Qua 10 năm hoạt động, Quỹ Bảo vệ phát triển rừng (BVPTR) tỉnh Hà Giang đã góp phần không nhỏ huy động các nguồn lực xã hội để bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn, cải thiện đời sống nhân dân, khuyến khích bà con gắn bó với rừng.
Những năm đầu triển khai chính sách chi trả DVMTR, việc thu nộp tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) của các đơn vị sử dụng gặp nhiều khó khăn, do chưa hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm nên có nhiều đơn vị luôn chậm trả tiền DVMTR. Tuy nhiên, Quỹ BVPTR đã kiên trì vận động, tuyên truyền về quyền, nghĩa vụ trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR đến các đơn vị. Đồng thời, luôn đồng hành, chia sẻ cùng các đơn vị để tháo gỡ khó khăn về tài chính trong việc nộp tiền DVMTR.
Nhờ đó, các đơn vị có sử dụng DVMTR đã từng bước nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác BVPTR. Đến nay, Quỹ đã vận động, đàm phán, ký kết hợp đồng, tiếp nhận và quản lý các nguồn ủy thác của 47 cơ sở có sử dụng DVMTR trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Nhiều đơn vị sử dụng DVMTR đã ý thức và nghiêm túc, chủ động thực hiện chính sách chi trả DVMTR, tiêu biểu như: Công ty TNHH Sơn Lâm, Công ty CP Thủy điện Nậm Mu, Công ty CP Thủy điện Thanh Thủy, Công ty CP Thủy điện Thái An, Công ty CP Thủy điện Bát Đại Sơn, Công ty Điện lực Hà Giang, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước tỉnh và nhiều đơn vị khác.
Người dân thôn Khuổi Lòa, xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê (Hà Giang) trồng cây tại Vườn Quốc gia Du Già.
Ngoài ra, Quỹ đã tiếp nhận từ 20 đơn vị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nộp tiền trồng rừng thay thế. Tổng số tiền thu của Quỹ từ năm 2012 đến nay là 911,479 tỷ đồng; tiền chi thực hiện công tác BVPTR là 767,629 tỷ đồng.
Có thể khẳng định, 10 năm qua, việc triển khai chính sách chi trả DVMTR đã có tác động rất lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng trên phạm vi toàn tỉnh. Các chủ rừng đã có nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo để thực hiện quản lý, bảo vệ rừng được giao, khoán. Đồng thời, kịp phát hiện các trường hợp cố tình vi phạm Luật Lâm nghiệp và đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước tại các cộng đồng dân cư được thực hiện rất hiệu quả thông qua việc tổ chức quản lý bảo vệ rừng. Từ các giải pháp quản lý bảo vệ và phát triển rừng đồng bộ, cùng với sự vào cuộc của toàn xã hội, đã đưa diện tích rừng, độ che phủ và chất lượng rừng qua các năm được nâng lên, góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh.
Chính sách chi trả DVMTR góp phần giúp diện tích có rừng được nâng lên đáng kể, từ 437.227ha (năm 2013) lên 464.371ha (năm 2022), góp phần nâng cao độ che phủ rừng từ 54,31% (năm 2013) lên 58,58% (năm 2022), tăng 4,27%. Diện tích rừng tự nhiên tăng lên, tạo ra giá trị đa dạng về môi trường sinh thái và nguồn thu ngoài gỗ, góp phần tăng thu nhập cho nhân dân. Ngoài ra, từ nguồn tiền DVMTR và tiền trồng rừng thay thế, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Cán bộ Quỹ BVPTR tỉnh Hà Giang và lực lượng chức năng thu thập thông tin chủ rừng phục vụ rà soát, xác định diện tích rừng tại xã Chế Là (Xín Mần).
Nguồn tiền DVMTR đến nay cơ bản là nguồn chi trả chính cho công tác quản lý, BVPTR trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, người dân tham gia bảo vệ rừng có nguồn thu ổn định với trung bình mỗi hộ nhận hơn 510.000 đồng/năm, có một số hộ nhận 50 triệu đồng/năm; trung bình 1 cộng đồng dân cư nhận 35,5 triệu đồng/năm, có cộng đồng dân cư nhận tới gần 1,4 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, nguồn tiền DVMTR đã hỗ trợ đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, như: Hỗ trợ xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa, điểm trường, hệ thống thủy lợi với tổng số tiền 83,787 tỷ đồng, tương ứng khoảng 1.676 công trình; mua sắm dụng cụ, trang thiết bị sử dụng tại nhà văn hóa thôn/tổ dân phố với số tiền 7,497 tỷ đồng; cho người dân vay vốn phát triển kinh tế với số tiền 1,334 tỷ đồng.
Cùng với thu nhập khác, nguồn tiền DVMTR góp phần giúp người dân yên tâm gắn bó với rừng; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại nhiều địa bàn. Kết quả thực hiện các nội dung của chính sách cho thấy chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách chi trả DVMTR là phù hợp, đa dạng hóa các nguồn lực; góp phần thúc đẩy KT - XH, giảm nghèo và nâng cao độ che phủ rừng, cải tạo môi trường sinh thái. Người dân ngày càng tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đồng bào dân tộc tham gia trồng cây tại khu vực rừng đặc dụng xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê (Hà Giang).
Triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết số 16-NQ/TU/2021 của Đảng bộ tỉnh Hà Giang về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR tiếp tục được coi là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh Hà Giang.
Qua đó, huy động các nguồn lực xã hội để BVPTR, xã hội hóa nghề rừng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân trong bảo vệ và phát triển rừng; góp phần nâng cao chất lượng rừng và nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh, trật tự và môi trường sinh thái. Qua đó, Quỹ BVPTR tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực thực hiện tốt việc thu, chi tiền DVMTR trung bình 149,012 tỷ đồng/năm.
Phấn đấu thu, chi tiền trồng rừng thay thế đối với các đơn vị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng được UBND tỉnh chấp thuận nộp tiền vào Quỹ BVPTR theo quy định, đạt 100% và thực hiện hoàn thành diện tích trồng rừng thay thế được ủy thác. Phấn đấu 100% diện tích rừng có cung ứng DVMTR được bảo vệ bền vững, góp phần duy trì và nâng cao độ che phủ của rừng.