Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 9 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 1 tháng 8 năm 2023 | 16:32

CropLife châu Á đưa giải pháp trước tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu

Tiến sĩ Siang Hee Tan, Giám đốc điều hành CropLife châu Á cho biết: Mất an ninh lương thực chắc chắn sẽ tiếp tục gây ra khó khăn lớn cho nhiều người trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.

Lúa mì được chở đến bán tại chợ ngoại ô Amritsar, Ấn Độ. (Ảnh minh họa)

Tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu

Theo CropLife, với việc Liên hiệp quốc (UN) công bố Báo cáo về tình trạng An ninh Lương thực và Dinh dưỡng trên thế giới (SOFI) năm 2023, CropLife châu Á và các công ty thành viên tái khẳng định cam kết thúc đẩy chính sách giúp khai phá tiềm năng của các giải pháp khoa học thực vật và cải tiến nông nghiệp để cải thiện tình trạng an ninh lương thực và tăng cường tiếp cận của cộng đồng tới nguồn thực phẩm an toàn, bổ dưỡng trên toàn khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Tiến sĩ Siang Hee Tan, Giám đốc điều hành CropLife châu Á cho biết: Mất an ninh lương thực chắc chắn sẽ tiếp tục gây ra khó khăn lớn cho nhiều người trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Khi chắc chắn sẽ không có một giải pháp đơn lẻ nào có thể giải quyết vấn đề phức tạp này, CropLife Châu Á và các thành viên cam kết giới thiệu những công nghệ và cải tiến để nông dân có nhiều công cụ hơn để sản xuất được nguồn thực phẩm lớn hơn nhưng sử dụng ít tài nguyên hơn và hạn chế bớt những tác động tiêu cực lên môi trường xung quanh.

“Đảm bảo mọi người đều có quyền tiếp cận đến các nguồn cung cấp thực phẩm bổ dưỡng với giá cả phải chăng là một mục tiêu đầy tham vọng, hơn bao giờ hết, chúng ta cần tăng cường sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị thực phẩm để cùng giải quyết vấn đề này”, Tiến sĩ Siang Hee Tan nhấn mạnh.

Biểu đồ báo cáo của SOFI. Nguồn: CropLife

Theo báo cáo SOFI năm 2023, ước tính có từ 691 đến 783 triệu người trên thế giới đang phải đối mặt với nạn đói và Châu Á là khu vực có tỷ lệ người dân chịu đói cao nhất, chiếm hơn một nửa (55%) con số đó. Thêm vào đó, khoảng 2,4 tỷ người - tương đương 29,6% dân số toàn cầu - bị mất an ninh lương thực ở mức trung bình hoặc nghiêm trọng vào năm 2022, trong đó số lượng này ở Châu Á là hơn 1,1 triệu người. Ngoại trừ Châu Âu và Bắc Mỹ, tình trạng mất an ninh lương thực ở nông thôn đều cao hơn thành thị ở tất cả các khu vực khác trên thế giới. Tại Châu Á, tỉ lệ mất an ninh lương thực ở nông thôn là 26,5% và tại thành thị là 21,8%. Với dự báo số người bị suy dinh dưỡng kinh niên vào năm 2030 là gần 600 triệu người, báo cáo đã chỉ ra rằng việc đạt được mục tiêu Phát triển bền vững số 2 - Không còn nạn đói - vẫn là một thách thức lớn.

Khoảng 3,1 tỷ người trên thế giới đang không thể tiếp cận chế độ ăn uống lành mạnh với mức giá phù hợp, chiếm khoảng 42% dân số toàn cầu.

Báo cáo cũng cho thấy số người suy dinh dưỡng ở châu Á cao nhất thế giới với 401,6 triệu người. So với năm 2020, chi phí để có một chế độ ăn uống lành mạnh năm 2021 đã tăng 4,3% trên toàn cầu. Bên cạnh đó, trong khi chi phí trung bình trên đầu người để có một chế độ ăn uống lành mạnh hàng ngày là 3,66 USD trên toàn thế giới, thì những người dân ở khu vực Châu Á đang phải trả mức cao hơn là khoảng 3,9 USD.

Những giải pháp quan trọng

Các ứng dụng khoa học thực vật đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng năng suất cây trồng, đặc biệt là khi nông dân phải đối mặt với các hình thái thời tiết không thể dự đoán trước; quản lý và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy nền kinh tế quốc gia.

Crop Life phối hợp với các ngành chức năng tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả ở Đồng Tháp. Ảnh: CLA.

Trong số rất nhiều ứng dụng đó, giải pháp tăng cường đặc tính sinh học cho một số cây trồng chính sẽ là một cải tiến quan trọng bởi đây là nguồn thực phẩm thiết yếu giúp cung cấp các vi chất và dinh dưỡng cần thiết cho người tiêu dùng. Khi chi phí thực phẩm ngày càng tăng, nhiều người có thể không được tiếp cận hoặc không đủ khả năng mua những loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thì việc tiêu thụ thực phẩm cơ bản từ những cây trồng chính có các đặc tính sinh học cải tiến sẽ giúp đáp ứng lượng dinh dưỡng cần thiết cho tất cả mọi người.

Hơn thế nữa, việc sử dụng có trách nhiệm các sản phẩm bảo vệ thực vật (hoặc thuốc BVTV) vẫn rất quan trọng trong việc bảo vệ cây trồng khỏi dịch bệnh và duy trì năng suất nông nghiệp. Nếu không sử dụng thuốc BVTV, 70% năng suất cây trồng có thể đã bị mất do sâu hại, dịch bệnh và cỏ dại.

Sản phẩm cà chua chỉnh sửa gen. Ảnh: CropLife.

Nông dân là nền tảng của hệ thống lương thực của chúng ta và việc họ có thể tiếp cận và sử dụng hiệu quả những công cụ đầu vào như hạt giống cải tiến, thuốc BVTV và cây trồng công nghệ sinh học sẽ là một trong những giải pháp quan trọng đóng góp vào mục tiêu chung về đảm bảo an ninh lương thực./.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Trồng cà phê vàng cho giá trị kinh tế cao

    Trồng cà phê vàng cho giá trị kinh tế cao

    Ở vùng Mê Linh, Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), những vườn cà phê bạt ngàn xanh ngắt, chờ ngày trái chín đỏ. Nhưng có một gia đình đang thu hoạch những trái cà phê vàng lạ mắt.

  • Đại hội đại biểu Hội Làm vườn huyện Mèo Vạc lần thứ V

    Đại hội đại biểu Hội Làm vườn huyện Mèo Vạc lần thứ V

    Hội Làm vườn huyện Mèo Vạc (Hà Giang) vừa tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ V, nhiệm kỳ 2024 - 2029 nhằm tổng kết phong trào phát triển kinh tế VAC (vườn – ao - chuồng) và các hoạt động Hội trong nhiệm kỳ qua; triển khai phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới.

  • “Làm chơi ăn thật” nhờ nuôi sâu canxi

    “Làm chơi ăn thật” nhờ nuôi sâu canxi

    Ông Thèn Văn Trọng, dân tộc Nùng, ở thôn Cốc Tủn, xã Phong Niên (Bảo Thắng - Lào Cai) đã tìm ra hướng đi mới trong chăn nuôi gia cầm từ nuôi sâu canxi.

Top