Vào tối 5/6, Ủy ban châu Âu đã quyết định gia hạn cho đến ngày 15/9 một loạt các lệnh hạn chế đặc biệt đối với việc nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine, việc này đã gây ra khủng hoảng thừa sản phẩm ở nhiều quốc gia ở Đông Âu và dấy lên các làn sóng biểu tình phản đối của nông dân địa phương một số nước như Ba Lan, Romania, Bulgaria...
Thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở Izmail, vùng Odessa, Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các lệnh cấm được áp dụng đối với việc lưu thông lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương đi qua năm quốc gia là: Ba Lan, Hungary, Slovakia, Romania và Bulgaria. Việc gia hạn các hạn chế này bất chấp sự phản đối của chính quyền ở Kiev và những lo ngại nghiêm trọng do 12 quốc gia thành viên EU khác đưa ra trong một lá thư chung.
Ủy ban châu Âu cho biết các biện pháp này là cần thiết để ngăn chặn khủng hoảng dư thừa nông sản ở các nước Đông Âu. Các lệnh cấm bắt nguồn từ một thỏa thuận được ký kết giữa Ủy ban châu Âu và 5 quốc gia Đông Âu, những nước đã lên tiếng về thiệt hại kinh tế ngày càng gia tăng do dư thừa ngũ cốc. Tranh cãi trở nên nóng hơn khi 4 trong số 5 quốc gia có liên quan áp đặt các biện pháp đơn phương đối với nhiều loại thực phẩm của Ukraine.
Sau các cuộc đàm phán, Ủy ban châu Âu đã đạt được thỏa thuận với 5 quốc gia với điều kiện đưa ra gói hỗ trợ trị giá 100 triệu euro cho nông dân ở Ba Lan, Hungary, Slovakia, Romania và Bulgaria. Thỏa thuận đã đưa ra các biện pháp phòng ngừa tạm thời đối với 4 sản phẩm của Ukraine như lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương… Những sản phẩm này chỉ được phép quá cảnh qua 5 quốc gia Đông Âu để đến các nước thứ 3.
Ukraine đã công khai lên án các lệnh cấm này và vận động các quan chức EU dỡ bỏ chúng. Tới nay, một nhóm gồm 12 quốc gia, bao gồm cả Đức và Pháp cũng bày tỏ không tán thành quyết định này và lo ngại những ảnh hưởng nghiêm trọng về thỏa thuận ngũ cốc, cũng như không tương thích với các quy tắc thương mại của EU.
Trong tuyên bố của mình, Ủy ban châu Âu cho biết các hạn chế sẽ được loại bỏ dần vào ngày 15/9 nhưng có thể được đánh giá lại trong thời gian trước đó, nếu việc lưu thông ngũ cốc của Ukraine bị cản trở bởi các yêu cầu khắt khe tại một trong năm quốc gia Đông Âu. Phó chủ tịch điều hành phụ trách thương mại EU cho biết, Ủy ban châu Âu sẽ không ngần ngại hành động trong trường hợp các lệnh cấm thương mại ngăn cản hàng hóa nông nghiệp của Ukraine đến các quốc gia cần chúng.
Dự kiến EU sẽ thành lập một nền tảng điều phối tập hợp các đại diện từ Ba Lan, Hungary, Slovakia, Romania và Bulgaria cũng như Ukraine để theo dõi xu hướng thị trường một cách thường xuyên. Dự kiến, cuộc họp đầu tiên của nền tảng này diễn ra vào cuối tuần.
Hải Đăng/VOV.VN
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.