Ngày 7/5, HĐND tỉnh Phú Yên tổ chức phiên giải trình về những bất cập, vướng mắc, khó khăn trong quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Còn nhiều hạn chế trong quản lý nhà nước về khoáng sản
Theo UBND tỉnh Phú Yên, thời gian gần đây, số lượng các mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng được phát hiện, đưa vào quy hoạch, tổ chức thăm dò, cấp phép khai thác và sử dụng tăng lên theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tập trung chủ yếu vẫn là các khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như cát, đá, đất san lấp và đất sét sản xuất gạch ngói. Đến nay, tỉnh đã phê duyệt 9 phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản; đã tổ chức 11 đợt đấu giá và đã đấu giá thành công, công nhận kết quả trúng đấu giá 41 mỏ. Hiện cơ quan chức năng đang trong quá trình thực hiện các thủ tục để được cấp phép đối với 32 mỏ, có 9 mỏ bị hủy kết quả đấu giá. Đáng chú ý có 2 mỏ đã có chủ trương đầu tư; 11 mỏ đã phê duyệt trữ lượng, đang trình hồ sơ chủ trương; 6 mỏ đang thẩm định hồ sơ phê duyệt trữ lượng; 5 mỏ đang triển khai đề án thăm dò để lập hồ sơ phê duyệt trữ lượng; 8 mỏ đang trong quá trình thẩm định để cấp phép thăm dò.
Bà Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên phát biểu
Toàn tỉnh có 43 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó có 8 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, 35 giấy phép UBND tỉnh cấp. Tổng số giấy phép khai thác đã và đang triển khai là 34 giấy phép. Có 14 mỏ đang làm hồ sơ đóng cửa mỏ và 15 giấy phép hết hạn đã có quyết định đóng cửa mỏ.
Qua thanh tra, kiểm tra, từ năm 2021 - 2023, Chủ tịch UBND tỉnh và Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với 15 tổ chức, với tổng số tiền xử phạt gần 2,3 tỷ đồng. Trong đó, một số trường hợp áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động khai thác, tước quyền sử dụng giấy phép; 2 trường hợp chuyển cơ quan chức năng để điều tra, xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Toàn cảnh phiên giải trình
Các đại biểu HĐND tỉnh Phú Yên phản ánh nhiều vấn đề hiện nay về hoạt động khai thác khoáng sản như: khai thác ngoài khu vực cho phép, vận chuyển cát ra bán ngoài địa bàn tỉnh; khai thác khoáng sản ngoài thời gian quy định, quá trữ lượng cho phép; xe vận chuyển cát làm rơi vãi ra mặt đường ảnh hưởng trực tiếp đến mặt đường giao thông, phát sinh bụi bẩn, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hằng ngày của người dân; có hiện tượng “móc nối” giữa cán bộ với doanh nghiệp để khai thác khoáng sản sai quy định…
Khai thác khoáng sản gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp
Tại phiên giải trình, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình về việc các đơn vị vi phạm khai thác ngoài vị trí được cấp phép, khai thác vượt trữ lượng cấp phép hoặc khai thác mà không có giấy phép làm ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái, làm thay đổi dòng chảy, có thể gây sạt lở hai bên bờ sông, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của bàn con nông dân.
Ông Hoàn cũng đề nghị làm rõ bên cạnh việc xử phạt vi phạm thì cơ quan quản lý có giải pháp nào để khắc phục những hệ luỵ trên; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải phục hồi môi trường như thế nào đối với các mỏ dừng khai thác nhưng trữ lượng khai thác vượt mức cho phép?
Ông Nguyễn Thái Hoà, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên giải trình
Giải trình về vấn đề này, ông Nguyễn Thái Hoà, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên cho biết: Thời gian qua, lợi dụng tình hình vật liệu xây dựng khan hiếm và vì lợi nhuận, có trường hợp doanh nghiệp bất chấp quy định pháp luật đã khai thác ngoài vị trí được cấp phép, khai thác vượt công suất... Việc này đến nay đã được các cơ quan chức năng và chính quyên địa phương tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện và xử lý.
