Chiều 13/10, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân năm 2022.
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT Hà Tĩnh, đến nay, Hà Tĩnh có gần 8.300 DN đang hoạt động, vốn đăng ký bình quân 27 tỷ đồng/DN, đạt 6,9 DN/1.000 dân. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 1.015 hợp tác xã và hơn 3.850 tổ hợp tác, trên 60.000 hộ kinh doanh (trong đó có 52.500 hộ có đăng ký kinh doanh), đây là khu vực có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển, tiến tới thành lập DN.
Hà Tĩnh có gần 8.300 DN đang hoạt động, cộng đồng DN đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
9 tháng năm 2022, toàn tỉnh thành lập mới 1.100 DN với tổng vốn đăng ký 7.000 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021; 297 DN hoạt động trở lại, tăng 16%.
Trong thời gian qua, cộng đồng DN đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương; tỷ lệ đóng góp của khu vực DN vào nguồn ngân sách tỉnh chiếm gần 79% tổng thu ngân sách và khoảng 81% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Sự phát triển DN đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng (giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ), hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể; giải quyết việc làm cho gần 87.000 lao động.
Các DN đã tham gia tích cực vào công tác an sinh xã hội.
Cùng với những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, trong thời gian qua, các DN đã tham gia tích cực vào công tác an sinh xã hội, ủng hộ người nghèo, thiên tai, bão lụt, dịch bệnh với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Về thu hút đầu tư, trong 9 tháng năm 2022, Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư 15 dự án, trong đó 13 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng, 2 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 280 triệu USD.
Lũy kế đến nay, Hà Tĩnh có 1.487 dự án, trong đó 1.410 dự án trong nước với tổng mức gần 136.000 tỷ đồng; 77 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn gần 18,4 tỷ USD.
Hội nghị có sự tham dự của gần 200 DN, nhà đầu tư và hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn toàn tỉnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã kiến nghị nhiều nội dung quan trọng, tập trung vào các nhóm vấn đề như: Đề nghị các cấp tập trung GPMB để doanh nghiệp sớm triển khai các dự án và công trình đã và đang đầu tư, vì đây là nút thắt, điểm nghẽn quan trọng nhất để đáp ứng tiến độ, hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp. Mặt khác, đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Sớm sửa đổi, bổ sung định mức trong xây dựng: về biện pháp thi công, giá nguyên vật liệu, giá nhân công hợp lý, phù hợp thực tế để đảm bảo tính công bằng, minh bạch, hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại nới hạn mức cho vay để đáp ứng nhu cầu SXKD của DN. Sớm thành lập quỹ tín dụng hỗ trợ DN khởi nghiệp, ưu tiên cho DN trẻ khởi nghiệp và những lĩnh vực nhu cầu xã hội đang cần.
Cần tăng cường công tác quản lý, giám sát, nhắc nhở để các DN dần khắc phục xử lý đảm bảo môi trường. Đề nghị bổ sung quy hoạch thêm mỏ vật liệu gồm: mỏ đất, mỏ đá do hiện nay DN đang khan hiếm vật liệu thi công các công trình...
Buổi đối thoại cũng nghe đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan đã trả lời, giải đáp những vấn đề doanh nghiệp nêu ra.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục có văn bản trả lời thỏa đáng các kiến nghị cụ thể của các doanh nghiệp, HTX.
"Cơ hội đầu tư kinh doanh tại Hà Tĩnh đang ngày càng mở ra, với dư địa rộng lớn cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần. Chính quyền luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển với quan điểm thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh... ”, ông Võ Trọng Hải khẳng định.