Sản lượng cà phê của Việt Nam - nhà sản xuất cà phê số 2 thế giới - đang bị thu hẹp, dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt cà phê kéo dài, khiến giá cà phê toàn cầu bị đẩy lên cao.
Sản lượng cà phê của Việt Nam giảm
Theo ước tính trung bình trong một cuộc khảo sát của Bloomberg, dự trữ cà phê toàn cầu được dự báo sẽ giảm một nửa vào cuối tháng 9/2022 so với một năm trước đó. Hiện, Việt Nam là nhà cung cấp cà phê robusta lớn nhất thế giới và nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai. Sản lượng cà phê của Việt Nam cũng dự kiến sẽ giảm trong giai đoạn 2022-2023.
Lượng dự trữ hạt cà phê của Việt Nam đang xuống thấp, một tín hiệu có thể đẩy giá cà phê toàn cầu lên cao hơn nữa trong thời gian tới. (Ảnh minh họa)
Lượng dự trữ cà phê ngày càng cạn kiệt và triển vọng thu hoạch kém diễn ra đúng vào thời điểm tiêu thụ cà phê toàn cầu đang phục hồi sau đợt sụt giảm mạnh do đại dịch Covid-19 gây ra. Giá cà phê robusta chuẩn đã tăng 17% từ mức thấp nhất 10 tháng vào giữa tháng 7 vừa qua vì lo ngại về nguồn cung hạn chế.
Nhu cầu tiêu thụ robusta, được sử dụng bởi các nhà sản xuất cà phê hòa tan lớn như Nestle SA hoặc dùng để pha trộn cà phê espressos, đang tăng trở lại. Loại cà phê rẻ hơn arabica này đang chứng kiến nhu cầu mạnh mẽ khi người tiêu dùng đang ưa chuộng nhằm giảm thiểu tác động của lạm phát gia tăng.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam gia tăng
Số liệu từ hải quan cho thấy, lượng dự trữ cà phê tại Việt Nam đã giảm khi xuất khẩu tăng 17% lên 1,13 triệu tấn trong khoảng thời gian từ tháng 1-7 so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng xuất khẩu gia tăng nhờ nguồn cung container và tàu chở hàng được cải thiện. Tuy nhiên, việc này khó có thể duy trì do các kho dự trữ ngày càng thu hẹp.
Chia sẻ trên tờ TIME, ông Phan Hùng Anh, Giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần Thương mại Cà phê Quang Minh tại tỉnh Bình Dương, cho biết: "Chúng tôi lo lắng về tình trạng thiếu hụt cà phê kéo dài đến đầu tháng 11. Những người trồng cà phê ở địa phương hiện chỉ dự trữ khoảng 2% sản lượng hàng năm, so với khoảng 13% một năm trước đó".
Thị trường cà phê toàn cầu đang đối mặt với một trong những đợt thâm hụt lớn nhất trong những năm gần đây sau khi hạn hán và băng giá làm giảm sản lượng của Brazil - nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Một số quốc gia sản xuất cà phê lớn khác như Colombia, Honduras, Guatemala, Nicaragua, Costa Rica, Uganda,... cũng đang cạn kiệt nguồn cung vì thu hoạch giảm.
Lượng tồn kho sụt giảm tại Việt Nam đã đẩy giá cà phê robusta nội địa tại tỉnh Đắk Lắk, nơi chiếm khoảng 1/3 sản lượng thu hoạch của cả nước, lên mức cao kỷ lục 49.100 đồng/kg (2,1 USD/kg) vào tuần trước.
Các kho dự trữ cà phê hiện chỉ còn khoảng 200.000 tấn khi bắt đầu mùa vụ mới vào đầu tháng 10, so với ước tính khoảng 400.000 tấn một năm trước. Sản lượng có thể giảm 6% xuống còn 1,72 triệu tấn trong giai đoạn 2022-2023. Robusta chiếm khoảng 90% sản lượng cà phê của Việt Nam.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho biết diện tích trồng cây ăn quả "có lãi" giảm và giá phân bón tăng có thể sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong năm 2022-2023.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, nếu giá cà phê xuất khẩu giữ nguyên ở mức cao, thì cả năm 2022, ngành cà phê Việt Nam vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.
Cùng với nguồn cung khan hiếm và những lo ngại về thời tiết ảnh hưởng đến vụ mùa tới, thị trường thế giới tiếp tục gia tăng thu mua cà phê. Điều này sẽ giúp giá cà phê trong nước được dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới./.
Theo TIME/VOV.VN (lược dịch)
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.