Trong 6 tháng năm 2024, Việt Nam nhận số lượng cảnh báo từ Liên minh châu Âu (EU) tăng nhanh, với 57 cảnh báo, trong khi cùng kỳ năm 2023 là 31 cảnh báo, tăng khoảng 80%...
Ớt là một trong 4 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chịu kiểm tra biên giới của EU.
Văn phòng SPS Việt Nam cho biết thị trường Liên minh châu Âu (EU) có 3 quy định an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) đối với nông sản thực phẩm và thủy sản nhập khẩu.
Số lượng cảnh báo gia tăng
Quy định số 178/2002 (được coi là Luật thực phẩm chung của EU) là văn bản luật quan trọng nhất đưa ra nguyên tắc và quy tắc chung về an toàn thực phẩm ở EU. Quy định này áp dụng cho tất cả các công đoạn sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm (từ trang trại đến bàn ăn).
Sau đó là Quy định chống phá rừng (EUDR) sẽ được áp dụng từ tháng 01/2025, riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ sẽ áp dụng bắt đầu từ tháng 6/2025. Theo đó, sẽ cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng (cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca cao và đậu) vào EU, nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng.
Ngoài ra, còn quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); quy định về áp dụng các biện pháp tạm thời kiểm soát chính thức và biện pháp khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU; quy định về các sản phẩm thực phẩm hỗn hợp có chứa thành phần có nguồn gốc từ động vật.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết trong 6 tháng năm 2024 số lượng cảnh báo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật với nông sản từ EU tăng bất thường, tăng gần 20%, nhiều nhất trong các đối tác thương mại nông sản của Việt Nam.
Cụ thể, Việt Nam nhận 57 cảnh báo trong nửa năm, trong khi cùng kỳ năm 2023 là 31 cảnh báo, tăng hơn 80%. Trong số này, TP.HCM chiếm nhiều nhất, với 23 cảnh báo.
Việc EU tăng số lượng cảnh báo khiến tần suất kiểm tra biên giới của nông sản tăng. Hiện Việt Nam còn 4 mặt hàng phải chịu, với tần suất thanh long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%), sầu riêng (10%). “Xu hướng này có thể tăng tiếp nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời”, ông Nam nhận định.
Phân tích nguyên nhân về sự tăng bất thường số lượng cảnh báo, ông Nam cho rằng có cả lý do chủ quan lẫn khách quan.
Khách quan là xu thế các quốc gia, vùng lãnh thổ gia tăng các biện pháp SPS đối với nông sản thực phẩm và thủy sản nhập khẩu. Xu thế sử dụng các sản phẩm an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, sản phẩm khai thác hợp lý, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm giảm phát thải, sản phẩm dựa trên giá trị, sản phẩm xanh...
Về phía chủ quan, doanh nghiệp xuất khẩu chưa thực sự tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu vì mức MRL (mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép) đối với mỗi hoạt chất của mỗi nước là khác nhau. Việc này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu chuyên sâu và am hiểu khoa học, kỹ thuật.
Ngoài ra, theo thói quen từ trước, người sản xuất ở một số nơi còn chưa có biện pháp, kế hoạch sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, phân bón không đúng hướng dẫn. Đơn cử như khảo sát tại Thừa Thiên - Huế năm 2020 cho thấy, 95% hộ nuôi tôm sử dụng kháng sinh.
Bên cạnh đó, trách nhiệm kiểm tra, giám sát cũng là một lý do khiến số lượng cảnh báo tăng. Đại diện Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa đạt. Ví dụ sầu riêng chỉ giám sát 52% vùng trồng và 47% cơ sở đóng gói.
Trong khi đó, pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định và chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm.
Cần chuẩn hoá ngay từ nguyên liệu đầu vào
Đối với thuỷ sản, bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (NAFIQPM) chia sẻ, hiện nay, các lô hàng thủy sản của Việt Nam thường bị EU cảnh báo về việc tăng hóa chất kháng sinh và Việt Nam vẫn chưa khắc phục được “thẻ vàng” trong quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
EU có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm, bao gồm cả thủy sản nhập khẩu, và đòi hỏi chứng thư và kiểm soát theo cả chuỗi sản xuất. Sản phẩm cá ngừ ngâm trong nước muối chỉ được sử dụng cho công nghiệp đồ hộp.
Quy định của EU thủy sản nuôi phải được xây dựng, triển khai và công nhận Chương trình giám sát quốc gia về tồn dư hóa chất kháng sinh (HCKS). Sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh phải có Chương trình giám sát an toàn vệ sinh vùng thu hoạch và được công nhận.
Hàng năm, cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu phải báo cáo EU về kết quả triển khai chương trình và định kỳ bị thanh tra. EU yêu cầu lập danh sách riêng cho các cơ sở sản xuất đùi ếch, ốc, và gelatin/collagen từ nguyên liệu thủy sản, và các cơ sở trong chuỗi sản xuất từ thu mua, sơ chế, kho lạnh, chế biến, tàu cấp đông đến tàu chế biến phải có trong danh sách này. Các quy định về chống khai thác IUU cũng phải được tuân thủ nghiêm ngặt.
Vừa qua, Thủ tướng phê duyệt đề án nâng cao hiệu thực thi SPS. Song song với hoạt động triển khai đề án, ông Nam kêu gọi sự vào cuộc đồng bộ của vùng trồng, vùng nuôi; doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, chế biến; hiệp hội ngành hàng; cơ quan quản lý và địa phương.
“Không cách nào khác phải tăng cường liên kết theo hướng đồng quản lý an toàn thực phẩm, chất lượng, góp phần giúp chuẩn hóa ngay từ nguyên liệu đầu vào. Chỉ khi nào từng khâu làm tròn trách nhiệm của mình, nền nông nghiệp Việt Nam mới thoát cảnh e dè trước những thay đổi của thị trường nhập khẩu”, ông Nam nhấn mạnh.
Do đó, các giải pháp được đề cập tới bao gồm: hành động của vùng trồng vùng nuôi, hành động của doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến, hành động của các hiệp hội, ngành hàng và hành động của cơ quan quản lý trung ương và cơ quan quản lý địa phương.
Các chuyên gia đều nhận định, trong thời gian tới, cần có sự nỗ lực phối hợp giữa các cơ quan ban ngành địa phương và trung ương cũng như các hiệp hội ngành hàng trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến hoạt động đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, tuân thủ quy định của các thị trường, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm...
Sáng 18/9, UBND huyện Bình Sơn tổ chức Hội nghị khởi động dự án Bảo vệ, khai thác và phát triển rong mơ khu vực các xã ven bờ biển huyện Bình Sơn, gắn với sinh kế bền vững cho cộng đồng do chương trình phát triển Liên hợp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP) tài trợ.