Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 27 tháng 7 năm 2023 | 14:35

Hội Làm vườn tỉnh Thái Nguyên nhân rộng VAC tình nghĩa

Nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân có hoàn cảnh khó khăn, tận dụng lợi thế vườn bãi để phát triển kinh tế, gia tăng thu nhập, từ năm 2010, Hội Làm vườn (HLV) tỉnh Thái Nguyên triển khai mô hình VAC tình nghĩa.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thắng, tổ dân phố số 6, phường Cam Giá (TP. Thái Nguyên), là hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vợ mất từ lâu, con gái mắc bệnh tâm thần, còn con trai ông mới bị tai nạn giao thông nên sức khỏe yếu, con dâu không có công việc ổn định. Bản thân ông cũng mắc bệnh hen phế quản mạn tính.

Đầu năm mới, nhận được thông tin của HLV tỉnh lựa chọn gia đình mình để xây dựng mô hình VAC tình nghĩa, ông Thắng vui lắm. Ông bảo: Mảnh vườn của tôi rộng gần 1.500m2, mấy năm nay trồng lôm côm, mỗi cây một ít, lúc hoa giấy, lúc hoa đào, lúc bỏ bê không chăm sóc thành ra chưa mang lại hiệu quả. Đúng lúc tôi muốn chuyển đổi cây trồng thì được HLV tư vấn thiết kế lại vườn, hỗ trợ 40 cây hồng xiêm và phân bón. Các cán bộ về đây trao và trực tiếp trồng cây, phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc, tôi rất biết ơn và sẽ cố gắng chăm sóc để vườn cây mang lại hiệu quả kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Thắng (phường Cam Giá, TP. Thái Nguyên)  được Hội Làm vườn tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ thực hiện mô hình VAC tình nghĩa.

 

Gia đình ông Thắng là một trong số rất nhiều hộ nông dân được HLV tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ thời gian qua. Bà Đào Thị Dung, Chủ tịch HLV tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Cách đây hơn chục năm, xuất phát từ thực tế là nhiều hộ có lợi thế vườn bãi nhưng lại thiếu vốn, kiến thức để phát triển kinh tế VAC, chúng tôi quyết định xây dựng mô hình VAC tình nghĩa. Mô hình hướng đến các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình chính sách có nhân lực, diện tích vườn không mang lại hiệu quả kinh tế. Hình thức trợ giúp là hỗ trợ toàn bộ cây giống, phân bón vi sinh trong năm đầu, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến sản phẩm, hỗ trợ con giống, thuốc, vắc-xin phòng bệnh đối với vật nuôi; hỗ trợ tìm đầu ra với các mô hình có quy mô, sản phẩm lớn...

Việc chọn trồng cây gì, nuôi con gì do các hộ dân quyết định dựa trên tư vấn, định hướng của Hội. Tất cả các hộ được hỗ trợ, HLV sẽ thường xuyên theo sát, trao đổi thông tin, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện mô hình. Để duy trì hoạt động này, Hội chủ động đi “xin” hoặc vận dụng từ các chương trình, dự án của các công ty, đơn vị.

Trung bình mỗi năm, HLV tiến hành khảo sát, lựa chọn để xây dựng 4-5 mô hình. Thông thường, với mô hình trồng cây, Hội hỗ trợ tương đương 4 triệu đồng/hộ; mô hình nuôi gà  tương đương 10 triệu đồng/hộ. 

Đến nay, trên 50 hộ được HLV tỉnh hỗ trợ thực hiện mô hình VAC tình nghĩa (chủ yếu là trồng cây ăn quả) với tổng trị giá gần 400 triệu đồng. 

Từ mô hình của HLV tỉnh, HLV các huyện, thành phố cũng triển khai thực hiện tại địa bàn với trên 900 hộ. Các mô hình về cây ăn quả chủ yếu như: hồng xiêm, mít Thái, bưởi đỏ Tân Lạc; mô hình chăn nuôi chủ yếu là gà thả vườn. 

Đến nay, các hộ tham gia mô hình đều duy trì vườn cây với tỷ lệ cây sống, phát triển tới hơn 99%; đàn vật nuôi được chăm sóc tốt, phát huy hiệu quả, giúp các hộ cải thiện thu nhập. Có thể kể đến một vài trường hợp tiêu biểu như: Vườn cây ăn quả của ông Nguyễn Trọng Hợp (xã Tân Quang, TP. Sông Công);  nuôi gà thả vườn của ông Hầu Văn Đạt ở xóm Đồng Luông, xã Tân Long (Đồng Hỷ)…

Bà Dung cho biết thêm, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm các chương trình, dự án, vận dụng các nguồn lực để tiếp tục xây dựng, nhân rộng mô hình VAC tình nghĩa tới hội viên có hoàn cảnh khó khăn, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

 

Lưu Phượng/Báo Thái Nguyên
Ý kiến bạn đọc
Top