“IUU” là những hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp (illegal), không có báo cáo (unreported) và không được quản lý (unregulated). Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển, các hành vi này đều bị nghiêm cấm. Muốn gỡ "thẻ vàng", chúng ta cần xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài..
Còn vi phạm nếu người dân chưa ý thức được trách nhiệm của mình
Việt Nam có bờ biển chạy dọc theo chiều dài của đất nước, miền Trung có nhiều địa phương nằm sát biển, do đó, nghề đánh bắt hải sản là một trong những nghề chính của người dân đã có từ lâu đời. Do đó, ý thức khai thác hải sản của bà con phần nào chưa theo kịp đến sự phát triển của đất nước, đôi khi không tuân thủ theo các quy định khi nước ta đã hội nhập sâu với quốc tế, dẫn đến việc coi thường và xem nhẹ.
Người dân còn không có ý thức thì còn vi phạm
Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã chú trọng việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu cá, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ về chống khai thác IUU.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 3.544 tàu cá từ 6m trở lên đã thực hiện đăng ký, đạt 94,7%; 3.443 tàu cá được cấp phép, 1.372 tàu cá đã thực hiện đăng kiểm và 1.128 tàu cá từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 94,8%.
Mặc dù lực lượng chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân nhằm ngăn chặn triệt để hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định để nỗ lực cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC). Nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, vẫn phát hiện lập biên bản xử phát 31 trường hợp tàu cá vi phạm với số tiền xử phạt trên 630 triệu đồng.
Theo nhận định chung, để nhanh chóng góp phần gỡ “thẻ vàng” IUU, tỉnh Quảng Bình cần đầu tư nhân lực, phương tiện để có lực lượng đủ mạnh nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chống khai thác bất hợp pháp, giữ gìn an ninh trật tự trên vùng biển.
Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng cho biết, từ tháng 10/2022 đến nay vẫn còn 27 tàu cá, 132 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ xử lý. Từ đầu năm 2023 đến nay, các vụ vi phạm có giảm 20% so với cùng kỳ 2022 song tình trạng này vẫn tương đối phức tạp. Công tác thực thi pháp luật, điều tra, xử phạt các hành vi khai thác IUU triển khai chưa thật sự quyết liệt.
Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần nêu cao vai trò, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động và có những giải pháp ở để ngư dân nhận thức vấn đề và không khai thác ở vùng biển nước ngoài ; bên cạnh đó là kết hợp với việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên biển.
Tuy nhiên, chỉ giáo dục, tuyên truyền và áp dụng những quy định hiện hành để xử lý là chưa đủ, mà cần phải có những chế tài xử lý vi phạm mạnh tay hơn. Đồng thời không ai hết chính ngư dân, các chủ tàu đánh cá tự bản thân phải nhận thức được việc đánh bắt vi phạm các quy định IUU là rất quan trọng, không những làm giảm sự bền vững của thủy sản trên biển, giảm sự bền vững của môi trường biển mà còn làm ảnh hưởng đến kinh tế, cuộc sống của tất cả ngư dân Việt Nam chúng ta. Bên cảnh đó còn làm cho hình ảnh hưởng rất lớn đến các hiệp định thương mại giữa nước ta với các nước khác trên thế giới. Nói tóm lại sẽ ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống của bà con ngư dân, kinh tế của Việt Nam và hình ảnh của chúng ta đối với các nước trên thế giới.
Do đó, không ai có thể gỡ bỏ “thẻ vàng” nhanh nhất bằng chính ngư dân chúng ta trên cơ sở kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng có thẩm quyền và các quy định của pháp luật.
