Theo luật Na Uy, ngư dân bắt buộc phải dùng loại dây có đường kính không quá 3mm để đảm bảo an toàn cho cua trong mùa đánh bắt.
Thiết kế bẫy đúng luật chính là đảm bảo an toàn cho sự phát triển đàn cua trong tự nhiên.
Người dân tuân thủ quy định
Quy trình đánh bắt cua an toàn, đúng luật và tránh thất lạc bẫy của người Na Uy thường diễn ra ở cả 3 giai đoạn: Trước khi đặt bẫy, cố gắng tìm lại bẫy và sau khi hoàn toàn thất lạc bẫy.
Cụ thể, ngay từ quá trình đặt bẫy, người đánh bắt phải gắn “tem” trên bẫy, ghi rõ họ tên, địa chỉ và số điện thoại của mình trước khi thả bẫy xuống biển. Việc cung cấp thông tin cá nhân này giúp kiểm soát hành vi đánh bắt theo luật và tìm kiếm bẫy bị mất để trả lại cho chủ nhân, hoặc tái sử dụng.
Bẫy cua nâu là một hoạt động giải trí ở Na Uy. Cua có thể được luộc ngay sau khi đánh bắt. Ảnh: Hội đồng Hải sản Na Uy.
Tiếp theo, khi mất bẫy trong quá trình đánh bắt, người dân cần tìm lại thiết bị của mình. Lúc này, họ có thể dùng dây xích cào với các mắt xích cắt hở, kéo lê dưới lòng biển ở tốc độ chậm. Nếu gặp bẫy thất lạc dưới đáy biển, các mắt xích hở dễ dàng móc vào và kéo bẫy theo. Tàu kéo xích cào phải di chuyển theo hướng đan nong mốt so với đoạn lòng biển có bẫy bị mất. Quá trình này đòi hỏi cả kỹ năng và sự kiên nhẫn khi không thể xác định ngư cụ bị mất ở chính xác vị trí nào.
Nếu quá trình tìm kiếm bẫy không thành công, người dân phải báo với chính quyền thông qua đường dây nóng hay ứng dụng báo cáo trực tuyến. Và với quốc gia này, sẽ là vi phạm pháp luật nếu không báo cáo việc thất lạc bẫy.
Thiết kế bẫy an toàn
Bẫy cua có thể có nhiều hình dạng như hình vuông, hình chữ nhật, hình trụ… nhưng thường là một chiếc lồng kín có lối vào và lối thoát hiểm cho cua. Lưới dùng làm bẫy không được có mắt quá nhỏ để những con cua nhỏ hoặc cua mang trứng có thể thoát ra dễ dàng. Bên trong bẫy có một túi chứa đầy mồi làm bằng cá tuyết hay cá thu ngâm oải. Bẫy có thể được bố trí riêng lẻ hoặc nối thành chuỗi gồm tối đa 20 bẫy vào một sợi dây dài.
Cứ mỗi mùa cua nâu, từ tháng 7 đến 12 hàng năm, khi ngư dân Helge Havnen (Aalesund) thả bẫy, anh phải nhớ chuỗi của mình có bao nhiêu bẫy và thả bẫy ở khu vực nào. Thông thường, Helge sẽ đánh dấu điểm đặt bẫy trên bản đồ GPS của tàu. Khi kéo bẫy, anh cũng phải đếm xem đã lấy lên hết lượng bẫy đã đặt không. Trong trường hợp phát hiện thất lạc, anh cần thực hiện tìm kiếm hoặc báo với cơ quan chức năng để tìm lại. Để bẫy thất lạc trôi nổi trong đại dương, sẽ gây mất an toàn cho biển: ô nhiễm, bẫy ma, tai nạn cho người lặn biển thể thao…
Đối với việc thiết kế bẫy cua, cơ quan chức năng của Na Uy cũng có một số quy định nhất định. Dây ràng bẫy cua phải là sợi cotton, không dùng dây nylon. Nếu bẫy bị thất lạc khiến không lấy bẫy cua lên được thì loại dây này sẽ tự mục ra trong 3-4 tháng ngâm dưới nước biển. Khi đó, cua có thể thoát ra khi vẫn còn sống, và rác thải từ dây ràng cũng không gây hại cho môi trường biển.
Thêm vào đó, bẫy phải có hai cửa sập và hai cửa thoát hiểm ở bên hông. Đặc biệt, các cửa thoát hiểm chỉ được ràng kín bằng sợi cotton để sau một khoảng thời gian, nếu ngư dân không kiểm tra bẫy đặt dưới biển thì những sợi cotton tự tan ra. Những con vật bị mắc trong bẫy được thoát ra ngoài. Từ ngày 01/7/2022, Na Uy ra quy định riêng về cửa thoát hiểm cho bẫy của mỗi loài gồm cua, tôm hùm đất, tôm hùm và cua hoàng đế.
