Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 27 tháng 2 năm 2024 | 11:5

Kêu gọi thế giới đầu tư nhiều hơn để tạo các hệ thống lương thực lành mạnh, bền vững

Tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trên toàn cầu do xung đột và biến đổi khí hậu là chủ đề chính của phiên thảo luận cấp cao mới đây do Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc tổ chức.

Đây là vấn đề gai góc trong nhiều cuộc đàm phán về lương thực, khí hậu trước đó; việc tăng cường đóng góp tài chính để giúp các nước nghèo ứng phó rủi ro một lần nữa được nhấn mạnh tại phiên họp.

Hành động ngay lập tức

Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, chiến tranh và bất ổn khí hậu nằm trong số những nguyên nhân chính khiến nạn đói gia tăng và đây cũng là mối đe dọa chính đối với hòa bình, an ninh thế giới. Ông Antonio Guterres kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và cộng đồng quốc tế hành động ngay lập tức để ngăn chặn tình trạng mất an ninh lương thực.

Nhấn mạnh các hình thái khí hậu cực đoan ngày càng diễn ra thường xuyên và khốc liệt, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Lương - Nông Liên Hợp quốc (FAO) Beth Bechdol nhận định, cộng đồng quốc tế chỉ còn bảy năm nữa để nỗ lực đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc (SDG). Vậy nhưng, tiến trình đi đến Mục tiêu số 2, nghĩa là “Không còn nạn đói” vào năm 2030, ngày càng bộc lộ sự chệch hướng. Theo FAO, có 258 triệu người tại 58 quốc gia đang đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng ở mức độ cao.

Dịch Covid-19 khiến nhiều nước đối mặt nguy cơ thiếu lương thực.

Việc Guyana đề xuất tổ chức phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc về an ninh lương thực đã phản ánh mối quan tâm đặc biệt của quốc gia Nam Mỹ này đối với vấn đề gây nhức nhối lâu nay tại châu Mỹ. Báo cáo của Liên Hợp quốc cho biết, khoảng 43,2 triệu người, tương đương 6,5% dân số tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe đang sống trong tình trạng thiếu ăn.

Ông Mario Lubetkin, Phó Tổng Giám đốc FAO phụ trách Mỹ Latinh và Caribe cảnh báo, trong khi tình trạng thiếu ăn tại khu vực tiếp tục ở mức đáng báo động, các tổ chức quốc tế cũng như các chính phủ sở tại chưa tìm được giải pháp hữu hiệu để cải thiện tình hình, khiến mục tiêu xóa đói nghèo vào năm 2030 ngày càng xa vời. Khu vực này cũng hứng chịu những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, làm suy giảm nghiêm trọng sản lượng nông nghiệp.

Tạo sinh kế bền vững

Phó Tổng Giám đốc Beth Bechdol lập luận: “Biến đổi khí hậu và xung đột là những vấn đề nghiêm trọng nhất, đòi hỏi phải hành động khẩn cấp để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu. Các bằng chứng khoa học rõ ràng và định hướng chính sách chỉ rõ biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến an ninh lương thực và tác động của nó là mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế”. Theo Phó Tổng Giám đốc FAO, vấn đề này gây ra tác động đáng báo động đối với nhân loại và hành tinh.

Theo FAO, có 258 triệu người tại 58 quốc gia đang đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng ở mức độ cao.

Bà Bechdol nhấn mạnh: “Điều tôi mong muốn xử lý lúc này là hệ thống thực phẩm nông nghiệp, bao gồm toàn bộ quá trình sản xuất lương thực, từ trồng trọt đến bảo quản. Với tình trạng khí hậu cực đoan ngày càng trở nên thường xuyên và khốc liệt hơn, tôi cũng muốn lưu ý rằng cuộc khủng hoảng khí hậu không chừa một ai, nhưng nó không ảnh hưởng đến mọi người như nhau hoặc theo cùng một cách”.

Cũng trong bài phát biểu, bà Bechdol  còn đề cập tới mức độ dễ bị tổn thương ngày càng cao của những người dân sống phụ thuộc vào nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là những người ở khu vực nông thôn hoặc nông dân. Bà đánh giá: “Sinh kế của những nhóm dân cư này rất dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu”.

