cho người dân tới đó". Bà con nông dân đang trông chờ, kỳ vọng vào các nhà khoa học với tinh thần dấn thân, lan tỏa tri thức, làm thay đổi nông nghiệp nước nhà. Không chỉ Nhà nước hay doanh nghiệp đặt hàng, mà bà con nông dân cũng đang “đặt hàng” các nhà khoa học. Đôi khi thái độ và động lực tạo ra sản phẩm KHCN bắt đầu từ sự biết ơn và trả ơn người nông dân. Đơn giản thế thôi! Nội dung: Lê Minh Hoan - Nguyễn Thị Thanh Thủy Theo NNVN |