Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 14 tháng 12 năm 2024  
Thứ ba, ngày 23 tháng 7 năm 2024 | 14:22

Đan Mạch hỗ trợ Việt Nam phát triển nông nghiệp bền vững

Với mối quan hệ thân tình của hai nước trên 50 năm qua, Chính phủ Đan Mạch dành cho Việt Nam nhiều chương trình hỗ trợ phát triển, đặc biệt là các dự án lớn thuộc ngành Nông nghiệp và PTNT với nhiều lĩnh vực mũi nhọn như: Thủy sản, thủy lợi, trồng trọt, chăn nuôi, thú y và an toàn thực phẩm.

Năm 2023, Chính phủ 2 nước công bố thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh, với mục đích thúc đẩy hợp tác chính trị, mở rộng quan hệ kinh tế liên quan đến tăng trưởng xanh, tạo thêm việc làm, tăng cường hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu và phát minh các giải pháp trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và biến đổi khí hậu. Đặc biệt là trong lĩnh vực lương thực, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản với trọng tâm là sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững và tiết kiệm tài nguyên cũng như sản xuất nuôi trồng thủy sản bền vững, bao gồm các công nghệ và giải pháp cho sản xuất.

Việt Nam - Đan Mạch ký kết Văn kiện Chương trình hợp tác chiến lượng ngành về an toàn thực phẩm giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Thủy sản Đan Mạch.

Thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững ngành thực phẩm và nông nghiệp

Từ năm 2017,  Đan Mạch Việt Nam có nhiều chương trình hợp tác về lĩnh vực nông nghiệp, an toàn thực phẩm và sản xuất thức ăn chăn nuôi, đem lại giá trị lợi ích cao cho kinh tế 2 nước.

Sự hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch giúp nâng cao năng lực cho các cơ sở sản xuất, hệ thống quản lý chế biến sản phẩm thủy sản, chăn nuôi, nước sạch vệ sinh nông thôn, đặc biệt là đội ngũ quản lý, nghiên cứu kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Trong những năm tới, chương trình hợp tác sẽ tập trung thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm, hướng tới xây dựng hệ thống thực phẩm bền vững hơn và có khả năng chống chịu các tác động bên ngoài hơn.

Trong chuyến thăm và là việc tại Việt Nam hồi giữa tháng 5/2024, ông Jacob Jensen, Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Thủy sản Đan Mạch, cho biết: “Trong quá trình thực hiện chuyển đổi xanh và sản xuất thực phẩm bền vững, Đan Mạch đã phát triển được các phương pháp và có cách tiếp cận mạnh mẽ, sáng tạo cho toàn bộ chuỗi giá trị, giúp tăng năng suất sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm nhưng đồng thời cũng giảm thiểu tiêu thụ nước và năng lượng. Chúng tôi mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm này và truyền cảm hứng cho sự hợp tác sâu rộng hơn với các đối tác Việt Nam”.

Đồng thời, Bộ trưởng Jacob Jensen đồng thuận về chương trình hợp tác sắp tới, bởi đây là minh chứng rõ ràng cho sự hợp tác hiệu quả giữa hai bên, khi cả hai nước không những có những nhu cầu và lợi ích chung mà quan trọng hơn là cùng chia sẻ mục tiêu và tầm nhìn chung về hệ thống thực phẩm bền vững và có khả năng chống chịu mọi tác động từ bên ngoài.

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với các công ty Đan Mạch trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện tại, Đan Mạch là một trong số các nước châu Âu có mức xuất khẩu bình quân đầu người sang Việt Nam cao nhất. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm chiếm một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của Đan Mạch sang Việt Nam.

“Việt Nam đang trở thành thị trường quan trọng và hấp dẫn đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư Đan Mạch. Mặc dù Việt Nam và Đan Mạch cách nhau rất xa về mặt địa lý nhưng chúng ta đều đang phải đối mặt với những thách thức giống nhau. Chúng ta cần phải tiếp tục hợp tác để sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và thông minh để nâng cao năng lực cạnh tranh và tính bền vững”, Bộ trưởng Jacob Jensen nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đề nghị, thời gian tới, Đan Mạch chia sẻ kinh nghiệm tư vấn về chuyên môn nghiên cứu, đánh giá môi trường trong sản xuất nông nghiệp, bao gồm quản lý tài nguyên bền vững, giảm yếu tố đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, như: chăn nuôi, nuôi thủy sản nước ngọt, nước lợ, những loại cây có giá trị cao. Đồng thời, phối hợp xây dựng các chương trình hợp tác trong lĩnh vực giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học trực thuộc hai bộ.

