Những năm gần đây, Sơn La nổi lên là điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp.
Để đạt được kết quả này, ngoài công tác tổ chức quy hoạch và thực hiện, Sơn La xây dựng và triển khai nhiều phương án hỗ trợ nghiên cứu, vận động nông dân chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từ đó cho ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cao.
Đề án “thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP” cho hiệu quả kinh tế tăng trung bình 28,25% so với trồng thường.
Tầm nhìn chiến lực
Từ năm 2008, Sơn La đã có chủ trương đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, giảm diện tích lúa nương trên đất dốc. Đẩy mạnh phát triển các cây công nghiệp theo hướng mở rộng quy mô ở những vùng có điều kiện, tập trung cho đầu tư thâm canh tăng năng suất, phát triển các vùng nguyên liệu có giá trị kinh tế cao, gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Cùng với đó, chú trọng cải tạo vườn tạp, nâng cao năng suất, chất lượng vườn quả bằng việc đưa vào trồng một số giống cây ăn quả mới.
Những năm qua, Sơn La có định hướng nghiên cứu khoa học tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp. Chỉ tính riêng năm 2020, tỉnh triển khai 39 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (30 nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2019 sang, 9 nhiệm vụ mới phê duyệt), góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc phát triển cây trồng - vật nuôi, xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao.
Điển hình như Đề tài “Trồng thử nghiệm một số giống táo (Ziziphus mauritania Lamk) có năng suất cao, chất lượng tốt tại Sơn La”, đã lựa chọn được các giống đại táo 15, Đài Loan, VC1 phù hợp. Đề tài “Bảo tồn và phát triển giống xoài tròn Yên Châu mang chỉ dẫn địa lý” đã tiến hành các bước công nhận 19 cây đầu dòng, tổ chức ghép cải tạo vườn xoài có năng suất thấp, chất lượng kém, sâu bệnh nhiều tại địa phương bằng mắt ghép của cây đầu dòng, đồng thời trồng mới 3ha và nhân giống xoài tròn bằng phương pháp ghép.
Sơn La có 614 HTX nông nghiệp, trong đó 30% HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt; 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu và gần 500 cơ sở sơ chế, chế biến quả với quy mô nhỏ. Sản lượng nông sản xuất khẩu năm 2020 đạt 108.483 tấn. Giá trị sản xuất trồng cây ăn quả đạt bình quân hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 34,44% (năm 2015) giảm xuống còn 18,62% (năm 2020). |
Nhiều nghiên cứu khoa học được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả. Điển hình như ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ enzym và protein, chế phẩm vi sinh, công nghệ sinh học trong phòng, trừ sâu bệnh hại cây trồng; đưa vào sản xuất bộ giống có thời gian sinh trưởng khác nhau nhằm rải vụ và kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao năng suất, chất lượng gồm: 4 giống mía; 19 giống ngô; 5 giống lúa; 20 giống cây ăn quả các loại; 02 giống chè; 01 giống cà phê THA1,....
Áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất
Đến nay, Sơn La có 13.109ha cây ăn quả ghép cải tạo, trong đó, cây xoài 3.967ha, nhãn 7.623ha, bơ 583ha, cam 364ha, bưởi 432ha, cây ăn quả khác 140ha. Xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt, phun… tiết kiệm nước cho 1.234ha cây trồng các loại. Ứng dụng nhà lưới, nhà kính trong sản xuất khoảng 53ha cây giống, rau các loại, hoa, cây ăn quả, cà phê.
Tại Mai Sơn, huyện đã triển khai nhiều giải pháp thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Như vận động nông dân, HTX ứng dụng ghép mắt cải tạo gần 1.500 ha cây ăn quả; trồng mới trên 9.100 ha cây ăn quả giống mới. 30 hộ, 20 doanh nghiệp, HTX áp dụng công nghệ tưới ẩm, tưới nhỏ giọt cho gần 200ha cây trồng; đầu tư 5ha nhà lưới, nhà kính.
Đến nay, huyện đã được cấp 40 mã số vùng trồng xuất khẩu với gần 1.150ha nhãn, xoài, thanh long sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia... 50 cơ sở sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ với diện tích trên 600ha. Nhiều doanh nghiệp, HTX đã đầu tư kho lạnh phục vụ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
Công ty CP Greenfarm Mộc Châu là đơn vị tiên phong của Sơn La đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và thành công với mô hình sản xuất giống cà chua ghép trên thân cây cà tím và mô hình thâm canh cà chua ghép trái vụ, mang lại doanh thu nhiều tỷ đồng/năm.
Ông Trương Văn Dư, Giám đốc Công ty CP Greenfarm Mộc Châu cho biết, mỗi năm doanh nghiệp cung cấp từ 3 đến 4 triệu cây cà chua giống chất lượng cao cho vùng Đồng bằng sông Hồng và trên 200 tấn cà chua ra thị trường. Trong đó, chủ yếu là cung cấp cho hệ thống siêu thị VinEco, các sản phẩm cà chua của công ty đều được cán bộ kỹ thuật của VinEco giám sát chặt chẽ ngay từ khi chọn cây giống đến quá trình chăm sóc và thu hoạch.
Ông Lê Văn Thành, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La, cho biết, năm 2021, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo Đề án “Ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”; Đề án “Phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Mô hình “Trồng thâm canh chuối theo hướng an toàn bền vững phục vụ nội tiêu và xuất khẩu” mang lại hiệu quả kinh tế cao đạt 100 triệu đồng/ha.
Chiến lược dài hơi
Ngày 21/1/ 2021, Tỉnh uỷ Sơn La ban hành Nghị quyết về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025, cơ cấu nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch chiếm 20-30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh…
Nhằm hướng dẫn người dân sản xuất theo hướng an toàn, triển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La thực hiện nhiều dự án như: “Thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP”; mô hình “Trồng thâm canh chuối theo hướng an toàn bền vững phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”… Mô hình “Trồng thâm canh chuối theo hướng an toàn bền vững phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”, quy mô 9 ha, cho hiệu quả kinh tế đạt 100 triệu đồng/ha. Sản phẩm được doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua xuất sang Trung Quốc. |
Xây dựng Trung tâm Quốc gia nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại Mộc Châu. Xây dựng và hình thành 01 khu, 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Diện tích cây trồng áp dụng VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương đương 13.179ha; diện tích cà phê 4C, UTZ là 15.000ha…
Đến năm 2030, phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái. Diện tích cây trồng áp dụng VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương đương là 39.700 ha; diện tích cà phê 4C, UTZ là 16.000 ha… Hợp tác xã nông nghiệp có sử dụng công nghệ cao trong một số khâu sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản là 605. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 30-40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.