Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 21 tháng 6 năm 2024  
Thứ hai, ngày 3 tháng 6 năm 2024 | 13:18

ĐBSCL triển khai giải pháp phòng chống đuối nước ở trẻ em

Với đặc thù là vùng có nhiều sông, kênh, rạch, ao, hồ để đảm bảo trẻ em được an toàn, đặc biệt là thời điểm học sinh nghỉ hè, các tỉnh, thành ở ĐBSCL đã và đang triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống đuối nước, hạn chế những cái chết thương tâm.

Nhiều vụ đuối nước thương tâm

Tuy mới vào những ngày đầu của kỳ nghỉ hè nhưng tại nhiều địa phương ở ĐBSCL đã xảy ra những vụ đuối nước thương tâm. Mới đây nhất, ngày 30/5, Công an xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho biết, trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ đuối nước khiến một bé gái tử vong. Theo đó, khoảng 13 giờ chiều 29/5, bé gái TBN (14 tuổi, ngụ ấp Hoà Bình, xã Nguyễn Văn Thảnh) cùng bạn rủ nhau xuống sông Tầm Vu tắm. Không may bị đuối nước mất tích.

Trước đó, chiều 27/5, trên địa bàn huyện Long Hồ (Vĩnh Long) cũng xảy ra một vụ đuối nước khiến một bé trai 10 tuổi tử vong. Nạn nhân là bé NĐH (ngụ khóm 4, thị trấn Long Hồ, huyện Long Hồ) bị đuối nước khi đang tắm sông Long Hồ, đoạn thuộc khu vực bờ kè chợ Long Hồ.

Khu vực bé gái ở huyện Bình Tân, Vĩnh Long bị đuối nước.

Tại TP. Cần Thơ cũng đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến hai anh em ruột tử vong. Vào khoảng 13 giờ chiều 29/5, người dân sống ở khu vực kè sông Cần Thơ, đoạn gần cầu Trần Hoàng Na nghe thấy tiếng kêu khóc của các em nhỏ ở khu vực gầm cầu Trần Hoàng Na nên chạy ra xem. Lúc này, các em cho biết có hai bé trai bị đuối nước dưới sông Cần Thơ.

Người dân nhanh chóng nhảy xuống tìm kiếm, đồng thời trình báo chính quyền địa phương. Không lâu sau, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể hai bé trai. Nạn nhân là BTT (8 tuổi) và BTS (6 tuổi), là hai anh em ruột. Theo ghi nhận, đoạn kè khu vực xảy ra tai nạn không hàng rào chắn.

Ngày 24/5, nguồn tin từ xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, trên địa bàn xã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 2 em học sinh lớp 6 và lớp 7 bị tử vong. Hai nạn nhân là em B.M.T (13 tuổi, học sinh lớp 7) và em P.T.Đ (12 tuổi, học sinh lớp 6). Cả hai em đều là học sinh học tại trường THCS Thừa Đức, xã Thừa Đức, huyện Bình Đại.

Trước đó, vào chiều 23/5, được nhà trường cho nghỉ học buổi chiều ở nhà nên khoảng 15 giờ cùng ngày, 4 em học sinh trường THCS Thừa Đức rủ nhau đi tắm sông tại đoạn kênh Mương Đá thuộc ấp Thừa Tiên, xã Thừa Đức. Khoảng 30 phút sau, thì em T. và Đ. trôi ra xa bờ và bị đuối nước, riêng hai em học sinh còn lại bơi vào bờ kêu mọi người xuống cứu. Như vậy, chỉ trong vòng tám ngày, khu vực ĐBSCL đã xảy ra bốn vụ đuối nước làm sáu trẻ tử vong.

Theo thống kê của Sở Lao động thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu, chỉ tính từ đầu năm 2024 đến khoảng giữa tháng 4/2024, trên địa bàn tỉnh đã có 7 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước. Đây không chỉ là nỗi đau khôn nguôi của các gia đình có trẻ bị tai nạn đuối nước mà còn là nỗi day dứt của toàn xã hội.

Hai anh em ruột ở TP. Cần Thơ đuối nước thương tâm, (Ảnh: HD).

Năm 2023, tỉnh Đồng Tháp có 18 trẻ em tử vong do đuối nước. Từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 4/2024, tỉnh cũng ghi nhận 4 vụ đuối nước tại địa bàn huyện Lai Vung và huyện Cao Lãnh làm 5 trẻ em tử vong. Theo Sở Lao động thương binh và Xã hội, qua các vụ việc cho thấy, nguyên nhân trẻ em bị đuối nước do môi trường sống thiếu an toàn, xung quanh nơi ở của trẻ em có nhiều ao, hồ, sông, rạch. Cha mẹ, người lớn chủ quan, lơ là trong việc trông giữ, quản lý để các em tự rủ nhau đi chơi, đi tắm. Bản thân các em ở độ tuổi hiếu động, thiếu kiến thức, kỹ năng an toàn khi gặp sự cố bất ngờ dẫn đến đuối nước...

