Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 8 tháng 10 năm 2022 | 19:43

Giá lương thực toàn cầu liên tục hạ nhiệt

Giá lương thực thế giới trong tháng 9 giảm tháng thứ sáu liên tiếp, sau khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng 3.

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, chỉ số giá lương thực tháng 9 đạt trung bình 136,3 điểm, giảm 1,1% so với tháng trước. Đây là lần giảm thứ sáu liên tiếp kể từ mốc cao kỷ lục 159,7 điểm hồi tháng Ba. Tuy nhiên, mức ghi nhận trong tháng 9 này vẫn cao hơn 5,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Nguyên nhân khiến rổ hàng hoá hạ nhiệt là giá dầu thực vật giảm 6,6% so với tháng trước nhờ nguồn cung tăng và giá dầu thô giảm. Bên cạnh đó, giá đường, sữa, thịt cũng giảm nhẹ, làm giảm áp lực lạm phát. Ngược lại, giá ngũ cốc có chiều hướng tăng trở lại do lo ngại tình hình khô hạn, lũ lụt, gián đoạn chuỗi cung ứng trước xung đột Nga - Ukraine...

Ảnh minh họa

Những yếu tố này khiến FAO tiếp tục hạ dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong năm nay xuống còn 2,768 tỷ tấn. Con số này thấp hơn 1,7% so với sản lượng ước tính cho năm 2021.

Bên cạnh đó, FAO cũng cho biết, 45 quốc gia trên thế giới đang cần hỗ trợ lương thực. Trong đó có 33 nước ở châu Phi, 9 nước ở châu Á, 2 nước ở châu Mỹ Latinh và Caribe, 1 nước ở châu Âu, đang cần hỗ trợ lương thực.

Hồi tháng 2 và 3, giá lương thực tăng trong tháng 2 và 3 do lo ngại xuất khẩu sẽ bị gián đoạn do xung đột Nga - Ukraine. Đây là những cường quốc về nông nghiệp. Họ lần lượt là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất và thứ năm thế giới; đồng thời là hai nhà xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất.

Khi ấy, nỗi lo về tình trạng thiếu hụt lương thực kéo dài, làm giảm dự trữ ngũ cốc và gây ra nạn đói hàng loạt sẽ tăng lên. Dù vậy, giá sau đó dần hạ nhiệt, do kịch bản tồi tệ đã không diễn ra.

 

Đức Minh (theo Reuters)

 

Ý kiến bạn đọc
Top