Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 18 tháng 12 năm 2023 | 14:43

Gieo đam mê vào gỗ tạp, mở hướng làm giàu

Không phải nghệ nhân, chưa từng qua lớp học nghề chế tác đồ thủ công mỹ nghệ, chuyên đi chặt cây, vác gỗ thuê kiếm sống, Phạm Văn Thế ở Xuân Giao (Bảo Thắng - Lào Cai) đã mở xưởng sản xuất chế tác đồ dùng từ gỗ tạp, xuất sang nhiều nước trên thế giới, tạo ra nghề mới cho quê hương.

Âm thầm theo đuổi đam mê

Trong khu xưởng rền vang tiếng máy xẻ, máy cắt, máy mài, Phạm Văn Thế cần mẫn, chăm chú gọt chiếc bát gỗ tròn vạnh, bỏ vào khu thành phẩm rồi mới chậm rãi đi ra ngoài. Thật khó mà phân biệt được đâu là chủ cơ sở, đâu là thợ, người làm thuê. Dường như, Thế đã đam mê bằng cả tâm hồn và sức lực của mình. Những vật dụng be bé, nhẵn nhụi, xinh xắn như: bát, đũa, khay, muôi, thìa... được đúc ra từ ruột khúc gỗ nhãn sù sì trở nên tinh xảo như những tác phẩm nghệ thuật. Hơn chục năm nay, chính những đồ vật ấy đã ngấm vào anh, thôi thúc anh không ngừng tìm bằng được cách tạo ra nó.

Chủ cơ sở Phạm Văn Thế giới thiệu những mẫu mã sản phẩm được khách nước ngoài ưa chuộng.

Kể chuyện về chữ “duyên” với nghề, anh cười: “Hơn chục năm trước, vừa rời ghế nhà trường, tôi đã chọn đi làm kiếm tiền bằng cách chặt cây thuê. Bà con làng trên xóm dưới, ai cần chặt bỏ cây gỗ tạp, dọn vườn thường gọi cho tôi. Dù tiền công không nhiều, lại vất vả nhưng tiếp xúc, vận chuyển những thân gỗ nhãn, vải, gỗ mít... già cỗi lâu năm, tôi không ngại gì cả. Có lần đi hội chợ,  bắt gặp gian hàng bày bán nhiều đồ dùng nhà bếp làm bằng gỗ, tôi cứ đứng tần ngần ngắm nghía mãi. Nhất là khi thấy chủ cửa hàng giới thiệu nó được làm bằng các loại gỗ tạp như nhãn, mít, quế... hàng ngày tôi vẫn chặt làm củi. Cái sự “thích” nó cứ ngấm dần vào tôi ngày một nhiều, kể cả khi đã chuyển sang những công việc khác”.

Cơ sở sản xuất vừa đào tạo nghề vừa giúp hàng chục lao động địa phương có thu nhập ổn định.

Có một thời gian, Thế đầu tư làm phân chuồng. Anh bỏ tiền xây cho các hộ chăn nuôi hố chứa phân lợn, trâu... để thu mua về ủ làm phân chuồng bán cho các trang trại, hộ trồng lan ở Sa Pa. Có thu nhập, anh lại mày mò, tìm hiểu về cách làm các sản phẩm gỗ, đến nhà dân mua từng cây gỗ về làm thử.

Khó khăn nhất là đầu tư thiết bị máy móc như: máy cưa, máy xẻ, khoan, đục, mài, soi, tua bin..., mỗi loại có giá vài chục triệu đồng. Chưa kể, những chi tiết đi kèm với máy phải mua riêng như mũi khoan hợp kim giá 1-2 triệu đồng/mũi, một bộ có số lượng vài chục mũi. Để có nhiều tiền đầu tư, Thế chuyển sang sản xuất than củi. Từ am hiểu về gỗ, anh dễ dàng lựa chọn được nguyên liệu sản xuất. Với gỗ nhãn, thân để làm sản phẩm thủ công, cành và gỗ loại, sản phẩm lỗi, hỏng dùng làm than củi. Mỗi tháng, cơ sở của anh sản xuất khoảng 100 tấn than củi. Với giá bán trung bình 8.000 đồng/kg, anh thu về gần 1 tỷ đồng. Thế tiếp tục mạnh dạn đầu tư sản xuất các sản phẩm dụng cụ nhà bếp bằng gỗ.

Làm chơi, thu ngoại tệ

Nhiều năm tự học, Thế không chỉ thành thục các khâu kỹ thuật, mỗi chất liệu gỗ khác nhau cho ra những sản phẩm chất lượng khác nhau như thế nào, mà còn biết rõ xu hướng sử dụng sản phẩm từ chất liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường của người tiêu dùng nước ngoài. Đến nay, Thế không chỉ thành công trong việc tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có chỗ đứng trên thị trường mà cơ sở sản xuất còn thu hút nhiều hộ quanh vùng đến tham gia sản xuất. Thế vừa là chủ cơ sở kinh doanh tạo thu nhập ổn định cho 10-20 lao động địa phương với mức thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng, vừa là thợ cả đào tạo nghề, nhẫn nại, tỉ mỉ hướng dẫn cho bà con nâng cao tay nghề trong mọi công đoạn sản xuất.

Cùng với sản phẩm gỗ xuất khẩu, cơ sở của Phạm Văn Thế còn cung cấp cho thị trường 100 tấn than củi mỗi tháng.

Từ những sản phẩm đầu tiên chào hàng mãi không ai mua cho đến lúc được khách hàng nước ngoài biết đến, Thế bỏ không biết bao nhiêu tâm huyết và vốn liếng. Đến nay, cơ sở sản xuất của anh đã tạo ra hàng nghìn sản phẩm đạt chất lượng cao được nhiều nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU... đặt hàng. Trung bình, mỗi năm khoảng 400.000 sản phẩm các loại được xuất bán với giá 8.000-10.000 đồng/sản phẩm.

Anh lý giải về sản phẩm xuất ngoại thành công và nhanh chóng được khách hàng ưa chuộng: “Từ nhiều loại gỗ tạp có sẵn ở địa phương, tôi chọn loại gỗ nhãn vừa chắc gỗ, vừa dễ sơn. Giờ tôi có thể tự tính toán công thức, sáng tạo ra đa dạng các mẫu mã, sản phẩm từ thô mộc cho đến tinh xảo. Đội ngũ thợ cũng phải lành nghề để cho ra sản phẩm chuẩn, đồng đều. Các công đoạn xử lý kỹ thuật theo cách an toàn sinh học, ví như công đoạn cuối cùng phun sơn, phải pha sơn bằng dầu thông chứ không phải dầu sơn mài thông thường, đảm bảo thông số an toàn. Mỗi ngày sơn một nước, sau 7 ngày đủ 7 nước sơn, sản phẩm trở nên bóng đẹp và thân thiện với môi trường. Khâu kiểm duyệt của khách hàng nước ngoài rất khắt khe, chỉ cần họ phát hiện lỗi rất nhỏ từ gỗ, nước sơn, lỗ khoan... trên một sản phẩm là trả về cả một công hàng. May mắn là cơ sở của tôi hiếm khi để xảy ra việc này”.

Phạm Văn Thế cho rằng, những thành quả đạt được chỉ là bước khởi đầu để anh tự tin đưa sản phẩm ra thị trường một cách chuyên nghiệp hơn, xây dựng khu sản xuất quy mô, hiện đại hơn..., trở thành điểm tựa cho nhiều người dân địa phương.

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
Top