Thiết lập kênh quan hệ đối tác công tư (PPP) trong các lĩnh vực, gồm: ngăn ngừa và chống lãnh phí, thất thoát thực phẩm, sản xuất lương thực bền vững theo chuỗi giá trị (từ trang trại đến bàn ăn) và chuỗi cung ứng hiệu quả về nguồn nguyên liệu phục vụ cho lĩnh vực chăn nuôi, nuôi thủy sản và trồng trọt. 

Câu chuyện Đan Mạch

Nằm ở vùng Bắc Âu lạnh giá với diện tích nhỏ cùng dân số chỉ  5,6 triệu dân, chi phí nhân công đắt đỏ nhưng Đan Mạch lại là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, đạt nhiều thành tựu nổi bật. Kết quả này có được do Đan Mạch tập trung đầu tư cho công nghệ, tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, đảm bảo mục tiêu phát triển nông nghiệp và thực phẩm bền vững mà nước này luôn quan tâm.

Trong nhiều năm, các công ty nông nghiệp, thực phẩm Đan Mạch đã không ngừng đầu tư vào các thiết bị và giải pháp sản xuất mới nhằm thúc đẩy sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm trong khi tiêu tốn ít nước và năng lượng hơn. Theo ông Jeppe S ndergaard Pedersen, Cố vấn trưởng quốc tế, Hội đồng Nông nghiệp và Thực phẩm Đan Mạch, để nền nông nghiệp phát triển bền vững, sản xuất nhiều hơn với đầu vào ít hơn thì cần phải đầu tư phát triển chuỗi giá trị tổng thể trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới tăng dần sản lượng hàng hóa nông sản hữu cơ để thu về giá trị cao, cùng với quá trình sản xuất đảm bảo giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường, khí hậu và môi trường xung quanh.

Bộ trưởng Jensen xúc thức ăn cho cá tra tại Tiền Giang ngày 15/5 - Ảnh: Đại sứ quán Đan Mạch.

Chẳng hạn trong mô hình chăn nuôi lợn, các doanh nghiệp của Đan Mạch chuyển sang phát triển theo mô hình khép kín theo một hệ sinh thái tuần hoàn từ cây giống, con giống, thức ăn chăn nuôi, trang trại cho đến chế biến. Đồng thời, cũng áp dụng hàng loạt các phương pháp chăn nuôi, công tác an toàn sinh học trong chăm sóc để mang đến sự an toàn tốt nhất cho đàn heo, hạn chế tối đa sự sinh sôi và phát triển của các mầm bệnh.

Kết quả thu được từ việc chuyển đổi mô hình sản xuất đã giúp nền kinh tế nông nghiệp của quốc gia này trong giai đoạn từ năm 1995 đến nay đạt được nhiều thành quả đáng chú ý: Số lượng heo con/nái trung bình hàng năm tăng 52%; sản lượng sữa tăng 46%, với trung bình sản xuất của một con bò sữa đạt 10,132 kg sữa vào năm 2020; thịt gà sản xuất ra không nhiễm khuẩn Salmonella, với tỷ lệ chuyển đổi thức ăn thấp (1,4 - 1,5)…

Đan Mạch được coi là “ tiên phong” về sản xuất nông nghiệp bền vững, dần trở thành cường quốc nông nghiệp của châu Âu và cả thế giới. Đồng thời, nông nghiệp của Đan Mạch, đặc biệt là mảng nông sản sạch chất lượng cao, được nhiều quốc gia, đơn vị, các tổ chức nước ngoài liên hệ làm hình mẫu nghiên cứu học tập để áp dụng vào mô hình sản xuất trong nước.

Chanh (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Thúc đẩy đầu tư xanh và tăng cường hợp tác với DN công nghệ, nông nghiệp thông minh Nhật Bản

    Thúc đẩy đầu tư xanh và tăng cường hợp tác với DN công nghệ, nông nghiệp thông minh Nhật Bản

    “Hơn bao giờ hết, Việt Nam cần nhanh chóng thu hút nhà đầu tư có tiềm lực về công nghệ và vốn, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao theo hướng phát triển xanh, bền vững”.

  • Trang trại lợn rừng thu bạc tỷ

    Trang trại lợn rừng thu bạc tỷ

    Với phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học dành cho giống lợn hoang dã, ông Lê Văn Hinh ở thôn Tòong Mòn, xã Đồng Tuyển (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) không chỉ thành công trong việc tạo ra sản phẩm chất lượng cao, mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững. Mô hình mang về cho gia đình nguồn thu gần 1 tỷ đồng mỗi năm.

  • Mô hình và giải pháp phát triển chăn nuôi an toàn sinh học

    Mô hình và giải pháp phát triển chăn nuôi an toàn sinh học

    Thời gian qua, huyện Kiến Xương (Thái Bình) tập trung phát triển các vật nuôi chủ lực như bò thịt, lợn, gia cầm. Các mô hình chăn nuôi đang tạo nguồn thu nhập ổn định, mở hướng làm giàu cho nhiều hộ dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Top