Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 14 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 13 tháng 1 năm 2024 | 18:29

Công bố Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Sáng 13/01, tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050. Về dự có Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, cùng đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Khánh Hòa.

Nghệ An nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, với diện tích tự nhiên 16.486,5 km2, lớn nhất cả nước; có bờ biển dài 82 km và 468,281 km đường biên giới giáp với 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Bô ly Khăm xay, Hủa Phăn của nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. Vị trí địa lý tạo cho Nghệ An có vai trò quan trọng trong kết nối, giao lưu kinh tế - xã hội Bắc - Nam của cả nước và Hành lang kinh tế Đông - Tây gắn với nước CHDCND Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan; xây dựng và phát triển kinh tế biển, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế đối ngoại và mở rộng hợp tác quốc tế.

Quang cảnh hội nghị

Phát huy các tiềm năng, lợi thế, trong thời gian qua Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Nghệ An đã triển khai đồng bộ các giải pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm ước tăng 7,14% (đứng thứ 26/63 địa phương và đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ); tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,11 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ (là năm thứ 3 vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh). Thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là điểm sáng nổi bật với tổng vốn FDI đăng ký mới và điều chỉnh đạt trên 1,6 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 8/63 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đặc biệt là triển khai có hiệu quả Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, người khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (đã vận động ủng hộ 12.568 căn với tổng kinh phí gần 640 tỷ đồng, đến nay đã xây dựng và sửa chữa hơn 7.245 căn, đạt 132% KH năm 2023)...

Nhận thức sâu sắc vai trò và tầm quan trọng của công tác quy hoạch đối với sự phát triển của tỉnh; xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước, là công cụ cần thiết để hoạch định, quản lý, điều hành thống nhất, xuyên suốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực, cũng như phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của tỉnh. Do vậy, ngay sau khi Luật Quy hoạch và các văn bản pháp luật có liên quan đến quy hoạch được ban hành, tỉnh Nghệ An đã khẩn trương tổ chức xây dựng nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1179/QĐ-TTg ngày 04/8/2020; tỉnh Nghệ An đã đưa nội dung lập Quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Đến nay, Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023, là địa phương thứ 12 trong cả nước được phê duyệt quy hoạch tỉnh.

Với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, giải phóng tối đa mọi nguồn lực, tạo bứt phá trong phát triển, Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định mục tiêu phát triển đến năm 2030: Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thích ứng với biển đối khí hậu; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Một số mục tiêu cụ thể hóa để thực hiện như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 10,5- 11,0%/năm; Năng suất lao động tăng bình quân 10-11%/năm; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân khoảng 12%/năm; Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 khoảng 1.650 nghìn tỷ đồng; Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 58%.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo.

Quy hoạch tỉnh Nghệ An đưa ra các định hướng phát triển trọng tâm gồm: khu vực động lực tăng trưởng; thực hiện 3 đột phá chiến lược; hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế gắn với các lĩnh vực trọng tâm; phát triển 5 lĩnh vực kinh tế trụ cột và xây dựng 6 trung tâm đô thị tạo động lực dẫn dắt phát triển. Cụ thể:

Trong đó, hai khu vực động lực tăng trưởng là thành phố Vinh mở rộng và Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An mở rộng.

Thực hiện ba đột phá chiến lược, gồm: Hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh mang tính cạnh tranh vượt trội gắn với cải cách hành chính. Tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành; Tập trung đầu tư, tạo bước đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển; trong đó, phát triển mạnh hạ tầng giao thông chiến lược, tạo sự kết nối, lan tỏa phát triển; phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với phát huy giá trị văn hóa, con người xứ Nghệ. Tập trung giáo dục và đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế, gồm: Hành lang kinh tế ven biển gắn với trục Quốc lộ 1, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường ven biển, đường sắt quốc gia và đường biển; Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; Hành lang kinh tế Quốc lộ 7A; Hành lang kinh tế Quốc lộ 48A; trong đó, phát triển hành lang kinh tế ven biển là trọng tâm.

Phát triển 5 ngành, lĩnh vực trụ cột gồm: Phát triển công nghiệp, trọng điểm là công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; Phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ giáo dục và đào tạo, y tế chất lượng cao;  Phát triển du lịch dựa trên 3 loại hình chính gồm du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và thể thao biển và du lịch sinh thái, mạo hiểm gắn với cộng đồng; Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh.

Tập trung đầu tư 6 trung tâm đô thị: đô thị Vinh mở rộng, đô thị Hoàng Mai (phát triển gắn với Quỳnh Lưu), đô thị Thái Hòa (phát triển gắn với Nghĩa Đàn), đô thị Diễn Châu, đô thị Đô Lương, đô thị Con Cuông.

Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã kế thừa những kết quả, thành tựu quan trọng của giai đoạn trước, đồng thời bám sát các Nghị quyết, định hướng, chỉ đạo mới của Trung ương, các quy hoạch cấp quốc gia để tích hợp theo hướng thống nhất, đồng bộ. Đặc biệt, cùng với quá trình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng và nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nội dung Quy hoạch tỉnh đã được cập nhật thống nhất, cụ thể hóa các mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển tỉnh Nghệ An theo tinh thần nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc công bố quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tạo thêm động lực mới, sức lan tỏa thu hút đầu tư không chỉ với Nghệ An mà cả vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án vào khu kinh tế đông nam với tổng mức đầu tư là 390 triệu USD, tương đương hơn 9.555 tỷ đồng.

 

Bá Minh
Ý kiến bạn đọc
Top