Hơn 1.000ha cao su, cây ăn quả, hồ tiêu… ở Thừa Thiên - Huế đang bị sâu bệnh gây hại, nhiều khả năng lây lan diện rộng, nhiễm nặng do thời tiết diễn biến phức tạp, bất thường.
Nguy cơ lây lan diện rộng
Từ nhiều ngày nay, ông Dương Văn Bi cũng như nhiều người dân xã Hương Bình (TX. Hương Trà) lo lắng trước nhiều diện tích cao su đang bị bệnh loét sọc miệng cạo, xì mủ. Bà con cũng đã triển khai các biện pháp bằng kinh nghiệm và sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, khuyến nông nhưng vẫn chưa thể chữa trị các loại bệnh. Thậm chí, một số bệnh có thể lây lan trên nhiều diện tích cao su khi thời tiết diễn biến thất thường, khó lường như hiện nay.
Theo phản ánh của người dân các địa phương, hiện có khoảng 500ha cao su trên địa bàn Thừa Thiên - Huế đang bị các bệnh xì mủ, loét sọc miệng cạo gây hại khá nặng. Các đối tượng sinh vật như thán thư, nấm hồng, đốm lá, rụng lá corynespora… gây hại cục bộ, tỷ lệ bệnh thấp.
Người dân xử lý bệnh loét sọc miệng cạo.
Các loại bệnh trên được xác định rất nguy hiểm đối với cao su, đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị hiệu quả. Theo người dân, các loại bệnh này xuất hiện từ lâu trên cây cao su và hằng năm đều xảy ra, gây ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây, giảm năng suất và chất lượng mủ.
Với bệnh xì mủ hiện có khoảng 215ha bị nhiễm với tỷ lệ 5-10%, tập trung tại các huyện Phong Điền, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới và TX. Hương Trà. Bệnh loét sọc miệng cạo bị nhiễm 260ha, tỷ lệ bệnh 5-10%, chủ yếu tại các huyện Phong Điền, Nam Đông, A Lưới, TX. Hương Trà.
Trên cây bưởi thanh trà, cam và một số loại cây ăn quả cũng đang bị sâu bệnh gây hại khá nặng như chảy gôm, muội đen, sâu đục thân, sâu vẽ bùa, bệnh vàng lá greening… Trong đó, hai loại bệnh nguy hiểm, đang gây hại khá nặng là chảy gôm và muội đen, các bệnh khác gây hại rải rác với tỷ lệ thấp.
Hai bệnh muội đen, chảy gôm gây hại khoảng 300ha, tăng gần 10ha so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ bệnh 5-10%, nơi cao 20-30%, tập trung tại các địa phương như Phong Thu (Phong Điền), Hương Vân (TX. Hương Trà), Thủy Biều (TP. Huế), Hương Phú, Thượng Quảng (Nam Đông).
Đáng chú ý, trên cây tiêu đang cùng lúc xảy ra nhiều loại bệnh nguy hiểm như thán thư, chết nhanh, chết chậm, đốm rong, tuyến trùng, rệp sáp… với diện tích khoảng 90ha. Tỷ lệ bệnh gây hại phổ biến trên hồ tiêu 3-5%, nơi cao 10-20%. Riêng các đối tượng sinh vật khác như tuyến trùng, rệp sáp… gây hại cục bộ, song dự báo có nguy cơ lây lan diện rộng.
Hướng dẫn vệ sinh vườn
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TTBVTV) tỉnh Thừa Thiên - Huế - ông Lê Văn Anh dự báo, bệnh xì mủ, loét sọc miệng cạo... trên cao su tiếp tục phát sinh gây hại trong thời gian tới. Trên cây ăn quả có khả năng tiếp tục xảy ra các loại bệnh chảy gôm, sâu vẽ bùa, sâu đục thân, đục cành, rệp... Các loại bệnh thán thư, đốm rong, chết nhanh, chết chậm… tiếp tục phát sinh gây hại trên cây hồ tiêu.
Chi cục TT&BVTV đang phối hợp với các địa phương theo dõi chặt chẽ một số bệnh gây hại như rụng lá corynespora, rụng lá đốm tròn, loét sọc miệng cạo, xì mủ... trên cao su để có biện pháp hỗ trợ người dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả nhằm hạn chế lây lan, gây hại trên diện rộng.
Đối với cây ăn quả, hồ tiêu, Chi cục TT&BVTV Thừa Thiên - Huế đang tổ chức hướng dẫn nông dân vệ sinh vườn, cắt tỉa các cành vượt, cành sâu bệnh, thoát nước tốt cho vườn. Cán bộ kỹ thuật, bảo vệ thực vật hỗ trợ bà con tăng cường chăm sóc, bón phân cân đối, bón phân chuồng hoai mục giúp cây sinh trưởng, phát triển khỏe, chống chịu sâu bệnh gây hại, quản lý, phòng trừ bệnh chảy gôm và các đối tượng sinh vật gây hại khác một cách hiệu quả, kịp thời.Người dân xử lý bệnh loét sọc miệng cạo.