Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 31 tháng 10 năm 2023 | 22:0

Gỡ vướng cho Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng

Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng là công trình đa mục tiêu. Khi đi vào hoạt động, sẽ góp phần giải quyết 1/3 nhu cầu thiếu nước của tỉnh Nghệ An và một phần cho tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, dự án đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Dự án quan trọng Quốc gia

Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư năm 2006, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt dự án đầu tư năm 2009 với tổng vốn đầu tư sau nhiều lần điều chỉnh hơn 5 nghìn tỷ đồng. Đây là dự án thủy lợi nhóm A, nằm trên địa bàn 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An .

Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 31/10.

Hồ Bản Mồng được xây dựng trên thượng nguồn sông Hiếu thuộc xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Lòng hồ rộng 25 km2, chủ yếu nằm tại huyện Quỳ Châu (Nghệ An) và một phần thuộc huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, sức chứa lên đến 225 triệu m3 nước. Khi dự án đi vào hoạt động, sẽ góp phần giải quyết 1/3 nhu cầu thiếu nước của tỉnh Nghệ An và một phần cho tỉnh Thanh Hóa.

Đây là công trình đa mục tiêu, cấp nước tưới cho gần 19.000 ha ven sông Hiếu, cấp nước cho sông Cả về mùa cạn với lưu lượng khoảng 22 m3/s và cho công nghiệp, dân sinh, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, công trình còn tham gia kết hợp phát điện với công suất 45MW, cải tạo môi trường, giảm một phần lũ cho vùng hạ du sông Hiếu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân Nguyễn Hữu Tuất báo cáo tại buổi làm việc với đoàn công tác

Tại Quyết định số 2464/QĐ-BNN-XD, ngày 27/6/2019, được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT bổ sung vào dự án hồ chứa nước Bản Mồng hợp phần bồi thường hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá.

Về quy mô hợp phần: Dự án thực hiện việc đầu tư xây dựng khu tái định cư 119 hộ dân với 430 nhân khẩu của bản Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân. Thực hiện việc hỗ trợ, đền bù đất đai, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc bị ảnh hưởng trong vùng lòng hồ và khu tái định cư, thực hiện công tác trồng rừng thay thế cho 586,45 ha.

Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa - Cao Văn Cường trao đổi về dự án Hồ chứa nước BẢn Mồng với đoàn công tác Bộ NN&PTNT.

Về kinh phí, dự kiến tổng mức đầu tư của hợp phần là 516,708 tỷ đồng, bao gồm 3 nội dung công việc chính là: Phần bồi thường, hỗ trợ nơi đi và nơi đến, đầu tư xây dựng tái định cư và trồng rừng thay thế.

Tháo gỡ khó khăn để sớm hoàn thành dự án

Ngày 31/10, đoàn công tác của Bộ NN& PTNT, do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn, đã làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa về tình hình thực hiện hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn huyện Như Xuân, thuộc Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng giai đoạn 1. Các dự án đầu tư bằng nguồn vốn của Bộ NN&PTNT trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Thứ trưởng Bộ NNPT&NT Nguyễn Hoàng Hiệp làm việc với tỉnh Thanh Hoá để gỡ vướng cho dự án Hồ chứa nước Bản Mồng trên địa bàn huyện Như Xuân

Hiện tại, dự án đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Đối với việc trồng rừng thay thế, hiện tỉnh Thanh Hóa không còn đủ quỹ đất để thực hiện trồng 1.651,05 ha rừng thay thế cho 586,45 ha rừng khu vực ngập lòng hồ (nơi đi), đã được Quốc hội chấp thuận chủ trương chuyển mục đích tại Nghị quyết số 135/2020/NQ14, ngày 17/11/2020.

Mặt khác, toàn bộ 586,45 ha rừng thuộc khu vực lòng hồ nếu chưa được quy hoạch là đất thủy lợi, thì chưa đáp ứng điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang thực hiện dự án theo quy định tại Điều 19, Luật Lâm nghiệp năm 2017 (việc chuyển mục đích sử dụng rừng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất).

Đối với việc hỗ trợ, đền bù và tái định cư, theo tiến độ hoàn thành dự án đến năm 2025 thì với quỹ thời gian còn 2 năm, rất khó để hoàn thành các công việc của hợp phần. Bên cạnh đó, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất như đề nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa. Vì vậy, chưa có cơ sở điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu đất thủy lợi để thực hiện dự án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá - Lê Đức Giang phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ NN&PTNT.

Sau khi nghe báo cáo và ý kiến thảo luận tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục cân đối diện tích, để di dân tái định cư cũng như diện tích để chặn dòng mở rộng lòng hồ theo thiết kế, sớm hoàn tất các thủ tục để ký thỏa thuận cân đối diện tích phục vụ dự án. Sau khi hoàn tất các hạng mục theo yêu cầu, Bộ sẽ có phương án báo cáo Chính phủ hoàn trả diện tích theo quy định. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa cân đối diện tích khoảng 200 ha trước ngày 15/11/2023 để chặn dòng thực hiện dự án.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở NN&PTNT phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, tính toán chi tiết diện tích cần phải bố trí để phục vụ dự án. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở NN&PTNT tổng hợp diện tích, báo cáo UBND tỉnh xem xét để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua và trình Bộ NN&PTNT.

Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, do Bộ NN&PTNT quản lý. Theo kế hoạch phân bổ vốn, giai đoạn 2010-2020 là hơn 3.490 tỷ đồng, 2021-2025 hơn 2.050 tỷ đồng, song mới bố trí được hơn 1.800 tỷ đồng, còn thiếu hơn 230 tỷ đồng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN&PTNT rà soát, cân đối trong phạm vi tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được giao, bố trí đủ số vốn hơn 230 tỷ đồng để hoàn thành dự án theo tiến độ vào năm 2025.

 

Lê Thức - Xuân Sơn
Ý kiến bạn đọc
Top