Ngoài ra, bà Bechdol còn nhấn mạnh tầm quan trọng của sinh kế bền vững, khả thi trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro an ninh liên quan đến khí hậu và khả năng biến đổi khí hậu góp phần gây ra xung đột. Bà Bechdol nhắc lại cam kết của FAO về việc giải quyết những thách thức này. Bà nêu rõ: “Không có an ninh lương thực nếu không có hòa bình, và không có hòa bình nếu không có an ninh lương thực!”.

Trích dẫn Báo cáo toàn cầu năm 2023 về khủng hoảng lương thực, trong đó xác định xung đột và biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính gây mất an ninh lương thực, Phó Tổng Giám đốc FAO giải thích: “Mặc dù có thể không có mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa hai vấn đề, nhưng có bằng chứng rõ ràng cho thấy biến đổi khí hậu làm gia tăng rủi ro cũng như nguyên nhân gây ra xung đột và bất ổn”.

Đoàn kết trong đảm bảo an ninh lương thực

Các nhà lãnh đạo kêu gọi thế giới phát huy tinh thần đoàn kết trong giải quyết bài toán mất an ninh lương thực, trong đó có tăng cường đóng góp về tài chính. Tiềm lực tài chính hạn chế cộng với gánh nặng nợ nần là rào cản đối với nỗ lực cải thiện hệ thống lương thực của các nước đang phát triển.

Thư ký Điều hành Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu Simon Stiell cho rằng, các nước đang phát triển, vốn dễ bị tổn thương trước những cú sốc về khí hậu, cần khoảng 2.400 tỷ USD mỗi năm để xây dựng nền kinh tế năng lượng sạch và có khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu. Tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu lao đao bởi đại dịch Covid-19, xung đột và nhiều yếu tố khác, khoảng cách giữa nhu cầu về tài chính và khả năng đáp ứng còn rất lớn.

Áp dụng khoa học-công nghệ và các sáng kiến đổi mới để chuyển đổi hệ thống lương thực là giải pháp đang được giới lãnh đạo các nước cùng giới chuyên gia khuyến khích thực hiện, nhất là khi công nghệ đang phát triển như vũ bão. Các ứng dụng chatbot sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thời gian qua giúp người dân giải quyết nhiều thách thức của nông nghiệp hiện đại.

Mới đây, trang trại nhà kính Takamiya No Aisai ở Nhật Bản đã sử dụng robot AI để thu hoạch dưa chuột, trong khi Công ty Inaho ở tỉnh Kanagawa của nước này phát triển thành công robot AI thu hoạch cà chua bi, tạo triển vọng xử lý vấn đề thiếu nhân lực. Sự chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác nghiên cứu giữa các nước là cần thiết để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tham tán công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc, nhấn mạnh, nghèo đói vừa là gốc rễ vừa là hậu quả của xung đột, trong khi biến đổi khí hậu là tác nhân làm trầm trọng hơn tình trạng mất an ninh lương thực, cũng như gia tăng nguy cơ đe doạ hoà bình, ổn định quốc tế.

Đại diện Việt Nam cho rằng, Hội đồng Bảo an cần và có thể làm nhiều hơn để phá vỡ vòng luẩn quẩn của biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và xung đột. Thứ nhất, Hội đồng Bảo an cần phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò ngăn chặn xung đột, có cách tiếp cận toàn diện và cân bằng hơn giữa các mối đe doạ an ninh truyền thống và phi truyền thống. Thứ hai, cần tăng cường tham vấn, phối hợp với các cơ quan Liên Hợp quốc, các cơ chế và sáng kiến liên quan ở cấp độ quốc tế, khu vực, quốc gia để xử lý kịp thời các nguy cơ an ninh từ biến đổi khí hậu và mất an ninh lương thực. Thứ ba, cần bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp quốc trong xung đột, theo đó các bên liên quan không được tấn công và phá hủy các cơ sở hạ tầng khí hậu và hạ tầng dân sự thiết yếu, nhất là có các sơ sở cung cấp nước và lương thực, theo các Nghị quyết 2417 và 2573 của Hội đồng Bảo an.

Tại phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới đầu tư nhiều hơn nhằm tạo ra các hệ thống lương thực lành mạnh, công bằng và bền vững theo hướng “nuôi dưỡng mà không hủy hoại hành tinh”, đồng thời khẩn trương hành động giải quyết xung đột, gìn giữ hòa bình. Để đạt mục tiêu xóa đói nghèo, cần nhiều hơn nữa nỗ lực cùng sự đoàn kết, hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top