Phát triển sản xuất cây ăn quả đã trở thành một “trào lưu” mạnh mẽ trong những năm gần đây. Song quá trình sản xuất còn nhiều hạn chế về kỹ thuật và vốn đầu tư, vườn cây bị thoái hóa dẫn đến năng suất, chất lượng kém.
Cải tạo vườn tạp giúp nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm từ vườn.
Diện tích vườn tạp còn khá nhiều, nhất là vùng trung du miền núi. Vườn tạp là vườn quảng canh, là vườn đầu tư lao động, vật tư, hàm lượng kỹ thuật ít, hiệu quả kinh tế thấp. Vườn tạp là vườn trồng nhiều loại cây ăn quả theo kiểu “mùa nào thức ấy”, “tự cấp, tự túc”.
Vườn tạp có thể là vườn trồng một loại cây nhưng nhiều giống khác nhau, tuổi cây khác nhau dẫn đến trái to nhỏ khác nhau, màu sắc quả không đồng nhất, năng suất khác nhau và giá trị kinh tế thấp.
Trong vườn của các hộ nông dân còn trồng xen nhiều loại cây ăn quả và cây lấy gỗ, mật độ không đồng đều, cây trồng bị cạnh tranh ánh sáng, khả năng quang hợp kém, sâu bệnh nhiều, hiệu quả kinh tế vườn cây thấp.
Nguyên nhân tồn tại vườn tạp có nhiều:
- Do chủ vườn chỉ trồng cây theo cảm tính, chạy theo phong trào nhất thời không xác định loại cây ăn quả chủ lực trong vườn.
- Do hiểu biết về điều kiện của vùng chưa đầy đủ cho nên chọn cây trồng, cơ cấu giống, không phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai nên khó tránh được các bất lợi của thiên tai tác động đến vườn cây.
- Do vườn cây được trồng không phù hợp với yêu cầu sinh học của từng cây trồng dẫn đến hiệu quả sử dụng đất và các điều kiện sẵn có bị hạn chế.
- Do kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn cây (tạo hình, bón phân, cắt tỉa, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh v.v...) chưa hợp lý.
- Do năng lực và vốn của chủ vườn chưa đáp ứng hoặc chưa hợp lý nên việc đầu tư chưa phù hợp với yêu cầu của cây.
Hội Làm vườn Việt Nam và hành trình cải tạo vườn tạp
Theo Cục Trồng trọt, trong 10 năm qua (2008-2018), giá trị xuất khẩu (XK) rau quả tăng nhanh, với tốc độ tăng trưởng bình quân năm 25,8%. Đến năm 2018, kim ngạch XK rau quả đạt 3,8 tỷ USD, tăng trên 47% so năm 2017, trong đó các sản phẩm từ quả chiếm trên 80% tổng giá trị. Để có thể nâng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong những năm tiếp theo lên trên 4 tỷ USD và hơn nữa thì việc đầu tư, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (TBKT) sản xuất rau quả cần được chú trọng thường xuyên. Cải tạo vườn tạp giúp nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm từ vườn, đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hóa là nhiệm vụ cấp thiết của nhà nông.
Cải tạo vườn tạp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội Làm vườn Việt Nam từ khi thành lập năm 1986 đến nay. Việc cải tạo vườn tạp do Hội khởi xướng, phát động, hướng dẫn đã giúp cho hội viên, nông dân khắc phục những nguyên nhân gây nên vườn tạp nhằm đưa kinh tế vườn ngày càng đạt hiệu quả cao. Hội Làm vườn các tỉnh, thành đang đẩy mạnh công tác chuyển giao TBKT cải tạo vườn tạp đến với bà con nông dân trong cả nước.
Trong quá trình cải tạo vườn tạp, nhiều TBKT được áp dụng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Chỉ tính trong 5 năm gần đây (từ 2016- 2020), Hội Làm vườn Việt Nam đã tích cực chuyển giao TBKT cải tạo vườn tạp đến các vùng trung du miền núi phía Bắc.
Giai đoạn 2016-2018, Hội Làm vườn Việt Nam đã triển khai giúp nông dân ở các huyện Đồng Văn (Hà Giang), Sa Pa (Lào Cai), Nguyên Bình (Cao Bằng) cải tạo vườn lê, trồng thay thế giống lê địa phương kém chất lượng bằng giống lê Đài Loan VH6 cho năng suất, chất lượng cao với tổng diện tích 30ha. Trong đó, Sa Pa (Lào Cai) 10ha; Đồng Văn (Hà Giang) 10ha; Nguyên Bình (Cao Bằng) 10ha.
Sau 4 năm trồng, cây lê đã cho quả, năng suất đạt khoảng 3 - 4 kg/cây.
Trong giai đoạn này, Hội Làm vườn Việt Nam đã tổ chức 21 lớp tập huấn cho 615 lượt học viên; 15 cuộc tham quan hội thảo cho 600 người tham gia và in 2.400 tờ rơi để hướng hướng dẫn, chuyển giao TBKT về cải tạo vườn tạp và Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lê.
Hướng dẫn nhà vườn Hoành Bồ (Quảng Ninh) cải tạo, chăm sóc vườn ổi.