Đối với hành vi khai thác khoáng sản vượt ra ngoài phạm vi cấp phép, khai thác vượt công suất, ngoài việc xử lý vi phạm hành chính, tùy theo mức độ, tần suất vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tước giấy phép hoạt động khai thác; bị đình chỉ hoạt động khai thác, buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm. Trường hợp vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh chuyển 2 trường hợp sang cơ quan điều tra để xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có) do khai thác vượt trữ lượng.
Đế kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm trong khai thác khoáng sản nói chung và tình trạng khai thác ra ngoài vị trí được cấp phép, trong thời gian đến, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị chính quyền các địa phương cần tổ chức tuyên truyền quy định pháp luật, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tại các mỏ khoáng sản được cấp phép trên địa bàn quản lý; đồng thời Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành chức năng, tổ công tác liên ngành, tổ kiểm tra liên ngành tăng cường các biện pháp để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Đối với mỏ khoáng sản đã dừng khai thác nhưng trữ lượng khai thác vượt mức cho phép thì tổ chức, cá nhân khai thác phải thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác và đưa khu vực khai thác vượt trữ lượng về trạng thái an toàn; đồng thời buộc phải nộp lại số tiền bằng giá trị tang vật là khoáng sản có được do thực hiện hành vi vi phạm trữ lượng khoáng sản khai thác vượt công suất cho phép.
Tại buổi giải trình, bà Phan Thị Hà Phước, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Phú Yên đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết đến thời điểm hiện nay, có bao nhiêu doanh nghiệp chưa tiến hành lắp đặt trạm cân, camera; bao nhiêu doanh nghiệp đã tiến hành lắp đặt trạm cân, camera; bao nhiêu doanh nghiệp đã đưa vào vận hành và kết nối dữ liệu với các cơ quan đế giám sát? Giải pháp nào để 100% doanh nghiệp phải lắp đặt trạm cân, camera theo đúng quy định để phục vụ cho công tác quản lý, giám sát?
Ông Nguyễn Thái Hoà cho hay, đến nay, có 33 mỏ được cấp phép đã thuê đất để tiến hành khai thác khoáng sản, trong đó có 29 mỏ đã lắp đặt trạm cân và camera giám sát, truyền dữ liệu kết nối về hệ thống lưu trữ, giám sát của Sở Tài nguyên và Môi trường; có 4 mỏ chưa lắp đặt trạm cân và camera giám sát. Để các doanh nghiệp phải lắp đặt trạm cân, camera giám sát theo đúng quy định phục vụ công tác quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp cùng các sở ngành, địa phương tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra các mỏ khai thác khoáng sản, xử lý nghiêm các trường hợp mỏ hoạt động khai thác mà không lắp đặt trạm cân, camera giám sát, hoặc có lắp đặt mà không hoạt động, né tránh việc quản lý, giám sát của cơ quan chức năng. Các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác trên địa bàn quản lý, trong đó có việc vận hành hoạt động của trạm cân và camera tại các mỏ.
Kết luận phiên giải trình, bà Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chấn chỉnh, khắc phục những, tồn tại, hạn chế về quy hoạch, quản lý thăm dò, khai thác khoáng sản trong thời gian qua. Chỉ đạo ngành Thuế tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát, truy thu các loại thuế, phí đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản vi phạm; xử lý nghiêm các doanh nghiệp kê khai thiếu trung thực, gian lận, làm thất thu ngân sách nhà nước; xử lý theo quy định đối với hoạt động mua bán, tạo hóa đơn giả/hóa đơn khống trong đầu tư xây dựng, mua bán, vận chuyển và khai thác khoáng sản; kiên quyết thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản của chủ đầu tư vi phạm… |