Mưa lớn kéo dài cùng triều cường kết hợp nước trên cao đổ xuống khiến mực nước các sông trên địa bàn TP. Hải Phòng lên cao khiến cho nhiều tuyến đường ngập lụt.
Theo Đài Khí tượng thủy văn TP. Hải Phòng, lúc 11h ngày 11/9 mực nước trên sông Luộc tại trạm Chanh Chử là 3,42m (trên BĐ2 là 0,42m); trên sông Văn Úc tại trạm Trung Trang là 2,61m (trên BĐ3 0,01m); trạm Kiến An trên sông Lạch Tray là 2,04m (trên BĐ2 là 0,14m); trên các sông Cấm, Bạch Đằng mực nước đang lên dần mức báo động 1.
Mực nước sông tại Hải Phòng dâng cao.
Dự báo trong 6-12h tới, mực nước trên sông Luộc tại trạm Chanh Chử tiếp tục lên và duy trì ở mức báo động 3; Trên sông Văn Úc tại trạm Trung Trang tiếp tục lên và duy trì ở mức trên báo động 3; Trên sông Lạch Tray tại trạm Kiến An tiếp tục lên đến báo động 3 sau đó đến chiều tối nay xuống chậm; Trên sông Cấm tại trạm Cửa Cấm và sông Bạch Đằng tại trạm Do Nghi lên dần đạt mức trên báo động 1 đến báo động 2 sau đó chiều tối nay xuống chậm.
Do ảnh hưởng lũ thượng nguồn và mưa, từ chiều tối 10/9 đến ngày 11/9 nhiều tuyến phố khu vực TP. Hải Phòng đã xảy ra ngập lụt cục bộ với độ sâu phổ biến 0,2m-0,5m, lượng nước thoát chậm.
Mưa lớn khiến sân trường lụt, phụ huynh gặp khó khăn khi đón con đi học về.
Cảnh báo trong ngày và đêm 11/9, khu vực Hải Phòng tiếp tục có mưa với lượng phổ biến từ 20,0mm-50,0mm cộng thêm lượng nước ngập đến sáng nay chưa thoát hết nên tình trạng ngập vẫn xảy ra tại một số tuyến đường với độ sâu ngập từ 0,2-0,5m.
Ghi nhận của phóng viên Kinh tế nông thôn, đến khoảng 16h chiều nay (11/9), khu vực trung tâm TP. Hải Phòng đã ngớt mưa, một số tuyến đường của địa phương này vẫn trong tình trạng ngập sâu. Điển hình như Lạch Tray, Tô Hiệu, Cầu Đất, Khúc Thừa Dụ…
Mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến phố nội thành Hải Phòng lụt sâu.
Trước tình hình mực nước trên các sông đang lên, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng vừa có Công điện 06/CĐ-CT yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, quận, thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị tập trung triển khai ứng phó với mưa lũ.
Công điện yêu cầu, chủ động rà soát, sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết; chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; hướng dẫn người dân nắm rõ quy trình, thao tác khi có lệnh sơ tán, đảm bảo không bỏ sót người dân. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống ngay từ giờ đầu.
Nhiều xe chết máy phải dắt bộ khi đi qua các điểm ngập lụt.
Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trên địa bàn. Rà soát, có phương án đảm bảo tiêu thoát nước đô thị, khu dân cư và vùng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các công trình đang thi công ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước; sẵn sàng phương án tiêu úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.
Diện tích lúa bị ngập úng sau cơn bão số 3.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn và các địa phương tổ chức kiểm tra triển khai các biện pháp an toàn đê điều, công trình thi công dở dang, rà soát quy trình vận hành đảm bảo chủ động khi có sự cố xảy ra. Hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho lúa và hoa màu, thực hiện xử lý sự cố về đê điều…