Bơi là kỹ năng cần thiết nhất để trẻ phòng tránh đuối nước nhưng hầu hết hoạt động dạy bơi cho học sinh chưa thật sự hiệu quả. Ở một số trường tiểu học, nhà trường cũng đã triển khai thí điểm dạy bơi cho học sinh để phổ cập bơi lội, tuy nhiên việc tổ chức thực hiện không dễ khi các trường không có hồ bơi, không có giáo viên phụ trách… Ngoài ra, phòng tránh đuối nước không chỉ là học bơi mà điều quan trọng hơn nữa là các em cần được chỉ dẫn cũng như cảnh báo nên vui chơi ở đâu, như thế nào… để đảm bảo an toàn.

Theo ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước đáng lo ngại. Nguyên nhân do nhiều đơn vị, trường học, xã phường còn thiếu cơ sở vật chất, sân bãi thể dục thể thao, thiếu điểm vui chơi cho trẻ, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Sự quan tâm của các cấp chính quyền một số địa phương, các thành viên trong gia đình về quyền trẻ em được vui chơi, giải trí chưa đầy đủ... Vì thế, sự kiện có ý nghĩa thiết thực, giúp phát triển phong trào dạy bơi, học bơi, rèn luyện các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, nâng cao sức khỏe, thể chất, tầm vóc trẻ em Việt Nam.

Triển khai nhiều giải pháp

Thực tế cho thấy, việc trang bị cho thanh thiếu nhi những kỹ năng ứng phó khi gặp sự cố, đặc biệt là học sinh ở nông thôn, điều kiện kinh tế còn khó khăn vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, ngoài việc tăng cường quản lý con em, học sinh thì việc rèn luyện, bồi dưỡng những kỹ năng cơ bản cho cuộc sống là điều hết sức cần thiết.

Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em không là trách nhiệm của riêng ai mà của toàn xã hội, do đó cần được triển khai với các giải pháp đồng bộ. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cần phối hợp chặt chẽ làm tốt công tác tuyên truyền hội viên, đoàn viên của mình trong giáo dục, nhắc nhở con em về ý thức phòng, chống đuối nước.

Cán bộ phụ trách công tác trẻ em tại huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) tham gia tập huấn bảo vệ trẻ em năm 2024 do Sở Lao động thương binh và Xã hội tổ chức.

Các cơ quan thông tin đại chúng cần có các biện pháp thông tin, giáo dục về phòng, chống đuối nước ở trẻ em đến rộng rãi các tầng lớp nhân dân; đặc biệt, chú trọng đến vùng còn khó khăn, vùng có tỷ lệ trẻ bị đuối nước cao. Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường cần trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, cũng như nâng cao ý thức rèn luyện kỹ năng cứu hộ đuối nước của người lớn.

Mặt khác, tăng cường công tác quản lý, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, có giao ước cam kết trong trường học, ấp, khu phố, địa bàn dân cư và gia đình về việc thực hiện phòng, chống tai nạn đuối nước; Đoàn Thanh niên các đơn vị, địa phương chủ động tổ chức các lớp sinh hoạt hè, thu hút các em học sinh tham gia.

Bà Trần Yến Hòa, Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu cho biết, hàng năm, vào mỗi dịp hè, Sở đều phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ từ 9 - 14 tuổi để trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng bơi lội nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn đuối nước.

Cùng với các giải pháp trên, điều đặc biệt quan trọng là: cha mẹ phải là những người đi đầu trong việc giám sát, khuyên răn con em mình không được tự ý ra sông, suối, ao, hồ, các công trường đang thi công… để tắm, bơi lội nhằm tránh những mất mát đau lòng. Bên cạnh đó, cha mẹ, nhà trường, các giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở, giáo dục, đưa ra các dẫn chứng, những vụ việc về trẻ em chết đuối mà các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin để cảnh báo các em. Đoàn Thanh niên các đơn vị, địa phương cũng nên chủ động nhắc nhở, cảnh báo các em trong dịp sinh hoạt hè để mỗi em luôn ý thức được sự nguy hiểm của việc đi tắm, bơi lội ở sông, rạch, ao, hồ...

Dạy bơi cho con là việc các bậc phụ huynh nên làm.

Mong rằng các bậc phụ huynh, nhà trường, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao kỹ năng, ý thức phòng, chống tai nạn đuối nước cho các em. Bên cạnh đó, cần dựng các biển báo, biển cấm tại những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, hạn chế tối đa những cái chết thương tâm, đau lòng.

