Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, Hà Nội và các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng đều có mưa to và rất to, gây ngập úng và nguy cơ xảy ra sự cố về đê điều. Hà Nội đã chủ động xử lý các sự cố do mưa lũ gây ra.
Báo động lũ lên trên các sông Bùi, Tích, Nhuệ, Đáy
Mưa lớn kéo dài khiến cho các con sông chảy qua địa bàn Thủ đô đều có lưu lượng nước đổ về rất lớn, khiến mực nước ở các con sông này đều lên cao.
Nước trên các con sông chảy qua địa phận Hà Nội đã dâng cao
Số liệu quan trắc cho thấy, vào hồi 7 giờ 50 phút sáng nay (24/7), mực nước sông Bùi tại trạm thủy văn Yên Duyệt là 7,02m, trên mức báo động III (7m) là 0,2m. Hồi 6 giờ 45 phút sáng nay, mực nước sông Nhuệ tại cống Đồng Quan được ghi nhận ở mức 4,0m, ngang với mức báo động I (4,0m).
Tương tự, mưa lớn kéo dài khiến mực nước sông Đáy tại trạm thủy văn Ba Thá vào hồi 4 giờ sáng nay (24/7) đã lên mức 5,51m, cao hơn so với mức báo động I (5,5m). Trong khi mực nước sông Nhuệ tại trạm thủy văn Kim Quan (huyện Thạch Thất) và Vĩnh Phúc (huyện Quốc Oại) cũng đã vượt báo động II (7,6m).
Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã phát lệnh báo động lũ và đề nghị các địa phương tập trung ứng phó. Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đã ký ban hành lệnh báo động lũ trên sông Bùi tại địa phận các xã ven đê thuộc hai huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức.
Lệnh báo động lũ cũng được Hà Nội phát đi để cảnh báo cho các địa phương ven đê sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích thuộc các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức, Chương Mỹ, Mỹ Đức và quận Hà Đông.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đề nghị các địa phương có xã ven các tuyến sông: Bùi, Tích, Nhuệ, Đáy, tập trung triển khai nghiêm túc các quy định khi có báo động lũ cấp I, II, III. Báo cáo thường xuyên về Văn phòng thường trực để có chỉ đạo ứng phó kịp thời.
Một người bị nước cuốn trôi
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hoàn lưu bão số 2 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều địa phương ở miền Bắc. Bước đầu ghi nhận 1 người bị nước cuốn trôi khi đi qua ngầm tràn ở xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.
Vị trí xảy ra tai nạn
Theo thông tin cập nhật từ Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên Tai, chiều tối 23/7 ở địa bàn huyện Quốc Oai, Hà Nội đã có 1 người thiệt mạng do đi qua ngầm tràn, suối đang chảy xiết.
Vào thời điểm đó, nam công nhân sinh năm 1968, có hộ khẩu thường trú tại xã Hòa Thạch (huyện Quốc Oai), trên đường đi làm về qua ngầm Vai Trại, thôn Lập Thành (xã Đông Xuân) đã bị lũ cuốn trôi, dẫn đến tử vong. Hiện, lực lượng chức năng đang điều tra, làm rõ vụ việc.
Mưa lớn đã gây ngập úng hơn 872ha lúa, rau màu, cây ăn quả trên địa bàn các xã: Cấn Hữu, Hòa Thạch, Phú Cát, Tuyết Nghĩa, Liệp Tuyết, Sài Sơn, Phượng Cách… Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và cứu nạn, cứu hộ huyện đã chỉ đạo Xí nghiệp thủy lợi sông Tích và các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện Quốc Oai liên tục cho vận hành 13 trạm bơm tiêu chống úng…
Xử lý khẩn cấp sự cố sụt lún đê bao do mưa lớn
UBND huyện Quốc Oai đã chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn xã Phú Cát xử lý khẩn cấp sự cố sụt lún trên tuyến đê bao Phú Bình, tại xã Phú Cát do mưa lớn gây ra vào chiều ngày 23/7.
Các lực lượng tại chỗ của huyện Quốc Oai đang xử lý sự cố cống tiêu nước đập đê bao
Theo đó, tại vị trí cống tiêu nước đập đê bao Phú Bình bị sụt lún một bên sườn cống đập giáp taluy. Sau đó điểm sạt lở xuất hiện hố trên mặt đê rộng khoảng 80cm, sâu hơn 3m, ăn rỗng vào thân đê và có hiện tượng sạt lở thêm, có thể gây nguy hiểm cho tuyến đê bao Phú Bình.
Ngay sau khi phát hiện sự cố, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện Quốc Oai đã chỉ đạo xã Phú Cát tổ chức cảnh báo trên hệ thống loa truyền thanh, nhóm zalo của các thôn và huy động 5 ôtô chở cát với 500 bao tải và hàng tram người dân cùng lực lượng công an, dân quân xử lý ngay sự cố. UBND xã Phú Cát cũng phân công lực lượng theo dõi, căng dây cảnh báo, nghiêm cấm các phương tiện qua lại khu vực sự cố; giao lực lượng dân quân ứng trực 24/24 giờ, thường xuyên kiểm tra và báo cáo kịp thời mọi diễn biến khu vực xảy ra sự cố.
Trước đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội vừa có Công điện số 02/CĐ-BCH gửi các sở ngành, UBND cấp huyện chỉ đạo tập trung ứng phó với mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 2 gây ra.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đề nghị các sở ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai; thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân biết, chủ động phòng tránh.
Các sở ngành, địa phương khẩn trương rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm kịp thời ứng phó sự cố, thiên tai, bảo đảm an toàn về người và tài sản của nhân dân.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cũng đề nghị Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tập trung rà soát các điểm ngập úng cục bộ, sẵn sàng phương án tiêu thoát nước đô thị. Sở NN&PTNT Hà Nội và các doanh nghiệp thuỷ lợi vận hành linh hoạt hệ thống tiêu nước đệm chống úng ngập vùng trũng thấp, diện tích canh tác nông nghiệp…
Đối với Sở TN&MT Hà Nội, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP đề nghị chỉ đạo tăng cường rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún đất; tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết các dấu hiệu và các kỹ năng xử lý tình huống, ứng phó khi có sự cố thiên tai xảy ra.