Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 9 tháng 11 năm 2023 | 22:31

Giá điện tăng không tác động nhiều đến người nghèo, người yếu thế

Tại buổi trao đổi thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện, đại diện Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các cơ quan chức năng đã làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến: căn cứ, cơ sở điều chỉnh giá điện; tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện đến các nhóm khách hàng cụ thể; kế hoạch của EVN trong bảo đảm cung ứng điện năm 2024…

Đại diện Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan chức năng đã làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến điều chỉnh tăng giá điện - Ảnh: VGP/Thu Cúc

Chiều 9/11, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức buổi trao đổi thông tin về việc điều chỉnh giá điện.

Theo đó, từ ngày 9/11, giá bán lẻ điện bình quân là 2006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Các cơ sở để điều chỉnh giá điện

Trả lời câu hỏi của phóng viên về cơ sở nào để thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ điện tại thời điểm này, trong khi giá bán lẻ điện vừa được điều chỉnh vào tháng 5/2023, ông Nguyễn Đình Phước – Kế toán trưởng EVN cho biết, việc điều chỉnh này có cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn cụ thể.

Về cơ sở chính trị, đó là triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có yêu cầu: "áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng" và "xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định".

Về cơ sở pháp lý, việc điều chỉnh giá bán lẻ của EVN được thực hiện theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Tại Khoản 5 điều 3 Quyết định 24/2017/QĐ-TTg quy định: "Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất" và Khoản 2 điều 3 "Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành".

Về cơ sở thực tiễn, năm 2023, cơ cấu nguồn thuỷ điện giảm mạnh so với năm 2022 (dự kiến giảm 16,9 tỷ kWh, được thay thế bằng các nguồn nhiệt điện than, khí, dầu) do hiện tượng El Nino gây nắng nóng kéo dài.

Bên cạnh đó, giá các loại nhiên liệu đầu vào cho các nhà máy điện tăng và vẫn duy trì ở mức cao: Giá than nhập khẩu NewC Index dự kiến năm 2023 tăng 186% so với 2020 và 25% so với năm 2021. Mức tăng giá than pha trộn bình quân của TKV dự kiến năm 2023 là từ 29,6% đến 46,0% (tuỳ từng chủng loại than) so với giá than áp dụng năm 2021. Mức tăng giá than pha trộn bình quân dự kiến năm 2023 của Tổng công ty Đông Bắc hiện hành là từ 40,6% đến 49,8% (tuỳ từng chủng loại than) so với giá than áp dụng năm 2021. Giá dầu thô Brent dự kiến năm 2023 tăng 100% so với giá dầu thô Brent bình quân năm 2020 và tăng 18% so với năm 2021…

Ông Nguyễn Đình Phước thông tin thêm, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh gần nhất từ ngày 4/5/2023, đến nay đã đủ 6 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất. Trong thời gian này, giá các loại nhiên liệu vẫn ở mức cao, cơ cấu sản lượng biến động theo hướng bất lợi.

Giá điện tăng không tác động nhiều đến người nghèo, người yếu thế - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đình Phước – Kế toán trưởng EVN nêu các căn cứ, cơ sở của việc điều chỉnh tăng giá điện lần này - Ảnh: VGP/Thu Cúc

"Tuy giá bán lẻ điện đã được điều chỉnh tăng 3% từ ngày 4/5/2023 nhưng điều này cũng chỉ giải quyết được một phần khó khăn về tài chính và EVN vẫn phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cân bằng tài chính nên việc xem xét điều chỉnh giá điện là phù hợp theo quy định Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg", ông Nguyễn Đình Phước nhấn mạnh.

Giá điện tăng không tác động nhiều đến người nghèo, người yếu thế

Trước câu hỏi về những đối tượng bị tác động khi tăng giá điện như người nghèo, yếu thế, người sản xuất kinh doanh; chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các đối tượng này thế nào, Trưởng ban Kinh doanh của EVN Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, việc tăng giá, tác động tới các doanh nghiệp sản xuất là khác nhau, tùy thuộc vào hành vi sử dụng điện của khách hàng (trường hợp khách hàng sử dụng nhiều điện trong giờ cao điểm thì mức tiền điện phải trả sẽ cao hơn so với khách hàng sử dụng điện chủ yếu trong giờ bình thường và thấp điểm) và tỷ lệ chi phí tiền điện trong tổng chi phí giá thành của các doanh nghiệp.

Giá điện tăng không tác động nhiều đến người nghèo, người yếu thế - Ảnh 2.

Trưởng ban Kinh doanh của EVN Nguyễn Quốc Dũng thông tin về tác động của tăng giá điện đến từng đối tượng khách hàng - Ảnh: VGP/Thu Cúc

Theo số liệu 9 tháng năm 2023 có 1.909 nghìn hộ sản xuất, với mức tăng giá điện 4,5% thì bình quân mỗi tháng mỗi hộ sản xuất phải trả 10,5 triệu đồng/tháng, tăng thêm là 432.000 đồng/tháng.

