Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 2 năm 2024 | 15:35

Đồng Tháp hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh để phát triển bền vững

“Tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.”

Tại Việt Nam, Chương trình tăng trưởng xanh được cụ thể hóa thông qua “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030.

Đồng Tháp là tỉnh đầu nguồn chịu tác động phía thượng nguồn sông Mekong, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Cùng với cả nước, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, gồm 15 chỉ tiêu, 18 chủ đề, với 43 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 52 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể.

Về Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến; phát triển mô hình “Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0”, sử dụng các thiết bị cảm biến tự động trong giám sát sâu rầy, tưới nước tiết kiệm; mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất hữu cơ, mô hình kinh tế tuần hoàn, mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác loại hình du lịch sinh thái; chú trọng hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất - tiêu thụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng kỹ thuật truy xuất nguồn gốc.

Với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế như tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện “chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT)” trên ngành hàng lúa gạo, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế (SPR), áp dụng 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, 1 phải 6 giảm, giúp lợi nhuận tăng thêm từ 10 - 30%, nâng cao chất lượng lúa gạo và giảm phát thải khí nhà kính với khối lượng 211.344 tấn. Đồng hành cùng nông dân thực hiện Chương trình “Môi trường sạch - Cuộc sống xanh” tại các vùng sản xuất cây trồng trọng điểm; thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Đặc biệt, Đồng Tháp đang chuyển dịch mô hình sản xuất theo hướng “thuận thiên”, thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với xu thế tiêu dùng, thị trường. Những mô hình đa canh khác nhau như lúa - tôm, lúa - cá, lúa - cá - vịt, mô hình lúa - sen, mô hình sinh thái Đồng sen gắn với du lịch... Kết quả, bình quân tổng lợi nhuận của các mô hình đạt 47,8 - 64,7 triệu đồng/ha/năm.

Tỉnh Đồng Tháp đã tham dự Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 4 năm 2023 với chủ đề Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không ngày 15/9/2023 tại TP. Hồ Chí Minh.

Đồng Tháp đã tổ chức thành công Diễn đàn Mekong Startup - lần I năm 2022 với chủ đề “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp” nhằm thúc đẩy và đóng góp thiết thực cho các mục tiêu phát triển kinh tế vùng, trong đó trọng tâm là lĩnh vực nông nghiệp, hướng tới mục tiêu xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Diễn đàn này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã ký cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm chung sức thực hiện thành công “nỗ lực quốc gia nhằm giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với mức năm 2020 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi”.

Ngày 27/11/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký quyết định phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".

Đề án được đánh giá mang tính đột phát trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển ngày càng bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ tại hội nghị COP 26, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Đồng Tháp, địa phương có diện tích gieo trồng lúa trên 497.000 ha, với sản lượng hằng năm 3,32 triệu tấn. Tham gia Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030", tỉnh Đồng Tháp phấn đấu diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh đến năm 2025 là 50.000 ha, trong đó phấn đấu diện tích năm 2024 đạt khoảng 20.000 ha; đến năm 2030 là 161.000 ha canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao.

Ngày 19/11/2023, UBND tỉnh Đồng Tháp và Công ty cổ phần Tập đoàn PAN đã ký kết ghi nhớ hợp tác về xây dựng và chuẩn bị triển khai Đề án “Nâng cao thu nhập cho người trồng lúa tại tỉnh Đồng Tháp” theo tiêu chí, mục tiêu và giải pháp của Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Về nâng cao năng lực quản lý năng lượng trong công nghiệp và phổ biến phương pháp sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai có hiệu quả Kế hoạch sản xuất sạch hơn trong công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, qua đó, đã hỗ trợ xây dựng 15 mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (điện mặt trời áp mái, trạm bơm điện an toàn và hiệu quả) và hỗ trợ 11 cơ sở áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn. Kết quả, cơ bản đã giảm khoảng 5,2% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu năng lượng của tỉnh.

Đồng Tháp đang tiếp tục xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án Thí điểm mô hình phát triển điện mặt trời kết hợp với trồng cây nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Tỉnh.

Về đổi mới công nghệ để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giao thông vận tải

Khi lập, triển khai các dự án, công trình giao thông phải thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng như: Ưu tiên lựa chọn công nghệ, giải pháp thi công tiết kiệm năng lượng; tối ưu hóa nguồn cung ứng nguyên, vật liệu, v.v.

Về phát triển du lịch sinh thái

Tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020 với mục tiêu định hình mô hình phát triển du lịch sinh thái của tỉnh với các nét văn hóa, lợi thế đặc trưng tại các khu, điểm du lịch trọng điểm như: Vườn quốc gia Tràm Chim, Khu di tích Xẻo Quít, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu di tích quốc gia Gò Tháp, Khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười, Làng hoa Sa Đéc v.v..

Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2023 - 2025 định hướng tới năm 2030 với mục tiêu đưa du lịch Đồng Tháp trở thành điểm đến hấp dẫn của Đồng bằng sông Cửu Long, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, khai thác, phát huy lợi thế tài nguyên, giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, thế mạnh tỉnh nông nghiệp, phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững.

Về hoạt động xử lý rác thải

Tỉnh luôn quan tâm thực hiện xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, đến nay, có 01 dự án Nhà máy tái chế, xử lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại với công suất xử lý 180 tấn rác/ngày của Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại dịch vụ môi trường Tiến Phát.

Công tác quản lý, giám sát việc vận hành các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung đã được đầu tư trên địa bàn tỉnh được tăng cường thực hiện, đồng thời, đang đẩy mạnh đôn đốc các địa phương thực hiện các thủ tục đóng cửa các bãi rác tạm nằm ngoài quy hoạch.

Năm 2024, UBND tỉnh Đồng Tháp tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, đặc biệt “Tăng trưởng xanh” là một trong 04 phương châm hành động (slogan) về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nội dung: Nguyệt Ánh; Đồ họa: Thanh Toàn
Ý kiến bạn đọc
Top