Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 9 tháng 8 năm 2023 | 9:0

Kiên quyết xử lý tàu cá vi phạm để gỡ “thẻ vàng” IUU

Các cơ quan và lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, thậm chí xử lý đối với các tàu đánh bắt cá, vi phạm quy định chống khai thác hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU). Tuy nhiên, vẫn còn tàu cá không chấp hành, rất cần chế tài mạnh để xử lý tàu cá vi phạm nhằm gỡ bỏ “thẻ vàng”.

Vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm

Theo ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT), vấn đề IUU được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang  đã đi kiểm tra, làm việc trực tiếp tại 2 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau. Qua kiểm tra, đánh giá một số mặt đạt được như việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 100%, tiến bộ về quản lý đội tàu, xác định nguồn gốc hải sản…

Số vụ vi phạm khai thác hải sản trái phép giảm đáng kể so với năm 2022.

Nhưng tình trạng tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ vẫn còn xảy ra. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam ghi nhận 14 vụ vi phạm quy định chống khai thác hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU). Kết quả xử lý vi phạm hành chính còn thấp; việc lắp đặt thiết bị giám sát đã thực hiện gần 100% nhưng vẫn có tình trạng không vận hành; chưa có giải pháp để kiểm soát việc cập bến của các tàu cá...

Quảng Nam là địa phương trọng điểm về khai thác thủy sản, với số lượng tàu cá và lực lượng lao động hành nghề khai thác biển lớn. Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến ngày 5/5, toàn tỉnh có 2.715 tàu cá, trong đó tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động vùng khơi là 657 chiếc, tàu cá hoạt động vùng lộng 720 chiếc, tàu cá hoạt động vùng bờ 1.338 chiếc.

Dù đã có những chuyển biến về chống khai thác IUU nhưng vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Gần đây, vào ngày 2/4, tàu cá QNa 94916TS đã vi phạm ranh giới biển trong thời gian gần 2 giờ, mất tín hiệu giám sát hành trình 5 ngày, đã bị xử phạt 25 triệu đồng. Hay tàu cá QNa 91697TS vi phạm ranh giới được phép khai thác 12 ngày (từ ngày 15/3 đến ngày 27/3). Hiện nay Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà đang xác minh để xử lý tàu cá này.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, đến cuối tháng 7/2023, tỉnh có 2.934 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đang hoạt động đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Trong số 207 tàu còn lại có 128 tàu đã nằm bờ nhiều năm và 55 tàu hoạt động ở ngoài tỉnh nhiều năm không về địa phương.

Khai thác thuỷ sản sẽ chịu nhiều ảnh hưởng khi vấn đề khai thác vi phạm IUU chưa chấm dứt.

Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp quản lý tàu cá trên địa bàn, nhưng tình trạng phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; hành nghề không có giấy phép khai thác vẫn còn diễn ra. Tính từ đầu năm đến nay, thông qua hệ thống giám sát tàu cá, cơ quan chức năng đã phát hiện 81 tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển và 260 tàu cá mất kết nối trên biển trên 10 ngày. Từ đó, xử phạt vi phạm hành chính 31 chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm chống khai thác IUU với số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trên đây chỉ là một con số rất ít về những vụ vi phạm quy định chống khai thác hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU) xảy ra ở một số địa phương, đã bị các lực lượng chức năng xử lý theo các quy định của pháp luật. Mặc dù con số vi phạm không nhiều nhưng cũng cho ta thấy được việc chấp hành của các ngư dân khi đánh bắt cá trên biển vẫn coi thường các quy định vi phạm tại các vùng biển cấm, điều này gây nguy hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản nước ta.

Nguyên nhân dẫn đến vẫn còn hiện tượng vi phạm các quy định của IUU?

Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngư dân vi phạm các quy định chống khai thác hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU) là nguồn thủy sản ở các vùng biển được phép đánh bắt của nước ta đã cạn kiệt, thêm vào đó là giá cho chi phí đầu vào như giá dầu và nhân công tăng cao.

Nguyên nhân dẫn đến vi phạm IUU tiếp theo là vì lợi ích kinh tế, chủ tàu hoặc thuyền trưởng đã cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Mặt khác, mối quan hệ giữa chủ tàu, thuyền trưởng và thuyền viên không đơn thuần là làm công ăn lương mà là ăn chia trên lợi nhuận thu được. Do đó, họ đều có động cơ, mục đích giống nhau là thu lợi nhuận tối đa sau mỗi chuyến đi biển.

