Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 12 năm 2023 | 15:53

“Chìa khóa” thúc đẩy an ninh lương thực ở châu Phi

Biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực toàn cầu, đẩy những người dễ bị tổn thương nhất vào cảnh nghèo đói, đặc biệt đối với các quốc gia ở châu Phi.

Việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong phát triển nông nghiệp là “chìa khóa” để thúc đẩy an ninh lương thực và dinh dưỡng ở châu Phi. Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi Kenya Mithika Linturi.

Ảnh hưởng nặng nề

Ủy ban Kinh tế Liên Hợp quốc về châu Phi (UNECA) cảnh báo: Dù phát thải khí nhà kính của châu Phi chỉ chiếm một phần nhỏ trong lượng phát thải toàn cầu, song châu lục này đang phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu và sự ấm lên toàn cầu, đe dọa phát triển kinh tế-xã hội của châu lục.

Số liệu từ UNECA cho thấy, trong số 20 quốc gia bị biến đổi khí hậu đe dọa nhiều nhất, có tới 17 quốc gia ở châu Phi. Biến đổi khí hậu cũng tác động đến 2-9% ngân sách quốc gia trên khắp châu lục này.

Biến đổi khí hậu đe dọa tới nguồn cung lương thực ở châu Phi.

Trong tuyên bố mới đây, UNECA nêu rõ, vì những thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu, các nước châu Phi đã phải tăng mức sử dụng tài chính công cho các nỗ lực giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ người dân. Điều này đã tước đi nguồn lực cần thiết để tài trợ cho phát triển, bảo vệ những thành quả phát triển và thực hiện Các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp quốc (SDGs).

Theo UNECA, những hạn chế liên quan đến biến đổi khí hậu cho thấy nhu cầu cấp thiết của châu Phi trong việc phát triển các mô hình tăng trưởng mới, có khả năng bảo tồn và nâng cao phúc lợi cho người dân trong khi thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần làm chậm lại tình trạng này.

Tuyên bố trên được đưa ra trong khuôn khổ cuộc họp do Văn phòng UNECA tại Bắc và Tây Phi tổ chức với chủ đề “Chuyển đổi sang các nguồn tài nguyên tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực ở Bắc và Tây Phi”, vừa diễn ra ở Thủ đô Accra của Ghana.

Phát biểu tại cuộc họp, bà Ngone Diop, Giám đốc Văn phòng UNECA tại Tây Phi, cho biết: “Tình trạng mất an ninh lương thực là một thách thức mang tính cơ cấu ở châu Phi, ảnh hưởng đến 20% dân số của lục địa này so với tỷ lệ 9,8% toàn cầu”.

Bà Diop nhấn mạnh, cần tăng năng suất nông nghiệp, huy động nhiều nguồn lực trong nước hơn và đẩy nhanh việc thực hiện Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do châu Phi, vốn đóng vai trò là nền tảng để giảm nghèo và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu tại lục địa này.

Tìm giải pháp cho bài toán an ninh lương thực

Với mục đích thúc đẩy áp dụng và sử dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp nhằm bảo đảm an ninh lương thực tại châu Phi, Hội nghị Công nghệ nông nghiệp châu Phi vừa diễn ra tại Thủ đô Nairobi của Kenya với chủ đề “Khả năng phục hồi nông nghiệp thông qua đổi mới”. Hội nghị mong muốn góp phần tìm ra giải pháp cho bài toán an ninh lương thực, trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Phi đang đứng bên bờ vực khủng hoảng trầm trọng.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi Kenya và Quỹ Công nghệ Nông nghiệp châu Phi (AATF) Canisius Kanangire khuyến nghị các nước châu Phi loại bỏ những rào cản chính sách và quy định gây cản trở việc tiếp thu tối ưu các công nghệ và đổi mới nông nghiệp. Theo ông Kanangire, hội nghị mang đến các phương pháp tiếp cận mới nhằm thúc đẩy việc áp dụng liền mạch các công nghệ đổi mới để có thể chuyển đổi hệ thống canh tác ở cấp độ hộ gia đình.

Những năm gần đây, công nghệ sinh học được ứng dụng trong nông nghiệp như một công cụ để tạo giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với các áp lực của môi trường trong tình hình biến đổi khí hậu trên toàn cầu, tạo số lượng giống lớn, góp phần vào việc phát triển nông nghiệp bền vững và bảo đảm an ninh lương thực cho con người.

Tại Diễn đàn Lương thực thế giới (WFF) lần thứ 3 diễn ra hồi trung tuần tháng 10 vừa qua tại trụ sở Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO) ở Rome (Italia), Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc cho rằng, các nước cần duy trì nỗ lực tận dụng khoa học và đổi mới để chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và thực phẩm. Chủ tịch Hội đồng kỹ thuật liên chính phủ về đất đai Rosa Poch nhấn mạnh, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về những thách thức hiện nay, áp dụng các biện pháp bền vững, giám sát chất lượng đất và sử dụng các loại cây thích nghi với hệ sinh thái đang thay đổi.

