Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 2 năm 2023 | 10:49

Khủng hoảng trứng gà ở Mỹ

Theo Forbes, ở đa số các thành phố tại Mỹ, giá một tá trứng (12 quả) đã tăng gấp đôi so với năm trước. Trứng vốn là nguồn protein bổ dưỡng và vốn dĩ khá rẻ, nên điều này đang tác động tiêu cực đến người dân.

Các nhà sản xuất đang thao túng thị trường?

Nếu hỏi nguyên nhân gây ra sự khủng hoảng trứng gà, đa số các nhà sản xuất trứng lớn ở Mỹ cho rằng do bệnh cúm gia cầm hoặc cúm gia cầm gây bệnh cao (HPAI).

Nhóm công nghiệp Farm Action đã kêu gọi Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ kiểm tra lợi nhuận của các công ty trứng, cáo buộc nhà sản xuất trứng hàng đầu của Mỹ Cal-Maine về hành vi tăng giá. Mặc dù sản lượng trứng của Mỹ giảm 5% trong tháng 10/2022 so với cùng kỳ năm 2021 và hàng tồn kho giảm 29% trong khoảng thời gian 12 tháng kết thúc vào tháng 12/2022, những thống kê này không giải thích được mức giá cao kỷ lục, luật sư Basel Musharbash của Farm Action nói với Fox News.

Trứng gia cầm được bày bán bên trong một siêu thị Costco ở Hawthorne, bang California, vào ngày 26/01/2023. Ảnh: FALLON/AFP

Cal-Maine đã bảo vệ giá sản phẩm của mình, lập luận rằng chi phí sản xuất và vận chuyển cao hơn cũng đóng một vai trò trong việc giá trứng tăng cao. Doanh số bán hàng của công ty trong quý cuối cùng của năm 2022 tăng 110% và lợi nhuận gộp tăng hơn 600% trong năm này.

Điều đáng chú ý là, ngành công nghiệp trứng ở Hoa Kỳ không thực sự phân bổ đều. Theo Forbes, 10 nhà sản xuất trứng hàng đầu kiểm soát khoảng một nửa số trứng của đất nước. Để so sánh, trong ngành thịt lợn, 4 công ty hàng đầu chiếm khoảng 70% thị trường. Đối với thịt bò, 80% thị trường được kiểm soát bởi 4 công ty hàng đầu.

Theo báo cáo của Viện Thị trường Mở, sự bất đồng đều trong ngành công nghiệp trứng đang dẫn đến các lỗ hổng nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng, thậm chí gây tổn hại cho các loài gia cầm. Như với bất kỳ dịch bệnh nào, dù là Covid-19 hay cúm gia cầm, các bệnh nhiễm trùng lây lan nhanh hơn nhiều trong điều kiện đông đúc, đặc biệt ở các trang trại gia cầm công nghiệp hóa và tập trung cao độ.

Cúm gia cầm là có thật nhưng kể cả thế, giá trứng vẫn đang tăng quá mức. Đây là lần đầu tiên từ những năm 1980 mà nước Mỹ trải qua tình trạng lạm phát chóng mặt như vậy. Câu chuyện con gà và quả trứng chỉ là triệu chứng bên ngoài của tâm lý đối phó với lạm phát nhưng sẽ còn tạo tác động sâu sắc tới xã hội, ngay cả khi giá cả đã tăng chậm lại.

Tình trạng thiếu trứng ngày một tệ hơn

Theo các chuyên gia, trứng là mặt hàng chủ lực trong giỏ thức ăn hằng ngày của người tiêu dùng trên khắp thế giới. Trong nhiều thập kỷ qua, trứng vẫn được mua dễ dàng và tương đối rẻ, từ các cửa hàng tạp hóa, và thường dự trữ trong nhà bếp của các gia đình.

Tuy nhiên, mặt hàng thiết yếu này ngày càng trở nên khó kiếm hoặc đắt đỏ hơn trong những tháng gần đây. Tại một số cửa hàng trên khắp nước Mỹ, khách hàng đã bị giới hạn số lượng hộp trứng mà họ có thể mua.

Một trong những lý do đằng sau sự thiếu hụt đột ngột hiện nay là sự bùng phát của dịch cúm gia cầm, bắt đầu vào năm ngoái, đã giết chết hàng triệu con gia cầm ở hàng chục quốc gia trên thế giới, bao gồm cả gia cầm và chim hoang dã. Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA),  trên 58 triệu con gia cầm ở 47 bang đã bị ảnh hưởng bởi dịch cúm lây lan.