Nguyên nhân khác đến từ công tác quản lý, quy hoạch vùng khai thác biển là việc phát triển số lượng lớn tàu khai thác trên các vùng biển Việt Nam đã tạo ra cường lực khai thác lớn làm cho nguồn lợi giảm dần theo thời gian. Trong khi công tác tái tạo nguồn lợi thuỷ sản chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Một nguyên nhân khách quan khác dẫn đến gia tăng vi phạm khai thác IUU đó là có sự tiếp tay, bao che của lực lượng chức năng nước ngoài cho tàu cá ngư dân Việt Nam đóng thuế, hối lộ để được khai thác hải sản.

Thủ đoạn vi phạm trong khai thác IUU càng ngày càng tinh vi để đưa tàu cá ra nước ngoài khai thác như: các chủ tàu sử dụng các tàu hết hạn đăng kiểm, bị xoá đăng ký; lợi dụng thời tiết tắt giám sát hành trình, tắt VMS để trốn lực lượng tuần tra; hợp thức hoá thủ tục tàu Việt Nam thành tàu nước ngoài… Vấn đề này đang thực sự bất cập khi chế tài xử phạt hành vi khai thác IUU còn thấp so với các vụ vi phạm, đặc biệt hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài, ngắt kết nối VMS trên 10 ngày khi tàu cá hoạt động ngoài khơi (Quy định tàu ngắt kết nối từ 10 ngày trở lên sẽ bị xử lý. Giờ thì các tàu, chủ tàu tranh thủ ngắt kết nối dưới 10 ngày, sau đó bật thiết bị-PV). Ngoài ra, còn có các thủ đoạn tinh vi khác trong đối phó khi bị bắt giữ, môi giới chuộc tàu và ngư dân…

Tăng chế tài xử phạt để chấm dứt tình trạng vi phạm quy định này

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, gỡ thẻ vàng thủy sản ngay trong năm nay là quyết tâm của Việt Nam và được xác định là không phải để đối phó với kiểm tra của Uỷ ban châu Âu (EC) mà là thay đổi nghề cá Việt Nam theo hướng bền vững hơn. Điều này đòi hỏi từng ngư dân có trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật, vì lợi ích quốc gia, lợi ích của chính ngư dân.

Cần tăng chế tài xử phạt đối với các tài cá vi phạm quy định IUU

Nhiệm vụ đặt ra trước mắt, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, là cần quản lý tốt tàu cá và giám sát chặt chẽ đội tàu. “Tàu đi đánh bắt về phải có nhật ký, nhưng thời gian quan kiểm tra thì thấy ngư dân viết như hồi ký. Mà nhật ký lại toàn chữ… giống nhau. Do đó cần quản lý đội tàu tốt hơn. Quản tàu, quán cá chưa triệt để thì chưa thể truy xuất được nguồn gốc…”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá.

Đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết thêm, thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu, bổ sung thêm 6 thiết bị phạt nguội để xử lý vi phạm IUU của các tàu cá, giống như cảnh sát thực hiện với phương tiện giao thông đường bộ. Cùng với đó, sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng để giải quyết đồng bộ các vấn đề về đánh bắt hải sản.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 269/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ngày 28/6/2023.

Theo đó, về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không theo quy định và không khai báo (IUU), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hành động quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ trước mắt, các giải pháp trọng tâm chống khai thác IUU, chuẩn bị kỹ kế hoạch, nội dung làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu lần thứ 4, phấn đấu mục tiêu đến tháng 10/2023 gỡ cảnh báo "Thẻ vàng".

Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Ngoại giao và các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2023 về "Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định".

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan có giải pháp hiệu quả ngăn chặn, không để tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Bộ Công an khẩn trương củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các đối tượng môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Chú trọng phát triển các mô hình chuyển đổi nghề hiệu quả.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển khẩn trương thành lập Kiểm ngư địa phương theo quy định tại Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn liên quan. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng ngăn chặn, xử lý không để tàu cá địa phương vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm công tác quản lý tàu cá; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu cá địa phương và tàu cá của tỉnh khác hoạt động tại địa phương; tập trung cao điểm thực thi pháp luật, xử phạt triệt để các hành vi khai thác IUU. Tuân thủ công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định. Điều động, luân chuyển, biệt phái đảm bảo bố trí đủ nhân lực, kinh phí thực hiện nhiệm vụ quản lý tàu cá, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện về việc khẩn trương thực hiện các biện pháp mạnh chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4 đến tháng 10/2023 điện Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển.

Dự kiến EC sang Việt Nam thanh tra thực tế lần thứ 4 vào tháng 10/2023, để chuẩn bị tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC đạt kết quả tốt nhất, quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU) đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách từ nay đến tháng 10/2023.

Các địa phương thường xuyên thanh tra, kiểm tra và nghiêm túc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Trước ngày 30/9/2023, các tỉnh thành báo cáo kết quả thực hiện chống khai thác IUU về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Kiểm ngư) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top