Tăng năng suất nông nghiệp

Chính phủ Kenya tổ chức Hội nghị Công nghệ nông nghiệp châu Phi trong bối cảnh nước này cũng như nhiều nước châu Phi khác đang phải đối mặt với các mức độ khủng hoảng lương thực khác nhau. Hạn hán kéo dài ở Kenya khiến gần 5 triệu người dân không được bảo đảm an ninh lương thực.

FAO đã hợp tác với Chính phủ Kenya và các nhà tài trợ để tăng cường khả năng phục hồi của các cộng đồng chịu ảnh hưởng của hạn hán. Những biện pháp được đưa ra bao gồm: cung cấp thức ăn chăn nuôi, tiến hành tiêm chủng cho vật nuôi và hỗ trợ tiền mặt cho những người chăn nuôi.

Trong khi đó, tại Somalia, điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp quốc George Conway cho biết, khoảng 4 triệu người dân nước này thiếu lương thực do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino và tình hình được dự báo sẽ còn tồi tệ hơn trong thời gian tới. Somalia đã trải qua một đợt hạn hán kéo dài và nghiêm trọng nhất trong 40 năm qua, khiến khoảng 3,8 triệu người Somalia phải di tản trong nước và con số này tăng thêm 1 triệu người trong thời gian hạn hán kéo dài vừa qua. Nhờ các hoạt động nhân đạo trong hai năm qua, hơn 6,3 triệu người Somalia đã nhận được hỗ trợ của Liên Hợp quốc.

Mặc dù những cơn mưa gần đây đã giúp cải thiện tình trạng mất an ninh lương thực, nhưng vẫn còn đó rất nhiều thách thức. Ngoài nhu cầu nhân đạo cơ bản trong nước, điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp quốc cũng bày tỏ lo ngại về tác động của El Nino đối với mùa mưa ở Somalia. Theo ước tính của FAO, khoảng 1,2 triệu người Somalia có thể bị ảnh hưởng do lũ lụt trong ba tháng tới khi quốc gia này được dự báo phải hứng chịu những trận mưa lớn nhất trong 20 năm qua.

Các nhà khoa học, quan chức chính phủ và nông dân đang khôi phục các loại cây trồng bị bỏ quên và tăng năng suất nông nghiệp trong cuộc đua giúp châu Phi thoát khỏi tình trạng thiếu lương thực ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu. Nhưng chỉ có số ít quỹ tài trợ và hầu như không có nguồn vốn tư nhân nào hỗ trợ cho nông dân, người sản xuất ra phần lớn lương thực của lục địa. Việc tăng năng suất vật nuôi và cây trồng ở châu Phi là một trong những biện pháp dễ dàng nhất để cắt giảm khí thải, bảo vệ môi trường sống của động vật hoang dã và giúp đỡ nông dân.

Tuy nhiên, hiện chỉ có 1,7% nguồn tài chính khí hậu toàn cầu dùng để hỗ trợ nông dân sản xuất quy mô nhỏ, những người sản xuất khoảng 80% lương thực ở châu Phi và châu Á. Trong khi các quốc gia giàu có cam kết cung cấp 100 tỷ USD hàng năm để giúp các nước đang phát triển đạt được những mục tiêu về khí hậu. Các nhà lãnh đạo châu Phi họp tại COP28 ở Dubai cho biết, họ muốn tăng đáng kể nguồn tài trợ cho nông dân.

Tại Nigeria, nông dân đang trồng thử nghiệm các dạng sắn mới - loại cây trồng chủ yếu cho 300 triệu người. Rễ cây mập mạp có khả năng chịu hạn tốt hơn nhiều so với các loại cây chủ lực khác, nhưng các cơn bão mạnh và nhiệt độ cao hơn khiến sắn dễ bị thối rữa và sâu bệnh. Tuy nhiên, có rất ít nguồn vốn hoặc sự quan tâm dành cho cây sắn - vốn không được tiêu thụ phổ biến bên ngoài lục địa Đen - trong khi Ngân hàng Phát triển châu Phi đã dành 1 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất lúa mỳ có khả năng sinh trưởng kém hơn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp quốc cho biết, 170 triệu người ở khu vực châu Phi cận Sahara phải đối mặt với nạn đói trầm trọng trong năm nay. Đông Phi vừa trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua, và những vùng đất đầy nắng giờ đây bị ngập sau trận lũ lụt tồi tệ nhất trong một thế kỷ qua. Do biến đổi khí hậu, những cây trồng nhạy cảm như lúa mỳ, lúa gạo và ngô thường không thể sinh trưởng trong những điều kiện khắc nghiệt.

 

 

Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
  • Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tổng Bí thư Trần Phú - người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh và dân tộc Việt Nam đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc; để lại cho Đảng, cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân những di sản quý báu.

  • Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh phối hợp UBND TP Hà Tĩnh vừa tổ chức khai mạc “Phiên chợ quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP Hà Tĩnh năm 2024 và kỷ niệm 1 năm xây dựng phố chuyên doanh ẩm thực Nguyễn Du” tại khu vực đường Nguyễn Huy Oánh (phường Nguyễn Du).

  • Trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch

    Trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch

    Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp UBND huyện Phong Điền tổ chức hội nghị Công bố và trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Hương xưa Làng Cổ Phước Tích và Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch.

Top