Thời gian qua, Sở Lao động thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp phối hợp với các sở, ngành liên quan, tổ chức chính trị - xã hội và địa phương tăng cường triển khai các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn đuối nước trẻ em. Từ năm 2023 đến tháng 3/2024, Sở đã tổ chức 36 lớp tập huấn cho hơn 1.200 gia đình có trẻ em về biện pháp phòng, chống đuối nước; tổ chức 49 lớp tập huấn kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho học sinh Tiểu học và THCS tại 16 xã dự án, có 2.450 trẻ em tham gia.

Đồng thời in ấn, phát hành 74.200 bảng tiêu chí Ngôi nhà an toàn, lắp đặt 15 biển báo phòng, chống đuối nước trẻ em tại các huyện: Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh và TP. Cao Lãnh. Phối hợp triển khai Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em, toàn tỉnh mở được 805 lớp phổ cập bơi có trên 22.300 em tham gia học bơi và hơn 21.000 em biết bơi, đạt 100,62% kế hoạch.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thường xuyên lồng ghép triển khai nội dung hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em trong hoạt động Hội. Các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh phối hợp cùng chính quyền địa phương, các ban, ngành cùng cấp thực hiện nhiều hoạt động, phong trào ý nghĩa, thiết thực mang lại nhiều hiệu quả trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Nổi bật là tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức và kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; các hoạt động tuyên truyền kỹ năng phòng, chống đuối nước cho thanh thiếu nhi...

Để công tác phòng, chống đuối nước trẻ em mang lại hiệu quả cao, Sở Lao động thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp sẽ hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn” năm 2024 ở 36 xã điểm tại 12 huyện, thành phố. Đồng thời hướng dẫn chuyên môn, quy trình thực hiện và một số biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em cho nhân viên y tế khóm, ấp.

Tiếp tục triển khai Dự án hỗ trợ các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại tỉnh Đồng Tháp; đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em bằng nhiều hình thức như: thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, họp phụ huynh trong trường học, trong sinh hoạt Câu lạc bộ trẻ em và trên hệ thống Trạm truyền thanh xã, phường, thị trấn. Cùng với đó, phối hợp các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định an toàn trong các công trình xây dựng và các quy định an toàn khi tham gia, vận tải đường thủy, đường bộ... góp phần bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ đuối nước.

5 bước xử trí, cứu mạng trẻ đuối nước

Vài phút đầu tiên sau tai nạn là thời gian vàng để sơ cấp cứu trẻ bị đuối nước. Hội Nhi khoa Việt Nam và BV Nhi trung ương phối hợp đưa ra “cẩm nang 5 bước” xử trí khi gặp trẻ đuối nước.Bước 1: Khi thấy trẻ bị đuối nước nhanh chóng gọi trợ giúp từ những người xung quanh và gọi cấp cứu 115.

Bước 2: Khẩn trương đưa trẻ lên khỏi mặt nước bằng mọi cách, như dùng phao, gậy, các vật nổi hoặc bơi xuống trực tiếp để đưa lên trẻ lên bờ.

Bước 3: Khi trẻ được vớt lên, đánh giá nhanh tình trạng của trẻ xem có tỉnh không.

Bước 4: Nếu trẻ không tỉnh, mở thông đường thở cho trẻ bằng cách ngửa đầu, nâng cằm trẻ. Kiểm tra đường thở của trẻ bằng nhìn sự di động của lồng ngực, nghe và cảm nhận hơi thở. Nếu trẻ không thở, người cấp cứu cần thổi ngạt cho trẻ 5 nhịp và tiến hành ép tim 30 nhịp (Vị trí ép tim: ở một nửa dưới xương ức. Kỹ thuật ép tim có thể dùng một bàn tay hoặc ở trẻ lớn, người lớn có thể dùng hai bàn tay, ép từ trước ra sau với độ sâu từ 1/3 đến 1/2 bề dày lồng ngực. Tần số ép tim là từ 100 đến 120 lần/phút). Sau đó thổi ngạt 2 lần.

Cứ tiếp tục ép tim, hà hơi thổi ngạt theo chu kỳ 30 lần ép tim và 2 lần thổi ngạt cho đến khi nạn nhân tỉnh, thở được hoặc nhân viên y tế đến giúp đỡ.

Bước 5: Ngay sau khi đứa trẻ tỉnh, đặt trẻ ở tư thế an toàn và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Quá trình cấp cứu, chú ý khả năng chịu đựng thiếu oxy của não tối đa là 5 phút. Không được ngừng hồi sức tim, phổi nếu trẻ chưa có nhịp thở, cần đưa tất cả những trẻ bị đuối nước đến cơ sở y tế để tiếp tục kiểm tra và theo dõi các biến chứng sau đuối nước. Tuyệt đối không dốc ngược bệnh nhân lên vai chạy, làm cho các dịch ở dạ dày trào ngược, hít vào đường thở và làm mất thời gian vàng cấp cứu trẻ.

 

Tổng hợp từ nguồn: Phapluatthanhphohochiminh; Baobaclieu; Baodongthap.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top