Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 14 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 8 tháng 7 năm 2024 | 14:25

Nâng tầm giá trị ngành Sen

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, để viết tiếp câu chuyện về nâng tầm giá trị “kinh tế và văn hoá” cho ngành hàng sen, các địa phương cần xây dựng những chương trình, kế hoạch phát huy giá trị sen nhiều hơn nữa và thực hiện đồng bộ, thường xuyên.

 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, Đồng Tháp không phải là tỉnh duy nhất trồng sen, mặc dù thương hiệu sen đã gắn bó với địa phương từ lâu. Lô củ sen đầu tiên đã chính thức được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, đánh dấu mốc đưa sản phẩm sen thâm nhập vào một trong những thị trường khó tính của thế giới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan tại buổi nói chuyện về hệ sinh thái sen tại huyện Tháp Mười.

Theo đại diện Hội ngành hàng sen Đồng Tháp, hiện thị trường Nhật Bản, Trung Quốc đang có nhu cầu về củ sen rất lớn, trong khi đó, tại Đồng Tháp và các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phần lớn diện tích là trồng sen lấy hạt.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp về phát triển vùng nguyên liệu, quy trình canh tác bền vững, hướng đến chất lượng cao cho thấy, vùng trồng sen của tỉnh tập trung tại các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Thanh Bình, Tân Hồng, Tam Nông. Đến cuối năm 2023, diện tích trồng sen toàn tỉnh đạt 1.800 ha; hiện đã sưu tập, nhân giống được 52 chủng loại giống sen. Đặc biệt, giống sen trồng phổ biến nhất tại Đồng Tháp là giống sen hồng, sen lấy gương, sen lấy ngó.

Về quy trình canh tác bền vững, hướng tới chất lượng cao đảm bảo quá trình sản xuất sen được thực hiện một cách an toàn và tuần hoàn, từ việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu cho đến xử lý và tái chế chất thải. Các biện pháp bảo vệ môi trường cần được tích hợp từ giai đoạn lập kế hoạch đến vận hành hàng ngày. Ngoài sản phẩm sen chế biến thức ăn, nước uống còn các sản phẩm tiềm năng từ sen như dùng trong mỹ phẩm như nước hoa sen, son sen; gia dụng hàng ngày gồm xà phòng sen, hương thắp sen hay dùng trong may dệt may, thời trang (tơ sen, vải tơ sen, áo dài từ tơ sen, túi)…

Hiện Đồng Tháp có hơn 40 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ sen - 56 sản phẩm OCOP làm từ sen.

Hiện nay, vùng trồng sen có diện tích 152ha tại khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười, với 10 điểm du lịch sen thuộc 3 xã Mỹ Hòa, Trường Xuân và Tân Kiều; các điểm sen du lịch này đều xuất phát từ đất của chính người dân và họ khai thác trồng sen phát triển loại hình du lịch trải nghiệm. Trung bình một tháng các điểm tham quan đồng sen đón và phục vụ trên 10.000 lượt khách. Đã thực hiện bản đồ số về sen với thể hiện các nội dung về vùng trồng, cơ sở chế biến, kinh doanh, địa điểm du lịch...xây dựng hình ảnh Đồng Tháp là “Quê Sen”, “Thủ phủ Sen” hay “Đất Sen Hồng”.

Đồng Tháp được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều đặc sản độc đáo và có tiềm năng; trong đó, có các món ẩm thực từ sen vô cùng hấp dẫn và đa dạng, đã xác lập kỷ lục Việt Nam và thế giới với 200 món ăn chế biến từ sen, xây dựng bản đồ sen và sách về Sen Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen – hành trình phát huy giá trị nhằm quảng bá hình ảnh sen Đồng Tháp đến tất cả bạn bè trong nước và quốc tế biết đến Đồng Tháp là thủ phủ Đất sen hồng.

Đặc biệt, Đồng Tháp có nhiều sản phẩm từ các bộ phận của cây sen đã được phát huy giá trị mang lại lợi ích cho sức khỏe và nâng cao đời sống cho người dân. Từ đó, góp phần hình thành và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng sen Đồng Tháp đa giá trị hơn, phù hợp với xu hướng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh hiện nay.

Một doanh nghiệp Đồng Tháp vừa xuất khẩu 15 tấn củ sen cấp đông đầu tiên sang thị trường Nhật.