Những vỉ trứng đã trở thành biểu tượng của lạm phát ở Mỹ (theo Guardian).

Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng cũng được cho là nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt trứng lan rộng hiện nay, cũng như lạm phát và chi phí xăng, dầu tăng mạnh vào năm ngoái. Tuy nhiên, trong khi lạm phát được kiềm chế từ cuối năm ngoái, giá trứng đã đạt đỉnh vào tháng 12, khi chi phí trung bình cho một tá trứng ở các thành phố của Mỹ đạt 4,25 USD (tương đương 8.500 đồng/quả), cao hơn 1,78 USD so với năm trước đó.

Thời gian tới, khi lễ Phục sinh đến gần (9/4), tình trạng khủng hoảng thiếu trứng gia cầm vẫn dường như không có bất kỳ giải pháp nào.

Theo các chuyên gia, khó khăn lớn là chi phí nhiên liệu, vận chuyển, thức ăn chăn nuôi và đóng gói tăng lên kể từ đại dịch Covid-19 cùng với dịch cúm gia cầm hiện vẫn không có dấu hiệu chững lại.

Theo đó, ít gia cầm hơn có nghĩa là ít trứng hơn, đặc biệt là khi virus cúm gia cầm đang có xu hướng ảnh hưởng nhiều đến những đàn gia cầm nuôi đẻ trứng hơn là đàn gia cầm nuôi lấy thịt. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, việc tiêu hủy gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi thương mại trong nước đã khiến nguồn cung trứng tại quốc gia này giảm trung bình 7,5%/tháng kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào năm ngoái. Ngoài ra, khi mùa xuân đến gần, cùng với sự di cư mới của các loài chim hoang dã, rất có thể một làn sóng lây nhiễm mới có thể sẽ tấn công đàn gia cầm Mỹ.

Buôn lậu trứng gia tăng

Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ cảnh báo, người dân nước này không nên buôn lậu trứng hoặc gia cầm sống qua biên giới từ Mexico. Số vụ bắt giữ trứng sống dọc biên giới Mexico tăng 108% trong quý cuối cùng của năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, chuyên gia giám sát nông nghiệp của CBP Charles Payne nói với KTSM chi nhánh của El Paso NBC.

Trong cùng khoảng thời gian ba tháng cuối năm 2022, giá trung bình của một tá trứng ở Mỹ tăng từ 3,5 USD lên 5,3 USD. Trong khi đó, ở bên kia biên giới, tại Juarez của Mexico, một khách hàng có thể mua được 30 quả trứng với giá chỉ 3,4 USD, chi nhánh của NBC báo cáo, đây quả là  “món hời”, miễn là việc mua trứng này không bị bắt.

Trong ngắn hạn, giá trứng tại Mỹ được dự báo vẫn ở mức cao do dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, khi các nhà sản xuất gia tăng sản lượng, giá trứng được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt phần nào trong năm nay.

Ông Payne cảnh báo những người buôn lậu trứng, họ phải đối mặt với các hình phạt dân sự vì cố gắng tiết kiệm tiền mua hàng, với số tiền phạt vì không khai báo số tiền sử dụng cá nhân trung bình khoảng 300 USD. Trong khi đó, Văn phòng thực địa San Diego cảnh báo trên Twitter về “các hình phạt lên tới 10.000 USD”, nặng hơn nhiều đối với việc “không khai báo các mặt hàng nông nghiệp”, ông Payne nói rõ rằng các khoản tiền phạt nặng hơn được áp dụng cho “những lô hàng thương mại bất hợp pháp không được khai báo”.

Trong khi lạm phát gần như lên mức kỷ lục trên khắp nước Mỹ, đẩy giá của tất cả các mặt hàng lên cao, Dịch vụ Nghiên cứu Kinh tế của Bộ Nông nghiệp Mỹ đổ lỗi cho dịch cúm gia cầm độc lực cao đã làm tăng giá trứng. Họ cho rằng, căn bệnh này đã buộc phải giết mổ 43 triệu con gà mái đẻ trứng chỉ riêng trong năm 2022. Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nói với NBC, nông dân được khuyến khích mạnh mẽ để tiêu hủy toàn bộ đàn gà chỉ vì nghi tiếp xúc với virus cúm gia cầm, theo đó hàng triệu con gà khỏe mạnh cũng bị tiêu hủy.

 

Chanh
Ý kiến bạn đọc
Top