Ủy ban châu Âu (EC) thông báo gia hạn đến ngày 15/9 các biện pháp đặc biệt và tạm thời đối với 4 sản phẩm nông nghiệp từ Ukraine, gồm lúa mỳ, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương.
Ngày 8/6, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo gia hạn các biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với một số sản phẩm nông nghiệp của Ukraine.
Nông dân thu hoạch lúa mỳ tại vùng Kharkiv, Ukraine ngày 19/7/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Quyết định trên đã vấp phải sự chỉ trích của một số nước như Đức và Tây Ban Nha.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, EC đã gia hạn đến ngày 15/9 các biện pháp đặc biệt và tạm thời đối với 4 sản phẩm nông nghiệp từ Ukraine, gồm lúa mỳ, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương.
Ngay lập tức, Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Jem Ozdemir đã chỉ trích gay gắt việc gia hạn các biện pháp hạn chế trên, cho rằng quyết định của EC có thể làm mất tình đoàn kết giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine.
Ông Ozdemir nói thêm rằng các nước EU nên gắn bó với nhau và hỗ trợ đất nước đang trong chiến tranh này.
Ông Ozdemir cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải “khẩn trương quay trở lại cách tiếp cận phối hợp và chung của EC cũng như các quốc gia thành viên để đảm bảo hoạt động của thị trường chung EU.”
Trong khi đó, Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Nadia Calvigno lưu ý rằng hàng nhập khẩu từ Ukraine có thể đáp ứng tình trạng thiếu ngũ cốc do hạn hán gây ra ở Tây Ban Nha.
Phát biểu trước báo giới tại Brussels, bà Calvigno nói: “Khả năng xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine là một yếu tố rất quan trọng đối với sự ổn định của thị trường lương thực quốc tế,” đặc biệt trong bối cảnh hạn hán hiện tại ở một số nước châu Âu, như Tây Ban Nha.”
Trong bối cảnh mùa màng của Tây Ban Nha bị ảnh hưởng bởi hạn hán, Hiệp hội nông dân quốc gia Tây Ban Nha (ASAJA) tháng trước đã kêu gọi Chính phủ nước này có lập trường rõ ràng để bảo vệ lợi ích của ngành ngũ cốc Tây Ban Nha… cùng với các nước châu Âu khác.
Trong những tháng gần đây, các cảng của Tây Ban Nha đã ghi nhận lượng ngũ cốc và bột mỳ nhập khẩu kỷ lục, đưa Tây Ban Nha trở thành nhà nhập khẩu ngũ cốc hàng đầu của Ukraine.
Phương Hoa (TTXVN/Vietnam+)
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.