Cương quyết xử lý vi phạm
Trả lời chất vấn của ĐBQH tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều ngày 15/8 của Phiên họp thứ 25 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, liệu Việt Nam có thể gỡ "thẻ vàng" IUU trong tháng 10 tới hay không? Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan khẳng định: “Mục tiêu cuối cùng là giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển. Nếu gỡ thẻ vàng nhưng tính bền vững không được đảm bảo thì sẽ bị áp dụng thẻ vàng khác”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lới chất vấn của các đại biểu Quốc hội
Nêu lại nội dung cuộc làm việc với Cao ủy EU về vấn đề gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản của Việt Nam, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói: “Tôi nói lại một lần nữa khi tôi đối thoại với Cao ủy EU về vấn đề này, họ chất vấn tôi 2 câu. Một là, nếu chúng tôi không áp đặt thẻ vàng thì các ông còn dùng cường lực để khai thác làm kiệt quệ tài nguyên, lúc đó người Việt Nam thiệt thòi hay EU thiệt thòi. Hai là, các ông có thấy công bằng hay không khi người vi phạm với người không vi phạm đều như nhau".
Nhấn mạnh khó khăn từ chế tài chưa đủ mạnh, Bộ trưởng chia sẻ: “Chúng ta hay nghĩ rằng, người ta nghèo mà bây giờ phạt nặng quá, tội nghiệp người ta. Tôi hay nói rằng, chúng ta không biện minh nghèo với EU được nữa, họ cần chúng ta hành động để họ có thể chứng minh được là chúng ta có mức độ kiên quyết hơn. Gần 60% số trường hợp vi phạm, các chính quyền địa phương vẫn chưa xử lý”.
Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ chuyển cho Thủ tướng danh sách của các địa phương thường xuyên có những đội tàu vi phạm nhưng rất loay hoay trong xử lý.
“Cái cũ chúng ta chưa chịu xử lý, người ta nói là mình chưa có giải pháp thì cái mới người ta cũng không có niềm tin là chúng ta có thay đổi”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Điều này có thể thấy việc các tàu đánh bắt cá của ngư dân vi phạm các quy định của IUU là vẫn còn, nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng vẫn chưa mạnh tay xử lý, để ngư dân vẫn xem nhẹ và coi thường dẫn đến còn có những vụ vi phạm đánh bát cá không đúng quy định xảy ra.
Hai quốc gia trong khu vực ASEAN là Thái Lan, Philippines cũng bị “thẻ vàng” từ EC đã thực hiện những biện pháp cứng rắn, hướng tới khả năng đáp ứng bền vững các nhu cầu ngày một cao về tiêu chuẩn nguồn gốc, xuất xứ từ các thị trường “khó tính” nhất trên thế giới, thông qua định hướng chiến lược vĩ mô, khung pháp lý, chế tài nghiêm khắc cùng tiến trình áp dụng các công nghệ thông tin hiện đại.
Cuối cùng vào năm 2015, Philippines đã được EU gỡ “thẻ vàng”, từ đó tiếp tục xây dựng và triển khai những “bước tiến thần kỳ” cho ngành thủy hải sản, thậm chí đã nhận “thẻ xanh”. Năm 2019, EC tuyên bố gỡ “thẻ vàng”, thừa nhận những tiến bộ thực chất mà Thái Lan đạt được trong việc giải quyết các hoạt động đánh bắt cá IUU kể từ năm 2015.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, các quốc gia gỡ được “thẻ vàng” đã có những chế tài và biện pháp rất mạnh mẽ để xử lý đối với các tài đánh bắt cá vi phạm các quy định IUU và so sánh giữa biện pháp xử lý của các nước khác với các biện pháp xử lý như của Việt Nam đó là: “Biện pháp họ làm rất mạnh, đánh đắm luôn những tàu vi phạm giữa biển khơi chứ không phải là phạt như chúng ta”.
Điều này cho chúng ta thấy, mặc dù đã có những quy định của pháp luật nhưng xem ra các chế tài xử phạt vẫn chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe đối với các tù cá vi phạm, do đó, cần thiết phải mạnh tay hơn nữa trong xử phạt các tàu cá vi phạm này.
Phát biểu kết thúc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị điều tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Tiến hành truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; kiểm soát nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu, đặc biệt nhập khẩu bằng tàu container. Tập trung cao điểm xử lý các hành vi vi phạm IUU. Tiếp tục thông tin, truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, vận động cộng đồng ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan tuân thủ các quy định pháp luật về IUU.