Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 2 tháng 7 năm 2023 | 15:36

Gần 100 triệu đồng hỗ trợ hai hộ nuôi cá tầm ở Bắc Quang

UBND huyện Bắc Quang (Hà Giang) hỗ trợ gần 100 triệu đồng cho 2 hộ nuôi cá tầm trên địa bàn thôn Nậm An, xã Tân Thành bị thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cụ thể, đêm 28 và ngày 29/6, trên địa bàn thôn Nậm An, xã Tân Thành, huyện Bắc Quang (Hà Giang), xảy ra mưa to kèm theo lũ ống gây sạt taluy dương khiến đất, đá trượt xuống mương dẫn nước làm nước tràn vào 7 bể ương cá giống, 2 bể nuôi cá thương phẩm của hộ ông Triệu Chàn Loàng, gây thiệt hại gần 4,5 tấn cá các loại.

Còn hộ gia đình ông Phạm Văn Nhiêu, cùng trên địa bàn, cũng bị lũ ống tràn qua, làm thiệt hại 65 bể ương cá giống, 10 bể nuôi cá thương phẩm, trong đó, 30 bể bị đất, đá vùi lấp hoàn toàn; ước thiệt hại trên 25.000 cá giống và 3.000 cá thương phẩm.

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Bắc Quang đã trực tiếp xuống hiện trường nắm bắt tình hình, kiểm tra, xác minh, xác định mức độ thiệt hại.

65 bể ương cá tầm của hộ ông Phạm Văn Nhiêu bị thiệt hại do thiên tai.

Trên cơ sở đó, hướng dẫn 2 hộ dân lập hồ sơ để đề xuất cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp khi bị thiên tai theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP, ngày 9/1/2017 của Chính phủ và Quyết định 806/QĐ-UBND, ngày 10.5.2017 của UBND tỉnh.

Hiện nay, UBND huyện Bắc Quang có chủ trương hỗ trợ 97 triệu đồng từ nguồn dự phòng ngân sách huyện cho 2 hộ trên; trong đó, hỗ trợ con giống (cá Tầm) để khôi phục sản xuất (48 triệu đồng) và hỗ trợ thức ăn công nghiệp (cám viên nổi) phục vụ chăn nuôi (49 triệu đồng).

Sạt lở vùi lấp nhiều diện tích lúa mới cấy của người dân xã Quảng Ngần (Vị Xuyên)

* Trên địa bàn huyện Vị Xuyên (Hà Giang) cũng bị ảnh hưởng do mưa lũ và làm hư hại 9 ngôi nhà do bị ngập và đất đá tràn qua; hư hỏng 10 tủ lạnh, 3 máy giặt, 2 máy tính, 2 thuyền máy và nhiều vật dụng sinh hoạt khác; trên 21 ha lúa mới cấy và gần 1 ha rau màu bị thiệt hại do ngập; 3 con trâu, 10 con lợn và gần 400 con gia cầm bị sét đánh chết; 4,8 ha ao cá bị thiệt hại do nước tràn qua.

Sạt lở đất đá gây thiệt hại nhà dân tại xã Kim Thạch  (Vị Xuyên)

Nhiều tuyến đường bị sạt lở, gây nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông. Ước tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra trên 2 tỷ đồng. Ngay khi có thiên tai xảy ra, các địa phương huy động lực lượng với phương châm "4 tại chỗ" hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại một số khu vực sạt lở, di dời một số hộ dân đến nơi an toàn.

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2030.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm giảm thiệt hại về tính mạng, tài sản cho người dân, bảo vệ những thành quả phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, hướng đến phát triển bền vững. Toàn tỉnh phấn đấu, giảm tối thiểu 10% thiệt hại về người so với giai đoạn 2010-2020. 100% cơ quan, tổ chức và hộ gia đình vùng bị ảnh hưởng của thiên tai được tiếp cận đầy đủ, kịp thời thông tin về thiên tai.

Nâng cao năng lực của lực lượng tham mưu hỗ trợ chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. 100% lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức và trang thiết bị cần thiết. Hoàn thành sửa chữa, nâng cấp hồ, đập thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp. Hạn chế người dân sống trong khu vực thường xuyên xảy ra mưa lũ, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Hà Giang sẽ tập trung: Rà soát, kiện toàn cơ quan quản lý và tham mưu chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai các cấp, đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Đầu tư nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, nhất là hệ thống cung cấp thông tin dữ liệu, cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ tham mưu chỉ đạo PCTT và TKCN cấp tỉnh để từng bước kết nối trực tuyến với cơ quan phòng chống thiên tai trung ương. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở.

Thực hiện lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; thực hiện tốt Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh. Đồng thời tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai; lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào các chương trình, hoạt động của các cấp, đoàn thể tại địa phương.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top