Bộ trưởng Nông nghiệp Hungary Nagy xác nhận nước này sẽ tạm ngừng nhập khẩu ngũ cốc và hạt có dầu từ Ukraine, cũng như một số sản phẩm nông nghiệp khác "để bảo vệ lợi ích của nông dân trong nước".
Sau Ba Lan, Hungary là nước tiếp theo trong Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố tạm ngừng nhập khẩu nông sản của Ukraine.
Hungary cấm nhập khẩu nhiều nông sản của Ukraine. (Nguồn: Hungary Posts English)
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 15/4, trang web của Chính phủ Hungary đăng tải thông báo của Bộ trưởng Nông nghiệp Istvan Nagy xác nhận Hungary sẽ tạm ngừng nhập khẩu ngũ cốc và hạt có dầu từ Ukraine, cũng như một số sản phẩm nông nghiệp khác.
Quan chức này khẳng định quyết định trên xuất phát từ “lợi ích của người nông dân trong nước” và có hiệu lực đến ngày 30/6/2023.
Trước đó cùng ngày, Chính phủ Ba Lan đã quyết định dừng nhập khẩu ngũ cốc và các thực phẩm khác từ Ukraine để bảo vệ ngành nông nghiệp nước này.
Phần lớn ngũ cốc sản xuất tại Ukraine vốn có giá rẻ hơn các sản phẩm tương tự ở EU đang tồn tại các nước Trung Âu do không thể xuất đi khu vực khác vì tắc nghẽn hậu cần, ảnh hưởng đến giá bán và lưu thông sản phẩm của nông dân các nước này.
Nông dân Ba Lan gần đây phản ứng mạnh vì ngũ cốc nhập khẩu từ Ukraine đã làm giảm giá ngũ cốc trong nước. Điều này đã tạo ra vấn đề chính trị đối với đảng Pháp luật và Công lý (PiS) cầm quyền ở Ba Lan trong năm bầu cử.
Ngày 15/4, chính phủ Ba Lan đã quyết định cấm nhập khẩu ngũ cốc và các thực phẩm khác từ Ukraine để bảo vệ ngành nông nghiệp nước này.
Không chỉ cấm nhập khẩu ngũ cốc, Ba Lan còn cấm nhập khẩu hàng chục loại thực phẩm khác từ Kiev như các sản phẩm mật ong và cùng nhiều loại mặt hàng khác.
Chính phủ Ukraine chỉ trích quyết định của chính phủ Ba Lan cấm nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm của Ukraine, bao gồm cả nguồn cung cấp quá cảnh sang các nước khác, là vi phạm các thỏa thuận đã ký kết trước đó./.
Duy Trinh (TTXVN/Vietnam+)
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.