Riêng đối với các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội sẽ thực hiện theo chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội, tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Theo đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hằng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hằng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Năm 2022 có trên 1,27 triệu hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện.

Như vậy, theo ông Nguyễn Quốc Dũng, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Theo số liệu thống kê, năm 2022 cả nước có trên 1,27 triệu hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ.

Giá điện thay đổi theo từng nhóm khách hàng như thế nào?

Về tác động đến từng đối tượng khách hàng cụ thể, ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết, căn cứ theo số liệu thống kê về khách hàng sử dụng điện trong 9 tháng đầu năm 2023 thì việc tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 2006,79 đ/kWh được tính toán sẽ tác động đến các nhóm đối tượng khách hàng như sau:

Khách hàng kinh doanh dịch vụ có 547 nghìn khách hàng, bình quân mỗi tháng khách hàng kinh doanh trả tiền điện 5,1 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả thêm là 230.000 đồng/tháng.

Khách hàng sản xuất có 1.909 nghìn khách hàng; bình quân mỗi tháng mỗi hộ sản xuất trả tiền điện 10,1 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả thêm là 432.000 đồng/tháng.

Khách hàng hành chính sự nghiệp có 681 nghìn khách hàng; bình quân mỗi tháng mỗi khách hàng hành chính sự nghiệp trả tiền điện 1.922 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả tăng thêm là 90.000 đồng/tháng.

Với nhóm khách hàng sinh hoạt, tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 3.900 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện dưới 50 kWh 9 tháng đầu năm 2023 là 3,12 triệu hộ, chiếm 11,14% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 7.900 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện từ 51-100 kWh toàn EVN 9T/2023 là 4,24 triệu hộ, chiếm 15,15% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng là 17.200 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện từ 101-200 kWh toàn EVN 9T/2023 là 9,54 triệu hộ, chiếm 34,08% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt), đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng là 28.900 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 201-300 kWh toàn EVN 9T/2023 là 5,22 triệu hộ, chiếm 18,64% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng là 42.000 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 301-400 kWh toàn EVN 9T/2023 là 2,5 triệu hộ, chiếm 9,16% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Quyết liệt các giải pháp bảo đảm cung ứng điện cho năm 2024

Trao đổi về các giải pháp bảo đảm nguồn điện ổn định phục vụ sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm 2023 và 2024, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn EVN Võ Quang Lâm cho biết, để chuẩn bị cho việc cung cấp điện năm 2024, trên tinh thần nghiêm túc rút ra các bài học kinh nghiệm sau những khó khăn về cung cấp điện của mùa khô năm 2023 và khắc phục các tồn tại, hạn chế; với tinh thần chủ động, quyết liệt cao, EVN đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Đại diện EVN cho biết, việc huy động nguồn điện phải được tối ưu hóa, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc để đảm bảo tích nước các hồ thủy điện lên mực nước cao nhất vào cuối năm 2023 để chuẩn bị cho phát điện mùa khô năm 2024.

Đến cuối năm 2023, Tập đoàn và các đơn vị thành viên sẽ cơ bản hoàn thành công tác bảo dưỡng sửa chữa các tổ máy, sẵn sàng cho phát điện mùa khô 2024.

Trong tháng 10 vừa qua, EVN đã ký biên bản thống nhất với Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc để đảm bảo cung cấp đủ than theo nhu cầu huy động các nhà máy điện của EVN và các Tổng Công ty phát điện, tất cả vì mục tiêu chung, vì lợi ích quốc gia dân tộc theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. EVN cũng đã chủ động làm việc với PVN/PVGas để có phương án tăng thêm lượng khí cấp bù thêm cho các nhà máy điện khí khu vực Đông Nam Bộ trong năm 2024.

Bên cạnh đó, EVN cũng đã chỉ đạo Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia tập trung tối đa nguồn lực để khẩn trương triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các đường dây 500kV từ Quảng Trạch đến Phố Nối, phấn đấu khởi công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường dây 500 kV NMNĐ Nam Định I – Thanh Hóa. EVN đang khẩn trương triển khai các bước tiếp theo để khởi công đồng loạt các gói thầu của các dự án trong tháng 11-12/2023.

"Với nhiều biện pháp đồng bộ đã và đang được triển khai như trên, với sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ và các Bộ, ngành, EVN và các đơn vị thành viên sẽ quyết tâm, cố gắng nỗ lực cao nhất để đáp ứng yêu cầu cung cấp điện năm 2024 phục vụ kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân", Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm khẳng định.

 

 

Đình Hải - Thu Cúc/Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Top