Trên bẫy cũng phải có tem của chủ nhân. Tem là một miếng nhựa dày khoảng 3mm, kích thước bằng tấm danh thiếp. Trên đó in họ tên, số điện thoại, địa chỉ của chủ nhân. Đôi khi sẽ có thêm mã số của chủ nhân trong trường hợp ngư dân này đăng ký đánh bắt tôm hùm. Tem được chốt chặt vào bẫy bằng dây rút, đảm bảo khó bị bong trong điều kiện ngâm nước biển hay để ngoài trời.
Đánh bắt bền vững
Đối với hoạt động bẫy cua thương mại, sau khi được đặt dưới đáy biển vài ngày, những chiếc bẫy cua sẽ được vớt lên để kiểm tra và nếu có cua, chúng sẽ được vận chuyển tới các bể chứa, nơi cua và các loại hải sản khác có trong bẫy được kiểm tra và phân loại theo chất lượng và kích cỡ. Cua được nuôi trong bể vài ngày để thích nghi với môi trường và sau đó được vận chuyển tới khách hàng. Đối với hoạt động bẫy cua giải trí, người dân thường luộc cua ngay sau khi bắt được. Họ lấy nước biển đun sôi và luộc cua ngay trên thuyền nếu có bếp. Hoặc mang về đất liền luộc luôn, rồi mới bán hoặc mời mọi người đến ăn.
Một chiếc bẫy cua nâu Na Uy. Ảnh: Công ty Arctic Seafood Norway AS.
Để hoạt động đánh bắt cua không xả rác ra môi trường biển, Chính phủ Na Uy cũng tích cực tuyên truyền việc hạn chế thất lạc bẫy và cách lấy lại ngư cụ đã mất. Khi thất lạc bẫy, người đánh bắt có thể sử dụng dây xích cào kéo lê dưới lòng biển ở tốc độ chậm. Nếu gặp bẫy thất lạc dưới đáy biển, các mắt xích hở dễ dàng móc vào và kéo bẫy theo. Còn khi không thể tìm được chiếc bẫy đã mất, người dân cần báo với chính quyền, có thể qua đường dây nóng hay ứng dụng trực tuyến.
Về tổng thể, thực tiễn đánh bắt này không sử dụng thuốc nổ hay các chất độc hại tới môi trường. Cùng với tốc độ sinh sản rất nhanh của cua nâu hay cua Hoàng đế và tuân thủ quy định chặt chẽ về bảo vệ đàn trong tự nhiên, quá trình đánh bắt này không làm ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng và giúp các loại cua tiếp tục phát triển ở vùng biển Na Uy.
Hành động của Chính phủ
Để ngăn ngừa bẫy thất lạc bị trôi nổi trong đại dương, Chính phủ Na Uy đã nỗ lực tuyên truyền cho người dân cách thu hồi ngư cụ khi mất và tác hại của việc để mất ngư cụ (hình thành các bẫy ma). Bẫy ma là những chiếc bẫy bị thất lạc, trôi tự do trong nước, vẫn bắt cá, tôm nhưng không có ai thu hoạch. Bẫy ma gây ô nhiễm và có thể triệt tiêu hải sản với số lượng lớn và trong thời gian dài. Bẫy ma là nỗi ám ảnh với chính quyền Na Uy trong việc bảo vệ biển.
Hiện tại, kênh Youtube của Tổng cục Thủy sản nước này (Fiskeridirektoratet) đang phát huy hiệu quả tuyên truyền rất tốt với nhiều video hướng dẫn cách đặt bẫy đúng cách, tìm kiếm ngư cụ hay tác hại của bẫy ma và cách báo mất bẫy.
Bên cạnh đó, Na Uy cũng có nhiều cách kiểm tra khi người dân đặt bẫy sai, không tìm kiếm bẫy bị thất lạc, hoặc không báo cáo khi mất ngư cụ. Ví dụ, Cảnh sát biển Na Uy được phép kéo bẫy của người dân lên để kiểm tra bẫy có được thiết kế đúng hay không. Việc kiểm tra này không cần sự có mặt của người dân hoặc chủ bẫy, chỉ cần phát hiện sai phạm, cảnh sát dùng thông tin trên tem để xử lý tiếp.
Chương 17 trong Quy định về hoạt động đánh bắt trên biển của Na Uy nêu rõ: Các đội tàu đánh bắt hải sản chuyên nghiệp nước này có nghĩa vụ phải tìm kiếm khi để mất ngư cụ. Nếu hoạt động tìm kiếm không thành công, họ sẽ cần thông báo tổn thất về loại ngư cụ, số lượng thiết bị và vị trí bị mất cho lực lượng Cảnh sát biển hoặc thông qua nhật ký điện tử.
Tổng cục Thủy sản Na Uy cũng thường xuyên tiến hành các hoạt động trục vớt ngư cụ và làm sạch biển thường niên trong suốt 40 năm qua. Kể từ các chuyến dọn sạch biển những năm 1980 tới năm 2019, hơn 1.000 tấn ngư cụ đã được đưa ra khỏi đáy biển khơi. Trong chuyến tàu trục vớt gần đây, vào tháng 8-9/2020, khoảng 100 tấn thiết bị đánh cá và ngư cụ bị thất lạc cũng đã được dọn sạch khỏi vùng biển Alesund và Svalbard.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.