Theo ông Ngô Đình Dũng, Giám đốc Công ty tư vấn ISM, với giải pháp mở rộng và tiếp cận khách hàng mới, cơ hội hợp tác quốc tế và xuất khẩu sen, tỉnh Đồng Tháp vừa xuất lô hàng củ sen đầu tiên sang Nhật Bản với số lượng 15 tấn, đánh dấu mốc đưa sản phẩm sen thâm nhập vào một trong những thị trường khó tính của thế giới với giá trị gần 1 tỷ đồng.Có thể thấy, hiện nay cây sen được khai thác nhiều trong ngành thực phẩm và đồ uống. Tiếp đến là ngành thủ công mỹ nghệ. Các sản phẩm trong các ngành khác như: dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang, môi trường, quà lưu niệm… chưa đa dạng về sản phẩm. Một số sản phẩm chế biến sâu, khai thác tinh chất vẫn còn chưa được phát triển mạnh mà đây là lĩnh vực có tiềm năng phát triển và có giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, cây sen còn được khai thác tăng thêm giá trị trên một diện tích canh tác bởi mô hình sen – cá và 2 lúa 1 sen nhằm tận dụng lợi thể đặc điểm sinh trưởng của từng đối tượng tương hỗ góp phần giảm chi phí và tăng chất lượng thành phẩm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho biết, với lợi thế đặc thù về tiềm năng thế mạnh kinh tế và văn hóa, chuỗi giá trị sen của Đồng Tháp đã được những bước tiến đang kể nhưng để tăng giá trị gia tăng và chế biến sâu các mặt hàng chất lượng, kể cả thương mại hóa, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, nhất là các thị trường khó tính, ngành hàng sen Đồng Tháp hiện chưa đáp ứng như kỳ vọng tương xứng với vị thế tiềm năng địa phương.

Các chuyên gia, nhà quản lý, nhà bảo tồn, doanh nghiệp và người trồng sen Đồng Tháp đã đề xuất các ý tưởng mới, mô hình hay, cách làm phù hợp để đưa ngành hàng sen phát triển hiệu quả bền vững theo định hướng phát triển. Nhiều sản phẩm mới đang được doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu theo tín hiệu của thị trường mang tính ứng dụng cao như than hoạt tính từ gương sen, nhựa sinh học từ sợi thân sen hay tinh dầu sen, cao sen… Đây là những sản phẩm tiềm năng lớn tạo sức đột phá lớn bằng việc kết hợp giữa khoa học công nghệ vào trong cây nông nghiệp đặc trưng bản địa góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho toàn chuỗi giá trị sen.Theo các chuyên gia, ngành hàng sen của Đồng Tháp có nhiều tiềm năng và triển vọng để mở rộng tại các thị trường châu Á. Tuy nhiên, để hội nhập với sân chơi lớn của quốc tế, Đồng Tháp cần có góc nhìn sâu sắc hơn về thị trường, hiểu rõ tiềm năng lợi thế của ngành sen tỉnh nhà để điều tiết phù hợp trong sản xuất và chế biến.

Hiến kế cho Đồng Tháp giải pháp nâng tầm giá trị văn hóa sen trong bối cảnh hội nhập, GS.TS Trần Ngọc Thêm (giảng viên Khoa Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP HCM) chia sẻ: Thời gian gần đây, Đồng Tháp có nhiều cố gắng để nâng tầm giá trị kinh tế - văn hóa của cây sen. Tuy nhiên, các hoạt động phát triển chuỗi giá trị từ sen vẫn còn rời rạc, thiếu hoạch định tổng thể…

Ngày 7/5/2024, tại huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) tổ chức Lễ công bố xuất khẩu lô củ sen đầu tiên sang thị trường Nhật Bản.

Để sen Đồng Tháp vươn tầm, GS.TS Trần Ngọc Thêm cho rằng: Đồng Tháp có thể xem xét ý tưởng về việc xây dựng Khu phức hợp sen Đồng Tháp, với quần thể công trình như: Viện nghiên cứu tổng hợp về sen; công ty nuôi trồng và chế biến sen; bảo tàng khoa học tự nhiên về sen, bảo tàng văn hóa sen, bảo tàng 3D về sen, khu trải nghiệm và vui chơi gắn với sen; công ty du lịch chuyên đề về sen. Từ đó Đồng Tháp khai thác thế mạnh đặc thù về sen, tạo sự bứt phá toàn diện để trở thành thủ phủ sen của Việt Nam và thế giới.

GS.TS Phan Thị Thu Hiền (giảng viên Khoa Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP HCM) cho rằng: Du lịch hoa trở thành xu hướng trong phát triển du lịch của nhiều quốc gia trên thế giới. Khai thác du lịch dựa vào những loại hoa đặc trưng giúp nhiều quốc gia đẩy mạnh được ngành “công nghiệp không khói” và nổi tiếng trên toàn thế giới.