Giai đoạn 2019 - 2021, Hội Làm vườn Việt Nam đã triển khai giúp nông dân ở các các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn cải tạo vườn tạp, trồng thay thế các cây trồng kém hiệu quả bằng các giống cây bưởi Diễn, lê VH6, nhãn chín sớm, hồng không hạt Bảo Lâm và ghép cải tạo nhãn cho năng suất, chất lượng tốt với tổng diện tích 94,2ha. Đến tháng 9/2020 đã cải tạo được 82,2 ha vườn tạp, trong đó:
- Trồng mới 44ha bưởi Diễn ở huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng (9ha), huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ (10ha), 2 huyện Đại Từ, Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên (16ha) và huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang (9ha);
- Trồng mới 9ha nhãn chín sớm ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang;
- Trồng mới 15ha hồng không hạt Bảo Lâm ở Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn;
- Trồng mới 10ha lê VH6 tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng
- Ghép cải tạo 4,2ha nhãn ở Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
Ở giai đoạn này, đến nay, Hội Làm vườn Việt Nam đã tố chức được 24 lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật về cải tạo vườn tạp, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồng, cây bưởi, cây lê, cây nhãn và ghép cải tạo nhãn cho 590 lượt người tham gia ở các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang. Dự kiến trong thời gian tới sẽ tổ chức đào tạo tập huấn cho hơn 600 lượt người về kỹ thuật cải tạo vườn tập và kỹ thuật trồng, chăm sóc cây nhãn, cây lê, cây hồng, cây bưởi theo hướng GAP và ghép cải tạo nhãn. Tổ chức 15 cuộc tham quan hội thảo với 600 người tham gia và in trên 2.000 cuốn sổ tay kỹ thuật cải tạo vườn tạp để phổ biến cho nông dân tham khảo, áp dụng.
Phần lớn nông dân trồng cây ăn quả ở vùng trung du miền núi phía Bắc là các hộ ít vốn, kinh nghiệm và phương pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh còn hạn chế, phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết, chưa chủ động đầu tư để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. Hội Làm vườn Việt Nam đã mở các lớp tập huấn cho các hộ nông dân, hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình, từ đó hướng dẫn các hộ dân cách trồng, chăm sóc, bón phân, cắt tỉa, vín cành, phát hiện và phòng trừ sâu bệnh một cách hợp lý.
Hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp, mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng chủng loại, được phép sử dụng, tại các cửa hàng được phép kinh doanh, không mua phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi ngoài thị trường tự do không rõ nguồn gốc. Hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo 4 đúng: phun đúng thuốc, phun đúng cách, phun đúng liều lượng và phun đúng lúc, đảm bảo thời gian cách ly đúng theo quy định. Bước đầu nông dân đã tiếp cận được với kỹ thuật mới, bỏ dần được việc bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật một cách tùy tiện.
Đồng thời cũng hướng dẫn nông dân các biện pháp áp dụng khi cải tạo vườn tạp như:
- Làm rãnh và hệ thống tiêu nước trên vườn;
- Đốn bỏ những cây không thích hợp, phục tráng lại những cây có khả năng phát triển;
- Cắt tỉa tạo hình và cắt tỉa quả cho các cây trên vườn nhằm điều chỉnh khoảng cách và phân bố không gian tạo ra các cành có lợi cho việc ra hoa và kết quả.
- Trồng dặm các cây mới trong vườn để đảm bảo mật độ sử dụng hợp lý đất đai và không gian của vườn cây.
- Ghép cải tạo và ghép phục hồi các cây trên vườn nhằm thay đổi giống, phục hồi cây sinh trưởng yếu, cằn cỗi trong vườn.
- Tiến hành các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong việc thâm canh nhằm nâng cao năng suất, phẩm chất quả như: Tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, điều chỉnh ra hoa tăng tỷ lệ đậu quả, bao quả để giữ quả cho tươi đẹp.
Để duy trì năng suất và chất lượng quả, việc cải tạo vườn tạp cần được làm thường xuyên. Cải tạo vườn tạp không đơn thuần chỉ là một khâu nào đó mà phải chú ý tới tất cả các khâu như:
- Cải tạo cơ cấu cây trồng trong vườn;
- Cải tạo giống cây ăn quả;
- Cải tạo đất vườn và hệ thống tưới tiêu;
- Cải tiến kỹ thuật canh tác.
Để cải tạo vườn tạp được tốt, người làm vườn cần có:
- Hiểu biết về kiến thức chuyên môn của nghề vườn, đối tượng cây trồng và kinh doanh trong vườn.
- Nắm được chủ trương chính sách phát triển kinh tế của địa phương, của ngành nông nghiệp về chính sách phát triển cây ăn quả.
- Phải có nguồn lực về tài chính nhất định để đầu tư và cải tạo vườn tạp.
- Phải có thông tin kinh tế về thị trường cây ăn quả.
Có như vậy thì việc cải tạo vườn tạp mới đạt kết quả tốt, có vườn cây xanh tốt, cho năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường và đạt hiệu quả kinh tế cao.