Đồng Tháp hoàn toàn có cơ sở để đẩy mạnh khai thác du lịch dựa trên tài nguyên bản địa hoa sen của địa phương. Để khai thác tốt định hướng này, ngành du lịch Đồng Tháp cần phải "làm mới" để thu hút khách du lịch nhiều hơn. Trong đó, nghiên cứu xây dựng công viên chủ đề hoa sen - nơi hội tụ nhiều giống sen quý hiếm của các quốc gia khác nhau trên thế giới.

"Song song đó, từng khu, điểm du lịch của tỉnh phải dựa trên đặc điểm đặc thù của địa phương, kết hợp văn hóa về sen để xây dựng tour du lịch đặc trưng như: tour du lịch sen tâm linh; tour du lịch sen di sản... nhằm thu hút du khách", GS.TS Phan Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

Theo các doanh nghiệp chế biến ngành hàng sen ở Đồng Tháp, tín hiệu thị trường đối với mặt hàng này rất khả quan, đặc biệt là thị trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp đang tiến hành mở rộng vùng nguyên liệu, cải tiến sản phẩm để đáp ứng thị hiếu trong và ngoài nước. Kế hoạch đến năm 2025, Tháp Mười sẽ có trên 1.000 ha ruộng sen canh tác theo hướng tập trung, hữu cơ, hiện đại.

Với mong muốn để ngành hàng sen phát triển bền vững, giúp nông dân trồng sen có thể khai thác tối đa giá trị kinh tế từ cây sen, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế sen. Trong đó, có các mô hình quản lý dịch hại trên cây sen, triển khai trồng một số giống sen mới phục vụ du lịch sinh thái được nông dân đặt nhiều kỳ vọng sẽ mang lại đột phá cho ngành hàng sen.

Sự thay đổi nhận thức của bà con nông dân chính là yếu tố quan trọng để Đồng Tháp có những kế hoạch dài hơi nhằm phát triển ngành hàng sen theo hướng bền vững.

Ông Lê Hoài Đông, Giám đốc HTX Sen Việt (TP Cao Lãnh), chia sẻ: Đồng Tháp là vùng đất sen hồng, có thế mạnh phát triển cây sen hàng chục năm qua. Vì vậy, nhiều tập thể, HTX và cá nhân đang được nhà nước hỗ trợ vốn để đưa sản phẩm đặc sản Sen vào Chương trình OCOP. Từ đó giúp khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh từ cây sen gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống của địa phương.

Quy trình chế biến củ sen của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt.

Riêng HTX Sen Việt nhiều năm qua đã góp phần đưa cây sen và các sản phẩm từ sen của tỉnh Đồng Tháp lên tầm cao mới. Người dân và thành viên HTX đã bước đầu có thêm nguồn thu nhập ổn định từ cây sen, tính ra cao hơn trồng lúa 2-3 lần.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Đồng Tháp không phải là tỉnh duy nhất trồng sen mặc dù thương hiệu sen đã gắn bó với địa phương từ lâu. Chính vì vậy, để viết tiếp câu chuyện về nâng tầm giá trị “kinh tế và văn hoá” cho ngành hàng sen, tỉnh Đồng Tháp cần xây dựng những chương trình, kế hoạch phát huy giá trị sen nhiều hơn nữa và thực hiện đồng bộ, thường xuyên.

Trong đó, cần đẩy mạnh kết nối các chuyên gia về sen, tour du lịch, lữ hành, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm sen, đưa các món ăn về sen vào các nhà hàng, quán ăn tại Đồng Tháp, đa dạng hóa sản phẩm từ sen và tạo ra những giống. Xây dựng một số mô hình liên kết hoàn chỉnh, với sự đồng hành giữa các chủ thể để thống nhất về bài toán cung cầu; phối hợp với các viện, trường nghiên cứu lai tạo giống sen phù hợp với từng vùng đất. Từ đó, triển khai, hướng dẫn nông dân canh tác theo quy trình sạch, hữu cơ mà doanh nghiệp, nhà đầu tư yêu cầu…

"Đi từ riêng lẻ là chúng ta bán giá cả, còn kết hợp là bán giá trị, từ những công đoạn trong chuỗi ngành hàng gắn kết chặt chẽ với nhau, như vậy sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao hơn", ông Lê Minh Hoan nhận định.

UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp cần có định hướng mang tính đột phá cho ngành hàng sen Tháp Mười, phát triển theo xu hướng thực phẩm tương lai, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sinh học, kinh tế xanh; phát triển dựa vào năng lực cộng đồng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cần ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chế biến nhằm nâng giá trị sau chế biến, đồng thời quan tâm đến việc phục tráng các giống sen chủ lực để có những giống sen tốt, góp phần phát triển ngành hàng sen Đồng Tháp bền vững.

 

Nội dung: Thanh Tâm - Đồ họa: Trường Minh
Ý kiến bạn đọc
Top